Học qua truyền hình: Đề cao tính tự giác của học sinh

Thu Hương 10/03/2020 08:00

Sau Đồng Nai, Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh, Nam Định…, Hà Nội là địa phương tiếp theo tổ chức chương trình dạy học qua truyền hình cho học sinh (HS) trong thời gian nghỉ phòng chống dịch Covid-19.

Học qua truyền hình: Đề cao tính tự giác của học sinh

Từ 9/3, học sinh lớp 9 và 12 của Hà Nội học một số môn qua truyền hình.

Cùng với những tiết học trực tuyến và ôn tập bằng cách gửi tài liệu qua mạng internet, những tiết học trên truyền hình sẽ giúp các HS lớp 9 và lớp 12 tự ôn tập, học bài mới để đảm bảo kiến thức trước các kỳ thi quan trọng sắp tới.

Vừa ôn tập, vừa tìm hiểu bài mới

Thông tin từ Sở GDĐT Hà Nội cho biết, Sở đang phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội triển khai mô hình dạy học trên truyền hình với lớp 9 và lớp 12 từ ngày 9/3. Chương trình góp phần củng cố kiến thức, kỹ năng phục vụ cho các kỳ thi tuyển sinh và THPT quốc gia.

Từ ngày 9/3 đến ngày 14/3, chương trình được phát sóng trên kênh 1, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Đây là các bài học mới, tiếp nối chương trình dạy và học của lớp 9 và lớp 12 năm học 2019-2020. HS lớp 9 sẽ học 3 môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh. HS lớp 12 sẽ học 9 môn Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh.

Các thầy cô giáo tham gia giảng dạy đều là giáo viên cốt cán của thành phố được lựa chọn kĩ lưỡng và có chuyên môn cao. Ông Kiều Văn Minh - Trưởng phòng giáo dục phổ thông, Sở GDĐT Hà Nội cho biết, Sở đã phối hợp với Đài Truyền hình Hà Nội xây dựng kịch bản để giúp các HS tiếp cận kiến thức trong quá trình ôn tập trong đợt nghỉ dài ngày. Đây là một trong những phương án bổ sung bên cạnh việc giao bài của các thầy cô giáo qua internet…

Cô giáo Quang Thị Hoàn - Trường THCS Đống Đa, Hà Nội - một trong những giáo viên tham gia giảng dạy đợt này cho rằng, thay vì bảng đen phấn trắng, các em ngồi tại nhà, đối diện với màn hình ti vi và cũng sử dụng vở và bút để ghi lại bài giảng vì nội dung kiến thức mà các cô ghi hình trong thời gian tới sẽ không chỉ là ôn tập kiến thức mà bao gồm cả kiến thức mới, do đó yêu cầu sự chăm chỉ của các HS cũng giống như là trên lớp học. Như vậy các em mới có thể nắm được kiến thức một cách vững vàng.

Khung giờ được bố trí là 9h15’ sáng đối với khối 9 và khối 12 là 14h30’, 15h15’ và 16h. Ngoài phát sóng trên Đài truyền hình Hà Nội, chương trình cũng được phát sóng lại trên trang web và fanpage của Đài.

Cần sự vào cuộc của gia đình

Rõ ràng bên cạnh các phương án học tập khác trong thời điểm nghỉ học của HS Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước thì việc học qua truyền hình là một phương án khả thi, giúp tất cả mọi HS đều có cơ hội được ôn tập bài cũ, học bài mới như nhau. Bởi trên thực tế, không phải trường học nào cũng có điều kiện để tổ chức học online hoặc việc giao phiếu bài tập cho HS làm bài ở nhà cũng có những hạn chế nhất định. Nhất là đối với HS lớp 9 và lớp 12 đang đứng trước những kỳ thi mang tính chất quan trọng là tuyển sinh vào lớp 10 và thi THPT Quốc gia. Thêm một phương án hỗ trợ việc học tập là thêm một cơ hội rèn luyện, tiếp nhận kiến thức với các em.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Đại học (Bộ GDĐT) cho biết ông ủng hộ việc học qua truyền hình. Phương án này có nhiều ưu điểm như nội dung giảng bài được lưu lại. Vì thế, học sinh có thể vào đường link của đài truyền hình để nghe giảng lại bất cứ khi nào thuận tiện. Đội ngũ giảng dạy là những thầy cô giáo vững chuyên môn, phương pháp và có nhiều kinh nghiệm trong việc luyện thi nên phụ huynh và HS hoàn toàn yên tâm. Nhất là với khối lớp 9 và 12, chắc chắn các em và gia đình đang rất lo lắng nên đây sẽ là một cách bổ trợ cho việc dạy học online đang diễn ra ở trường hiện nay nhưng còn một số hạn chế.

Tuy nhiên, như chia sẻ của các thầy cô giáo, việc học từ xa này sẽ chỉ thực sự hữu ích khi các em có ý thức tự giác học tập, chủ động tiếp thu kiến thức. Còn nếu để vui lòng các bậc phụ huynh mà HS bật ti vi, ngồi đó với giấy bút, sách vở nhưng lại không chú tâm theo dõi thầy cô giảng bài, thậm chí bật ti vi cho có mà bỏ đó đi làm việc khác thì sẽ không có tác dụng gì.

Một giáo viên THPT ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, khi có thông tin về việc dạy học trên truyền hình, cô đã nhanh chóng thông báo tới tất cả các phụ huynh trên nhóm chat của lớp, nhắn tin điện thoại và thậm chí những phụ huynh nào không có tin nhắn phản hồi, cô gọi điện trực tiếp để thông báo luôn. Dù có thể xem lại bài giảng trên website nhưng việc học trực tiếp qua truyền hình sẽ giúp các HS theo đúng tiến độ của việc học hơn. Cô cũng đề nghị các bậc phụ huynh không chỉ nhắc nhở mà còn dành thời gian để theo dõi việc học tập của con em mình tại nhà chứ không thể phó mặc con muốn làm gì thì làm. Bởi xét đến cùng, đây vẫn là cách dạy học một chiều, khó kiểm soát được mức độ tiếp nhận của HS. Cô giáo sẽ hỗ trợ bằng cách giao bài tập tương ứng, sửa bài cho các em sau đó qua hình thức online sau đó.

Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã gửi công văn lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị giải pháp cho học sinh, sinh viên được chuyển sang học đại trà qua các kênh truyền hình trên cả nước trong đợt dịch Covid-19. Với lợi thế cả nước có hàng trăm kênh truyền hình từ trung ương đến địa phương, Nhà nước nên huy động các kênh truyền hình cùng tham gia vào hoạt động giảng dạy nhiều giờ trong ngày, thậm chí cả ngày, theo hình thức phi lợi nhuận.
Theo Hiệp hội, khi các kênh truyền hình cùng tham gia, cần có quy định rõ ràng thời khóa biểu cho từng môn học đối với từng khối lớp, áp dụng chung thống nhất trên cả nước, hoặc cho từng tỉnh, thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học qua truyền hình: Đề cao tính tự giác của học sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO