Học trực tuyến: Mở nhưng khó kiểm soát

Lam Nhi - Minh Quang 18/02/2020 06:54

Sang đến tuần nghỉ học thứ 3 vì Covid-19, nhiều phụ huynh lo lắng kiến thức của con em mình bị gián đoạn, nhất là với những học sinh cuối cấp chuẩn bị thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT… Đáng chú ý, hiệu quả của hình thức học này cũng như việc kiểm soát chất lượng dạy và học trực tuyến đã được đặt ra.

Học trực tuyến: Mở nhưng khó kiểm soát

Học trực tuyến đang nhận được nhiều ý kiến.

Đa dạng phương thức học tập

Ghi nhận của phóng viên báo Đại Đoàn Kết, tại hầu hết các quận nội thành của Hà Nội đã triển khai mô hình trường điện tử hoặc một phần mô hình (những trường không đầu tư mô hình thì đầu tư một phần). Trong đó chú trọng đến hệ thống trang web cho phụ huynh có thể đăng nhập trực tuyến vào với nhà trường. Như tại quận Long Biên, 100% các nhà trường đều có trang web. Các trường có thể thông qua trang web để đưa bài giảng E-learning rất thuận lợi. Với nền tảng cơ sở vật chất, trang thiết bị rất thuận lợi như vậy, việc có thể cung cấp bài giảng trực tuyến cho các học sinh là một phương án khả thi.

Tuy nhiên theo chia sẻ của một giáo viên, việc thiết kế một bài giảng E-learning hoàn chỉnh không dễ dàng, cần đòi hỏi thời gian và công sức cũng như kiến thức về công nghệ thông tin. Vì vậy, theo kinh nghiệm của giáo viên này, có thể chia bài học thành từng tiết, mỗi giáo viên của mỗi bộ môn sẽ hoàn thành một bài sau đó tổng hợp lại để đưa lên trang web của nhà trường để phụ huynh và học sinh tham khảo.

Chia sẻ quan điểm này, ông Lê Hồng Vũ- Trưởng Phòng GDĐT quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết có nhiều phương án dạy và ôn tập kiến thức cho học sinh trong giai đoạn nghỉ học này được Phòng GDĐT quán triệt xuống các nhà trường. Trong đó, hình thức thứ nhất là giao phiếu bài tập về nhà cho học sinh thông qua email, tin nhắn điện tử, các mạng xã hội để phụ huynh hướng dẫn con làm bài ở nhà. Thứ hai, một số giáo viên có năng lực về công nghệ thông tin và học sinh có phương tiện để học thì có thể tổ chức thành từng nhóm nhỏ để học online qua zalo, viber… hình thức này đa số áp dụng với học sinh cấp 2 trở lên. Thứ ba là những trường đã tổ chức học trực tuyến từ lâu rồi, nay họ tiếp tục tăng cường hơn chứ không phải bây giờ mới tổ chức thì sẽ có những khó khăn nhất định.

Tại Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) hiện vẫn đang tiến hành giao và chữa bài trực tuyến đối với các môn Toán, Văn, Tiếng Anh theo từng khối. Theo ông Nguyễn Cao Cường- Hiệu trưởng nhà trường, trước đó một số giáo viên đã tự ghi hình giải đáp bài tập cho học sinh trong lớp và đưa lên các nhóm riêng của từng lớp. Tuy nhiên, sau đó để thuận tiện hơn, nhà trường quyết định đưa công khai các phiếu bài tập các môn Toán, Văn, Anh các khối lớp 6,7,8,9 tại website của trường để học sinh làm. Sau đó nhà trường tổ chức ghi hình phần chữa và thông báo chi tiết thời gian chữa bài để học sinh theo dõi. Theo kế hoạch, học sinh được giao 3 ngày hoàn thành 1 phiếu. Nhà trường thống nhất phiếu bài tập các môn Toán, Văn, Anh được phát theo khối lớp. Cứ 3 ngày trường lại tổ chức ghi hình 12 video hướng dẫn, chữa bài cho các khối 6,7,8,9.

Việc ôn tập tại nhà nhằm giúp học sinh không quên kiến thức, sẵn sàng trở lại với nhiệm vụ học tập khi có thông báo trở lại trường. Tuy nhiên, việc “học từ xa” này vẫn khiến nhiều phụ huynh lo lắng vì trên thực tế, không phải học sinh nào cũng có ý thức tự giác học tập hoặc với học sinh lứa tuổi tiểu học, các em chưa có kỹ năng học trực tuyến sẽ gặp những khó khăn nhất định.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT) cho biết, các hình thức nói trên cũng đã được các trường áp dụng để thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức dạy học. Tùy vào điều kiện thực tiễn của mỗi địa phương, nhà trường có thể sử dụng hình thức “giao tiếp” giữa giáo viên và học sinh cho phù hợp.

Khó kiểm soát

Theo các chuyên gia giáo dục, trong điều kiện học sinh nghỉ học dài ngày để phòng chống dịch Covid-19 hiện nay, việc dạy và học trực tuyến là giải pháp có tính chất tình thế. Dẫu thế trên thực tế, chưa có nhiều khóa học E-Learning đúng nghĩa. Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, hình thức đào tạo trực tuyến là những khóa học mang ý tưởng của tinh thần “học tập mở”. Nhưng cách làm thường thấy là giảng viên giảng bài được quay phim lại rồi đưa lên mạng. Các khóa học trực tuyến mở đại trà, người học có thể học mọi lúc mọi nơi, tiện lợi. Nhưng hạn chế lớn nhất của hình thức học này là tỉ lệ hoàn thành khóa học rất thấp (2-5%). Mô hình học tập mở này cung cấp các nội dung tri thức trực tuyến cho tất cả mọi người và không giới hạn số lượng tham gia qua việc truy cập Internet. Theo đó, hiện chỉ có khoảng 1/4 số giảng viên trong khảo sát hiểu đúng về khóa học trực tuyến. Trong khi điều quan trọng trong giảng dạy là xây dựng kịch bản sư phạm, nhưng thực tế việc này chưa được các trường quan tâm trong đào tạo online. Ông Sơn cho rằng quá trình dạy học E-Learning sẽ được làm một cách khoa học và hiệu quả nếu giảng viên và cơ sở đào tạo đáp ứng, thỏa mãn được những vấn đề: Làm sao kiểm tra tài khoản của tất cả sinh viên và biết rằng người học đều tham gia? Cách thức để kiểm tra người học thực sự đang tham gia học tập trên hệ thống E-Learning?

Các phân tích khác cũng cho thấy, đến nay chưa có một quy trình, khuôn khổ kiểm định nội dung của các cơ quan chuyên môn nào đối với các công ty phát triển phần mềm giáo dục có nội dung dạy học mẫu. Bởi lẽ, công ty giáo dục bán sản phẩm dựa trên nền học liệu sẵn có trong SGK, được xây dựng lại theo phương pháp riêng của từng đơn vị và thương mại hóa chúng. Tức là công ty được cấp phép kinh doanh sẽ đồng nghĩa với việc nội dung đã được kiểm duyệt và trên thực tế, cơ quan chuyên môn giáo dục không thể kiểm duyệt cụ thể nội dung, phương pháp của đơn vị vì là mặt hàng kinh doanh thì “thuận mua vừa bán”. Vì lẽ đó, nội dung của các công ty phần mềm giáo dục có thực sự hữu ích, hiệu quả hay chỉ đưa ra để móc túi phụ huynh thì không cơ quan nào có thể kiểm duyệt được…

Trước băn khoăn về những thiệt thòi của học sinh trong việc dạy và học trực tuyến ở những địa bàn khác nhau, chia sẻ với báo chí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho hay: Bộ đã đề nghị các Sở GDĐT chỉ đạo các nhà trường hướng dẫn các em tự học theo tinh thần đổi mới phương pháp, hình thức dạy học nói trên. Đặc biệt, không để các em học sinh bị thiệt thòi trong thời gian nghỉ học do không nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ của thầy cô. Điều đó không có nghĩa các trường tổ chức học trực tuyến hoặc hướng dẫn học từ xa mà không cần tổ chức học bù sau đợt nghỉ này. Bộ GDĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể để các Sở GDĐT triển khai kế hoạch dạy bù cho học sinh. Tùy theo tình hình cụ thể của từng nhà trường có thể xây dựng kế hoạch dạy học bù khác nhau, đảm bảo thực hiện đầy đủ chương trình với mọi đối tượng học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học trực tuyến: Mở nhưng khó kiểm soát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO