Hiểu đúng về trường quốc tế

Dung Hòa 25/08/2019 07:01

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vừa công khai danh sách những trường quốc tế. Theo đó, 2 thành phố này có 23 trường đang dạy chương trình quốc tế. Đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, sau sự cố tại một trường “quốc tế” tại Hà Nội khiến một em học sinh lớp 1 tử vong. Từ đó, băn khoăn về tính “quốc tế” của những ngôi trường này nổi lên.

Sở GDĐT TP Hà Nội và Sở GDĐT TP HCM vừa công khai danh sách những trường quốc tế, theo đó, tại 2 thành phố này có 23 trường đang dạy chương trình quốc tế theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Nhưng hiện vẫn còn nhiều băn khoăn về tính “quốc tế” của những ngôi trường này, bởi nếu chiểu theo quy định của luật hiện hành, các cơ sở này được gọi tên là trường có yếu tố nước ngoài, chứ không phải trường quốc tế….

Hiểu đúng về trường quốc tế

Trường “quốc tế” Gateway.

Công khai các trường quốc tế

Nhằm công khai danh sách những trường quốc tế tại Hà Nội - liên quan đến vụ việc một học sinh lớp 1 tử vong trên xe bus của trường gắn mác “quốc tế” xảy ra ngày 6/8 - Sở GDĐT Hà Nội đã chính thức thông báo: Hiện nay trên địa bàn chỉ có 11 trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký hoạt động với Sở theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Các trường này dạy chương trình quốc tế cho học sinh người nước ngoài sống tại Việt Nam và cả học sinh người Việt Nam (với tỉ lệ không quá 49% tổng số học sinh). Bao gồm: Trường quốc tế đa cấp Anh Việt Hoàng Gia; Trường quốc tế đa cấp Anh - Hà Nội; Trường phổ thông đa cấp Concordia Hanoi; Trường tiểu học, THCS, phổ thông Song ngữ quốc tế Horizon tại thành phố Hà Nội; Trường THCS, THPT quốc tế Singapore; Trường tiểu học quốc tế Singapore tại Gamuda Gardens; Trường tiểu học quốc tế Singapore tại Ciputra; Trường tiểu học quốc tế Singapore tại Vạn Phúc; Trường tiểu học, THCS, THPT quốc tế St.Paul; Trường mầm non và phổ thông quốc tế ParkCity Hà Nội; Trường Hàn Quốc tại Hà Nội.

Còn tại TP HCM, Sở GDĐT cũng vừa cho hay trên địa bàn hiện có 22 trường quốc tế, trong đó có 8 trường tư thục được phép thực hiện giảng dạy thí điểm chương trình nước ngoài, 14 trường thực hiện giảng dạy chương trình của Bộ GDĐT Việt Nam được phép dạy bổ sung chương trình nước ngoài. Cụ thể, 13 trường có vốn đầu tư nước ngoài, dạy chương trình nước ngoài gồm: Trường Song ngữ Quốc tế Horizon, Trường Quốc tế TAS, Trường Quốc tế Úc, Trường Quốc tế Đức TP HCM, Trường Quốc tế Châu Âu, Trường Quốc tế dạy bằng tiếng Anh, Trường Quốc tế TP HCM, Trường Hàn quốc, Trường Đài Bắc (HCMC), Trường Quốc tế Nam Sài Gòn, Trường Nhật Bản (Elementary & High School), Trường Quốc tế Pháp Marguerite Duras, Trường Quốc tế Singapore. Các trường được phép dạy thí điểm chương trình nước ngoài, trường dạy bổ sung chương trình nước ngoài, trường thực hiện giảng dạy chương trình của Bộ GDĐT Việt Nam được phép dạy bổ sung chương trình nước ngoài gồm: Trường Tiểu học, THCS, THPT Việt Úc; Trường Tiểu học, THCS, THPT Quốc tế Khai Sáng; Trường Tiểu học, THCS, THPT Quốc tế Canada; Trường THCS và THPT Quốc tế APU; Trường Tiểu học, THCS, THPT Ngọc Viễn Đông; Trường THPT Quốc tế Mỹ; Trường Quốc tế Anh Việt, Trường Tiểu học, THCS và THPT Quốc tế Bắc Mỹ. Ngoài ra TP HCM còn có Trường trung học phổ thông công lập được phép dạy chương trình của nước ngoài là Trường THPT Quốc tế Việt Úc.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 vừa rồi, ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội - cho hay, việc Sở công bố danh tính các trường quốc tế và trường có yếu tố nước ngoài để toàn thể nhân dân, cha mẹ học sinh biết được và có cơ sở chọn lựa. Ông Quang khẳng định: Để tên gọi của các trường trở nên minh bạch thì tên gọi phải đúng như quy định. Luật đã quy định, tên trường gồm những yếu tố nào thì nên thực hiện như vậy, không có chuyện đăng ký một kiểu rồi gọi một kiểu nhằm đánh lừa phụ huynh. Với các trường trong quyết định thành lập không có chữ “quốc tế” nhưng cứ đưa thêm mạo danh quốc tế để thu hút học sinh là sai.

Ông Lê Ngọc Quang cũng chia sẻ: Việc luật hoá tên gọi các trường là cần thiết và cần có cả chế tài xử phạt. Song, khó khăn hiện nay là chưa có định nghĩa đầy đủ về trường quốc tế, đồng thời chưa có chế tài xử lý những đơn vị vi phạm, do đó, hiện nay địa phương vẫn phải tự vận dụng các điều kiện để xử lý.

Vẫn cần làm rõ khái niệm

Sau khi có thông báo từ Sở GDĐT Hà Nội về việc công khai danh tính các trường quốc tế chính hiệu, kèm với đó là công bố đẩy mạnh thanh tra, xử lý, thì hiện nhiều trường tự phong danh “quốc tế” tại Hà Nội đã nhanh chóng xóa bỏ mác quốc tế trên trang website, cũng như trong quảng cáo tuyển sinh.

Nhiều câu hỏi cũng được đặt ra, nếu không có vụ việc xảy ra tại trường Gateway thì khi không biết đến khi nào danh sách các trường quốc tế tại các thành phố nói trên mới được công khai? Không ít ý kiến cho rằng khái niệm về trường “quốc tế” hiện vẫn chưa thực sự rõ ràng, Bộ GDĐT và các cơ quan chức năng cần nhanh chóng cập nhật khái niệm trường “quốc tế” trong luật.

Theo PGS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - hiểu một cách đầy đủ trường có vốn 100% từ nước ngoài cũng không có nghĩa đó sẽ là trường quốc tế. Trường có chất lượng quốc tế phải bảo đảm được các tiêu chuẩn, tiêu chí của quốc tế kể cả về cơ sở hạ tầng, chương trình, chất lượng giảng dạy cho tới việc cấp bằng cũng phải theo quy định của quốc tế. Học sinh tốt nghiệp tại các trường quốc tế sẽ được cấp chứng chỉ, văn bằng theo tiêu chuẩn và được quốc tế công nhận. Như vậy, không phải trường có vốn 100% từ nước ngoài thì mặc nhiên sẽ được coi là trường quốc tế. Trường quốc tế có thể là trường có vốn nước ngoài nhưng cũng có thể là trường Việt Nam chỉ cần đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định của quốc tế.

Theo phân tích từ các chuyên gia, hiện nay, các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT có nhiều cấp học có yếu tố nước ngoài, được thành lập và hoạt động theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP với hai hình thức: Những trường có vốn đầu tư nước ngoài, dạy chương trình nước ngoài (với tỉ lệ học sinh Việt Nam thấp hơn 50% tổng số học sinh); những trường được phép dạy thí điểm chương trình nước ngoài hoặc chương trình tích hợp (kết hợp chương trình nước ngoài với chương trình Việt Nam). Hiện Sở GDĐT TP HCM quản lý 21 trường có yếu tố nước ngoài. Sở GDĐT TP Hà Nội quản lý 11 trường có yếu tố nước ngoài. Theo quy định của luật hiện hành, tất cả trường này đều là tư thục.

Ngoài ra, hiện nay, nhóm các trường quốc tế thuộc hệ thống giáo dục nước ngoài đặt cơ sở ở Việt Nam gồm: Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội - UNIS (được thành lập bởi Liên Hợp Quốc và Chính phủ Việt Nam); Trường Quốc tế Pháp Alexandre Yersin (chịu sự quản lý trực tiếp của Cơ quan Giáo dục Pháp); Trường Quốc tế Anh và Trường Quốc tế Việt Anh (được bảo trợ bởi Tổ chức Giáo dục Nord Anglia của Vương quốc Anh); Trường Concorida (thuộc hệ thống trường của Lutheran Church - Missouri Synod Mỹ; Trường St. Paul (được bảo trợ bởi hệ thống trường Quốc tế Nacel Mỹ) hoặc Trường phổ thông của các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam như Liên bang Nga, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... Các trường này không chịu sự quản lý về chuyên môn của sở GDĐT địa phương.

Do đó, yêu cầu đặt ra lúc này là Bộ GDĐT và các cơ quan liên quan cần nhanh chóng bổ sung các quy định pháp luật, nhằm tạo ra hành hang pháp lý minh bạch và hữu hiệu đối với các cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc tế hoặc theo định hướng quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Từ sự cố đáng tiếc xảy ra ở những ngôi trường có mác “quốc tế” thời gian qua, theo GS.TS Phạm Tất Dong, điều đáng tiếc là công tác quản lý luôn đi sau thực tế. Cứ khi có sự việc xảy ra thì vấn đề quản lý mới được bàn tới. Tuy nhiên, cũng còn có hiện tượng tiêu cực, nhắm mắt làm ngơ, thậm chí bắt tay, thông đồng cho sự tồn tại vô lý đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiểu đúng về trường quốc tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO