Miễn học phí cho học sinh: Vẫn còn nhiều băn khoăn

Dung Hòa 14/02/2019 08:00

Vấn đề miễn học phí bậc THCS đã được đặt ra từ lâu, gần đây được đưa vào Luật Giáo dục sửa đổi do Bộ GDĐT đề xuất nhưng chưa được Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ chấp nhận. Xung quanh đề xuất miễn học phí đến bậc THCS, cũng có nhiều băn khoăn.

Theo phân tích từ các chuyên gia giáo dục, việc thụ hưởng miễn học phí ở bậc THCS có thể xem là quyền lợi của học sinh, trách nhiệm của Nhà nước. Tuy nhiên, việc miễn học phí phải đi cùng việc bỏ các khoản thu vô lý trong trường học.

Theo tổng hợp mới nhất của Vụ Pháp chế (Bộ GDĐT) - Thường trực Ban soạn thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), cho tới thời điểm này đã có nhiều đóng góp xung quanh chính sách học phí trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Có 3 luồng ý kiến về vấn đề này, tuy nhiên điểm chung nhất là đề xuất xem xét ưu tiên miễn học phí cho học sinh ở những vùng khó khăn .

Đa số ý kiến nhất trí với quy định tại Điều 97 của Dự thảo Luật, theo đó trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh (HS) tiểu học, THCS trường công lập không phải nộp học phí. Trẻ em mầm non 5 tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; HS tiểu học, THCS trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Đối với HS THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với HS THCS trường tư thục, trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách nhà nước và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện.

Tiếp đó, có một số ý kiến đề nghị quy định trẻ em mầm non 5 tuổi, HS tiểu học, THCS trường công lập không phải nộp học phí. Đối với các địa phương chưa bảo đảm đủ trường công lập cho trẻ em và HS thuộc diện phổ cập, Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí đối với HS thuộc diện phổ cập tại trường dân lập, tư thục.

Và luồng ý kiến thứ 3 cho rằng, nên miễn hoàn toàn học phí và các chi phí khác ngoài học phí cho các đối tượng HS thuộc diện phổ cập trong nhà trường thuộc các loại hình.

Xung quanh đề xuất miễn học phí đến bậc THCS, cũng có nhiều băn khoăn. Theo phân tích từ các chuyên gia giáo dục, việc thụ hưởng miễn học phí ở bậc THCS có thể xem quyền lợi của HS, trách nhiệm của Nhà nước. Tuy nhiên, việc miễn học phí phải đi cùng việc bỏ các khoản thu vô lý ở trường học.

Theo phân tích của Bộ GDĐT, mức thu học phí không quá cao, nhưng cũng là gánh nặng đối với gia đình có mức thu nhập thấp, tiệm cận chuẩn nghèo. Miễn học phí bậc THCS sẽ huy động được trẻ ở lứa tuổi này đến trường, định hình việc phân luồng học sinh THCS và định hướng nghề nghiệp cho các em THPT rõ ràng hơn, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế. Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay: Miễn học phí đối với HS THCS sẽ góp phần giảm chi phí cho mỗi cá nhân, gia đình và tiết kiệm nguồn lực cho cả xã hội. Nếu thực hiện chủ trương trên của Chính phủ, mỗi năm sẽ có hơn 5 triệu học sinh được hưởng lợi.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển từng bày tỏ băn khoăn: Hiện chưa thấy Chính phủ đưa ra trình lộ trình là thế nào? Ông Hiển lưu ý, nên chăng chỉ nên miễn học phí ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ông cũng chưa đồng tình lắm với việc miễn học phí toàn bộ bậc THCS, hỗ trợ cả trường ở thành phố lớn, những trường học sinh đóng góp 7-8 triệu/tháng mà còn phải xếp hàng mới được vào. Bởi miễn phí quá đại trà là vi phạm nguyên tắc thị trường.

Vấn đề miễn học phí bậc THCS đã được đặt ra từ lâu, gần đây được đưa vào Luật Giáo dục sửa đổi do Bộ GDĐT đề xuất nhưng chưa được Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ chấp nhận. Tháng 7/2018 chủ trương này được Chính phủ đồng ý thông qua Nghị quyết số 104/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ, tuy nhiên con đường miễn học phí còn rất bấp bênh. Tính đến thời điểm này, mới có TPHCM là địa phương đầu tiên đề xuất được thực hiện việc miễn học phí bậc THCS bắt đầu từ đầu năm 2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miễn học phí cho học sinh: Vẫn còn nhiều băn khoăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO