Điểm thi THPT quốc gia 2019: Chênh lệch lớn giữa các địa phương

Thu Hương 14/07/2019 23:01

Ngày 14/7, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã chính thức công bố phổ điểm thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đó, phổ điểm năm nay tăng nhẹ đều ở các môn so với năm 2018, trong đó Giáo dục công dân là môn có số lượng điểm 10 nhiều nhất. Dù không có thí sinh nào đạt 30/30 điểm ở các tổ hợp xét tuyển đại học nhưng dự kiến, điểm chuẩn của nhiều ngành, nhiều trường đại học 2019 sẽ tăng nhẹ so với năm 2018.

Điểm thi THPT quốc gia 2019: Chênh lệch lớn giữa các địa phương

Thí sinh Hà Nội trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Quang Vinh.

Ngay sau khi điểm thi được công bố, phân tích phổ điểm thi THPT quốc gia năm nay, một số chuyên gia đã nhận định: Điểm thi đã phản ánh chính xác chất lượng dạy và học.

Cơn mưa điểm 10 ở môn Giáo dục công dân

Theo thống kê của Bộ GDĐT, trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, cả nước có 1.270 điểm 10, trong đó Toán: 12 bài thi; Tiếng Anh: 299; Giáo dục công dân (GDCD): 784; Vật lý: 2; Hóa học: 12; Sinh học: 39; Lịch sử: 80; Địa lý: 42. Môn Ngữ văn tiếp tục là môn thi duy nhất không có điểm 10.

Số bài thi bị điểm liệt năm nay là 3.128 bài thi (Ngoại ngữ chỉ tính riêng môn Tiếng Anh). Môn Ngữ văn có số bài thi bị điểm liệt nhiều nhất với 1.265 bài. Theo quy định của Bộ GDĐT, bài thi có điểm số bằng hoặc dưới 1 được xem là liệt và thí sinh sẽ bị trượt tốt nghiệp nếu môn xét tốt nghiệp bị điểm liệt.

Cụ thể, riêng môn GDCD chiếm 62% điểm 10 của kỳ thi THPT quốc gia 2019. Môn thi này cũng tăng hơn gấp đôi so với kỳ thi năm trước, cụ thể tại kỳ thi năm 2018 cả nước có 309 bài thi điểm 10 môn GDCD, năm nay đạt 784 bài thi điểm 10 môn này (tăng 486 bài thi), tức tăng gần 154%.

Đây cũng là môn thi có nhiều thí sinh đạt điểm từ 9,0 đến 9,75 điểm, cụ thể: 9 điểm: 22.667; 9,25 điểm: 14.895; 9,5 điểm: 8.206; 9,75 điểm: 3.258 bài thi. Môn thi này cũng có số lượng thí sinh điểm kém cũng ít nhất, chỉ có 11 thí sinh bị điểm “liệt” (từ 0 đến 1 điểm).

Xếp thứ hai là môn Địa lý cũng có phổ điểm khả quan khi có 42 bài thi đạt điểm 10. Điểm trung bình của môn thi này là 6; trung vị là 6; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 6. Trong tổng số 562.557 thí sinh dự thi có 47 thí sinh đạt điểm từ 1 trở xuống.

Đối với môn Toán, điểm trung bình là 5,64; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 6,40. Có 33,74% thí sinh đạt điểm thi dưới trung bình; 345 thí sinh đạt điểm dưới 1.

Môn Ngữ văn, điểm cao nhất ở môn này là 9,5. Có 17 thí sinh đạt 9,5 điểm; 55 thí sinh đạt 9,25; 390 thí sinh đạt điểm 9. Tuy nhiên, cả nước có 9 bài thi đạt điểm 0; 106 thí sinh đạt 0,25; và 339 thí sinh bị điểm liệt. Có 27,74% thí sinh đạt điểm dưới trung bình. Điểm trung bình của môn thi này là 5,49; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 6,00.

Ngoại ngữ, Lịch sử tiếp tục... báo động

Ngược lại, Tiếng Anh và Lịch sử là 2 môn có số thí sinh đạt điểm dưới trung bình cao nhất. Cụ thể, ở môn Tiếng Anh, có tổng số 789.435 thí sinh dự thi, thì có tới 542.666 thí sinh đạt điểm dưới trung bình, chiếm tới 68,74%. Điểm số có thí sinh đạt nhiều là 3,2 điểm. Đặc biệt, có 630 thí sinh đạt điểm từ 1 trở xuống, là mức điểm liệt theo quy chế thi THPT quốc gia. Điểm trung bình ở môn Tiếng Anh là 4,36 điểm.

Với môn Lịch sử, trong tổng số 569.905 thí sinh dự thi, có tới 399.016 thí sinh đạt điểm dưới trung bình (chiếm 70,01%); trong đó 395 thí sinh đạt điểm liệt (dưới 1); điểm trung bình ở môn Sử là 4,3 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất ở môn Lịch sử là 3,75.

Nhìn nhận từ phổ điểm năm nay, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng, điểm thi năm nay thể hiện mức độ phân hóa của bài thi tương đối tốt khi không xuất hiện cơn mưa điểm 10 ở hầu hết các môn. Môn thi có nhiều điểm 10 nhất là GDCD cũng không gây bất ngờ, khó hiểu với nhiều người khi nội dung và kiến thức trong môn học và đề thi liên quan nhiều đến đời sống thực tế của học sinh. Các câu hỏi chủ yếu kiểm tra kiến thức, ít câu hỏi khó nên học sinh ôn tập kỹ, làm bài bình tĩnh là có thể đạt điểm khá trở lên.

Tuy nhiên, điểm trung bình của tất cả các môn đều cao hơn năm ngoái khoảng 10% trở lên cho thấy việc ra đề thi đã đảm bảo trước hết là yêu cầu xét tốt nghiệp THPT, không quá khó với phần đông học sinh như năm trước. Bên cạnh đó, vẫn đảm bảo dùng để xét tuyển ĐH, CĐ khi nhìn chung, điểm thi trung bình các môn (bài thi) dao động nhiều trong khoảng 5,25 điểm - đến 7,75 điểm, là thuận lợi lớn cho các trường trong công tác tuyển sinh.

Một vấn đề TS Khuyến trăn trở đó là câu chuyện của môn Ngoại ngữ và Lịch sử có số điểm thấp chiếm tỷ lệ lớn trong số các bài thi năm nay cũng là thực trạng báo động nhiều năm qua đã được cảnh báo liên tục sau mỗi kỳ thi nhưng chưa cải thiện được là bao.

Điểm thi THPT quốc gia 2019: Chênh lệch lớn giữa các địa phương - 1

Điểm thi THPT quốc gia năm nay phản ánh đúng chất lượng dạy và học.

Nam Định dẫn đầu về điểm trung bình

Theo thống kê điểm trung bình thi THPT quốc gia 2019 của các địa phương, Nam Định là địa phương dẫn đầu cả nước với mức điểm trung bình thi THPT quốc gia năm 2019 là 5,97 điểm. Xếp thứ hai là Hà Nam với mức điểm trung bình là 5,89 điểm. Kết quả này không gây nhiều bất ngờ khi năm 2018, hai địa phương này cũng dẫn đầu cả nước về điểm trung bình thi THPT quốc gia.

Top 10 địa phương có điểm thi trung bình cao còn có Bình Dương, Ninh Bình, TP HCM, Vĩnh Phúc, An Giang, Hải Phòng, Bạc Liêu, Cần Thơ. Trong đó, hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM có điểm trung bình là 5,50 và 5,81, giữ vị trí thứ 25 và 5.

3 địa phương nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận là Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình xếp cuối cùng của cả nước về mức điểm trung bình thi THPT quốc gia năm 2019 với số điểm lần lượt là 4,29; 4,30; 4,70.

Từ đây, TS Khuyến cho rằng phổ điểm thi THPT quốc gia 2019 đã phản ánh một cách khách quan việc dạy và học trong nhà trường phổ thông hiện nay. Đó là có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương khi ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, môn Ngoại ngữ (Tiếng Anh) có nhiều điểm cao vượt trội so với các tỉnh thành khác còn ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, môn học này chưa đạt được chất lượng như kỳ vọng.

Dự kiến điểm chuẩn các trường ĐH tăng nhẹ

Với 6 tổ hợp xét tuyển truyền thống, năm nay không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối 30/30. Có 1 thí sinh đạt điểm cao nhất 29.8 điểm.

Theo đại diện nhiều trường ĐH, điểm chuẩn nhiều ngành sẽ tăng nhưng “không quá sốc” so với năm 2018. Đơn cử như thông tin từ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM dự kiến mức trúng tuyển xét bằng điểm thi THPT quốc gia năm nay của trường từ 18 đến 23,5 điểm.

Th.s Phùng Quán -Trưởng phòng thông tin & Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP HCM) cho biết, dự báo các nhóm ngành Công nghệ Sinh học và Công nghệ Sinh học của trường điểm chuẩn sẽ tăng từ 1,5- 2,5 điểm. Nhóm ngành Hoá học, Sinh học, Khoa học Môi trường, Vật lý học điểm chuẩn tăng ít nhất từ 1 đến 2 điểm. Các nhóm ngành khác như: Kỹ thuật điện tử viễn thông, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện tử viễn thông, Công nghệ Kỹ thuật Môi trường Kỹ thuật hạt nhân, Toán học… điểm chuẩn tăng 1 đến 1,5 điểm…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm thi THPT quốc gia 2019: Chênh lệch lớn giữa các địa phương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO