Minh bạch sữa học đường

Lê Vân 07/10/2018 08:30

Một kết quả khảo sát được công bố gần đây của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc) và Liên đoàn sữa quốc tế IDF cho thấy có 140 triệu trẻ em trên toàn thế giới đang được hưởng lợi từ chương trình sữa học đường. Trong đó có 58% các chương trình hiện có trẻ em được cung cấp sữa miễn phí và 27% thì được trợ cấp.

Tại nhiều quốc gia, như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Anh, Mỹ… chương trình sữa học đường được triển khai từ rất sớm, giúp phát triển thể lực, tầm vóc của nhiều thế hệ và tạo thói quen sử dụng sữa hàng ngày cho trẻ em. Theo GS Nguyễn Thị Lâm- nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Nhật Bản thực hiện chương trình sữa học đường ngay từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, và bây giờ người Nhật cao hơn người Việt Nam đến 7 - 8 cm.

Trong khi đó, tại Việt Nam, chỉ khoảng 30% dân số biết và có thói quen tiêu dùng sữa, các sản phẩm từ sữa. Trong số 30% dân số sử dụng sữa thì trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước, chỉ chiếm xấp xỉ 30%. Tỷ lệ trẻ em Việt Nam còi xương, suy dinh dưỡng ở mức rất cao so với thế giới, trong đó tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi lên tới 24,6%. Cùng với đó là tình trạng thể chất và chiều cao của người Việt Nam nằm ở top dưới của châu Á.

Trước thực trạng đó, theo các chuyên gia dinh dưỡng, uống sữa là một giải pháp thay đổi hiệu quả. Vậy thì tại sao dự án sữa học đường ở Hà Nội lại dùng dằng chưa triển khai được?

Nguyên nhân cơ bản theo nhiều phụ huynh bắt nguồn từ sự giảm sút niềm tin của phụ huynh vào nhà trường, thầy cô. Có thể nói niềm tin của phụ huynh đã ít nhiều mất đi từ những lùm xùm xung quanh chuyện lạm thu tới dạy thêm, học thêm, chăm sóc bán trú… và bây giờ là sữa học đường. Hàng loạt băn khoăn về chất lượng, về việc công khai, minh bạch trong đấu thầu. Và rồi chuyện an toàn thực phẩm, liệu có xảy ra ngộ độc tập thể như tỉnh Đồng Nai mới đây khiến đề án sữa học đường phải tạm dừng?

Bấy nhiêu băn khoăn chưa được giải tỏa nên sữa học đường vẫn đang là chủ đề nóng với phụ huynh Hà Nội. Ở góc độ chuyên môn, GS Nguyễn Thị Lâm cho rằng đây là chương trình mà lợi ích mang tính lâu dài, không phải cho kết quả ngay trong thời gian ngắn, nên rất cần sự thấu hiểu và đồng hành của các phụ huynh.

Ở góc độ quản lý, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến khẳng định: Hãng sữa nào trúng thầu cũng sẽ phải đảm bảo chất lượng sữa theo yêu cầu của Sở đặt ra. Các tiêu chí, chỉ số về chất lượng sữa này được Sở đưa ra trên cơ sở sự tham vấn của Bộ Y tế. Sở cam kết đảm bảo về chất lượng sữa trong chương trình và chịu mọi trách nhiệm về vấn đề này.

Còn nói như nguyên đại biểu Quốc hội, PGS.TS Bùi Thị An thì Hà Nội cần phải minh bạch về các vấn đề căn cốt của chương trình mà dân đang quan tâm. Đó là minh bạch về đấu thầu, về giá sữa, về chất lượng, về % hỗ trợ giá sữa,…

Các phụ huynh, ngoài sự phát triển của con em mình, hầu hết mọi gia đình cũng mong muốn có sự minh bạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch sữa học đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO