Chuyển biến tích cực trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho giới trẻ

Thu Hương 28/12/2018 09:00

Ngày 27/12, Bộ Giáo dục – Đào tạo (GĐ-ĐT) tổ chức hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”.

Chuyển biến tích cực trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho giới trẻ

Quang cảnh buổi họp trực tuyến.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, sau ba năm triển khai thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống (LTCMĐĐLS) cho thanh thiếu niên và nhi đồng của các bộ, ngành và các địa phương đã có chuyển biến tích cực.

Công tác giáo dục LTCMĐĐLS cho thanh thiếu niên và nhi đồng gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được cụ thể hóa thành nhiều chương trình, kế hoạch thiết thực, phù hợp với điều kiện địa phương, vùng miền, lứa tuổi, cấp học, ngành nghề đào tạo.

Các hoạt động tuyên truyền về giáo dục LTCMĐĐLS được đẩy mạnh, hình thức triển khai phong phú, sinh động. Các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục đã chú trọng tuyên truyền thông qua Cổng thông tin điện tử, sử dụng hiệu quả Internet, mạng xã hội để nắm bắt tình hình tư tưởng của thanh thiếu niên, học sinh - sinh viên (HSSV) và chia sẻ thông tin, tuyên truyền, giáo dục.

Việc đổi mới nội dung chương trình, hình thức giáo dục LTCMĐĐLS cho thanh thiếu niên và nhi đồng được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo trong ngành giáo dục và trong các hoạt động của tổ chức Đoàn thanh niên đã tạo hiệu quả rõ rệt.
Cảnh quan, môi trường giáo dục từng bước được cải thiện theo định hướng an toàn, thân thiện, dân chủ, kỷ cương, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong xây dựng văn hóa học đường như: Xây dựng nền nếp, quy tắc ứng xử văn hóa, tổ chức hát Quốc ca trong Lễ chào cờ Tổ quốc, tập thể dục, hoạt động thể thao, tham gia lao động, dọn dẹp vệ sinh, xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, thân thiện, văn minh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng đánh giá công tác giáo dục LTCMĐĐLS cho thanh thiếu niên nhi đồng vẫn còn nhiều hạn chế bất cập, như: Một số địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch mang tính hình thức, chưa cụ thể hóa nội dung Quyết định 1501 thành công việc cụ thể, thiết thực ở cơ sở giáo dục; Một số đơn vị cơ sở còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện, chậm được đổi mới về nội dung, hình thức, chưa phù hợp với nhu cầu của thanh thiếu niên nên chưa thu hút được đông đảo thanh thiếu niên, nhi đồng tham gia, do đó công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên còn hạn chế…

Cùng với đó là việc nắm bắt thông tin, định hướng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho HSSV qua môi trường mạng gặp nhiều khó khăn về nhân lực, tài chính để duy trì, cập nhật thông tin, phân loại, xử lý còn hạn chế. Trong khi đó, nhiều sinh viên dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng Internet, games online, mạng xã hội nên ngại tham gia hoạt động đoàn thể, hoạt động giáo dục LTCMĐĐLS…

Góp ý tại hội thảo, ông Nguyễn Tất Thắng, Trưởng ban công tác học sinh, sinh viên, Đại học Thái Nguyên đặt câu hỏi: Quy định cấm dạy thêm, học thêm tràn lan của Bộ GD-ĐT có còn tác dụng không khi chúng ta thấy hiện nay, nhiều cơ sở dạy thêm không phép vẫn hoạt động công khai? Nếu vẫn cấm mà xảy ra những vi phạm thế thì xử lý ra sao? Chính vì vậy, cần đặt vấn đề tuyên truyền các chủ trương, quy định của Bộ GDĐT đến sâu rộng các thanh thiếu niên nhi đồng. Đồng thời, các phương tiện truyền thông cần đẩy mạnh nêu gương người tốt việc tốt nhiều hơn để tạo tác động lan tỏa đến mọi người dân.

Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng góp ý cần nâng cao vai trò của đoàn thanh niên, hội sinh viên. Đồng thời, đại biểu này cũng đặt vấn đề quan tâm đến công tác tư vấn tâm lý trong học đường. Dù không có biên chế cho cán bộ này trong trường hiện nay nhưng có thể tổ chức các lớp bồi dưỡng cho các giáo viên làm công tác kiêm nhiệm…

Giai đoạn 2018-2020, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên, HSSV trên môi trường mạng; xây dựng mạng lưới thông tin chính trị tư tưởng trên môi trường mạng trong các cơ sở giáo dục. Tăng cường các hoạt động tư vấn tâm lý trong trường phổ thông, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng khởi nghiệp cho HSSV…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển biến tích cực trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho giới trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO