Để học online hiệu quả

Nguyễn Quốc Hùng 27/03/2020 08:00

Để dạy học qua TV/Online, trước hết nhà trường phải thiết lập được hệ thống giám sát và quản lý việc học của học sinh. Trường nào cũng rất quen thuộc với việc lưu hồ sơ dạy-học và xây dựng cơ sở vật chất (infrastructure); tuy nhiên cơ sở vất chất dành cho học TV/Online đòi hỏi nhiều giải pháp kỹ thuật (technological solutions) hơn. Nhưng điều quan trọng là xây dựng mới hệ thống thi và kiểm tra đánh giá trực tuyến với những thủ pháp mới.

Để học online hiệu quả

Trước hết việc giám sát, quản lý học sinh là một thách thức lớn. Đã có những giáo viên kể rằng đến giờ học online, học sinh bật máy tính lên và… để đấy, cô giảng rồi gọi tên vài lần cũng không thấy trò thưa… Có em lại lý do đang đi đường, đường truyền mạng bị rớt không vào được… Còn học qua truyền hình, càng khó giám sát các em nếu bố mẹ không sát sao nhắc nhở. Tóm lại, nếu không rèn cho học sinh ý thức tự giác thì rất khó để việc học qua TV/Online có hiệu quả rõ rệt.

Một giải pháp là sau khi giảng một bài, ví dụ bài Listening hoặc Reading người thầy giám sát việc học bằng cách yêu cầu học sinh gửi qua e-mail thông báo mức độ hiểu bài của mình hoặc tự viết hoặc trả lời questionaires. Sau đó người thầy giao bài tập bằng captions trên màn hình, học sinh làm như một bài tập homework và gửi bài cho thầy cô chấm. (Distance Learning in ELT. Britsh Council, 1994, p.132). Việc này không thể làm tràn lan với mọi bài giảng, mà chỉ có thể tiến hành đối với những bài chủ chốt.

Người thầy cần có những thông tin quan trọng như: học sinh có thể bỏ không theo chương trình nữa vì cảm thấy như bị bỏ rơi, chẳng biết hỏi ai khi không hiểu, hoặc bài chạy nhanh quá theo không kịp, hoặc học sinh không kết nối được các phần khác nhau. Để có được những thông tin quan trọng này cần phải xây dựng questionaires. Sau khi có cứ liệu, người thầy cần đánh giá lại bài giảng của mình và rút kinh nghiệm có các bài sau. Nếu là vấn đề (a) thì trước hết phải điều chỉnh cách dạy sao cho dễ hiểu, dễ nhớ hơn, … Nếu là vấn đề (b) thì phải xem lại hệ thống bài giảng, …

Thông qua việc làm trên chúng ta không những quản lý được chất lượng dạy của thầy, và tăng cường khả năng tiếp thu của trò.

Việc xây dựng hệ thống thi online đòi hỏi chúng ta chọn lựa kỹ thuật thi phù hợp với phương tiện online. Thực ra nó không khác nhiều so với những kỹ thuật xây dựng bài thi trực tuyến. Điều quan trọng, một là chúng ta phải nghiên cứu bài thi mẫu bài của từng loại: thi học kỳ, thi hết năm, kiểm tra ngắn, và hai là chọn lựa kỹ thuật.

Tình hình mới là học sinh phải nghỉ học vì dịch bệnh, nhà trường có nhiệm vụ mới là dạy học sinh bằng TV/Online. Vậy có gì giống nhau và khác nhau giữa dạy trên lớp, tức là dạy mặt đối mặt (face-to-face) và dạy qua TV/Online.

Sự giống nhau ở chỗ nội dung vẫn là yêu cầu của Chương trình phổ thông do Bộ GDĐT ban hành cùng với sự hiệu chỉnh trong tình hình mới; công cụ thể hiện nội dung ấy vẫn là cuốn sách Giáo khoa nhà trường chọn và Bộ cho phép trong đó có những bài tập dạy từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm dùng trong giao tiếp và bốn kỹ năng giao tiếp là nghe, nói, đọc, viết; đối tượng dạy học vẫn là những người thầy hàng ngày lên lớp và đối tượng học vẫn là những học sinh phổ thông.

Sự khác nhau cơ bản là ở chỗ lớp học TV/Online là lớp học không có sự tương tác, một chiều, thầy giảng-trò nghe, thời gian hạn chế.

Sự khác nhau ấy dẫn đến một hệ quả là người thầy không thể mang giáo án (kế hoạch giảng) dạy trên lớp lên dạy trên TV/Online. Người thầy lại phải một lần nữa thay đổi cách cấu tạo bài học cho chương trình TV/Online, sử dụng kỹ thuật dạy học (teaching techniques) phù hợp.

Theo đó, cấu tạo một bài dạy trên TV/Online đòi hỏi sự phối hợp giữa lời giảng (speech) và kỹ thuật truyền hình (Teaching with media). Ở trên lớp người thày được vừa nói vừa giải thích, nhắc đi nhắc lại một ý, kiểm tra việc làm của học sinh, giải đáp thắc mắc tại chỗ và chêm những yếu tố giảm căng thẳng. Bài giảng TV/Onine không được hưởng những yếu tố đó.

Để khắc phục những hạn chế đó, người thầy phải sử dụng một hệ thống bài tập hay còn gọi là kỹ thuật dạy đặc thù loạt bài tập đặc thù như Active listening (Nghe tích cực), Captions and Image (Bảng chữ và hình ảnh) để tạo điểm nhấn (focus), đặc biệt khi dạy ngữ pháp và từ vựng; kỹ thuật Five W’s and H (Ai, Làm/Nói gì, Ở đâu, Khi nào ) dùng cho dạy đọc và dạy nghe hiểu; kỹ thuật Dictogloss (Chính tả ngữ pháp) dùng để dạy nghe và nói, kỹ thuật Grammar in Focus (Dạy ngữ pháp giao tiếp). Hệ thống kỹ thuật dạy này rất phong phú và huy động được sự sáng tạo của người thầy, và vẫn tạo ra được sự chủ động học tập của học sinh trong điều kiện không có sự tương tác trực tiếp.

Một yếu tố quan trọng là người lên hình. Người thầy dạy TV/Online cần các yếu tố như cách biểu đạt tự nhiên và sinh động, nói rõ ràng (với tiếng Anh là nói có trọng âm), tốc độ chậm (khoảng 110-120 từ phút). Xin lưu ý quan điểm mới của giới dạy tiếng Anh thế giới là người ngoại quốc càng nói nhanh bao nhiêu thì người bản ngữ càng khó hiểu bấy nhiêu. Người thầy cần phải quen với lối nói đơn giản (simplified style), dễ hiểu, nói đến đâu hiểu đến đó. Người thầy khi dạy trên TV/Online bị “tước bỏ” một điều thuận lợi là khả năng điều chỉnh bài dạy qua phản hồi tại chỗ (instant feedback) của học sinh

Cuối cùng, tất cả những yêu cầu trên được hội tụ trong một kịch bản lên hình (video presentation). Người thầy viết kịch bản cần chia toàn bộ một bài giảng, dù là 15 hay 30 hay 60 phút thành những cảnh nhỏ (scenario), thể hiện những kỹ thuật chúng ta mới bàn ở trên.

Là gương mặt quen thuộc của chương trình Dạy tiếng Anh trên truyền hình, ông Nguyễn Quốc Hùng M.A- nguyên Phó Hiệu trưởng, Giám đốc TT Đào tạo Từ xa, Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội cho rằng so với học trên lớp truyền thống, việc dạy học qua truyền hình hay online khó đạt được chất lượng tương đương. Tuy nhiên, đây là phương án khả thi nhất trong điều kiện hiện nay nên cả thầy và trò cần tận dụng hình thức học này để ôn tập, tiếp cận kiến thức mà Bộ GDĐT quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để học online hiệu quả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO