Năm học 2019-2020: Tránh tình trạng thanh tra có cũng như không

Mạnh Dũng 08/09/2019 08:00

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc vừa ký ban hành hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2019-2020, theo đó, nội dung đáng quan tâm trong hướng dẫn công tác thanh tra năm học mới được chỉ rõ: Nội dung các cuộc thanh tra, kiểm tra phải trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu của ngành giáo dục theo Chỉ thị số 2268, đặc biệt là việc tập trung thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị.

Năm học 2019-2020: Tránh tình trạng thanh tra có cũng như không

Học sinh náo nức đón chào năm học mới 2019-2020. Ảnh: Mạnh Dũng.

Tập trung thanh tra dạy thêm, học thêm và lạm thu

Việc ban hành văn bản hướng dẫn thanh tra của Bộ GDĐT nhận được sự quan tâm của dư luận, bởi năm học mới 2019-2020 vừa chính thức bắt đầu. Với bậc học phổ thông, đây là năm học bản lề để tiến tới triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) và SGK mới ngay trong năm học sau. Do đó việc thanh tra để siết quản lý giáo dục trước vô vàn những vấn nạn như lạm thu đầu năm, dạy thêm học thêm, bạo lực học đường, gian lận thi cử… được kỳ vọng là sẽ làm trong sạch môi trường giáo dục. Nhất là năm học 2019-2020, ngành giáo dục xác định việc “dạy người”, dạy đạo đức, lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh phải là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu và quyết tâm triển khai hiệu quả.

Hướng dẫn cụ thể công tác thanh tra đối với từng bậc học của năm học này như sau: Với bậc mầm non, tập trung tranh tra, kiểm tra việc tổ chức mạng lưới trường lớp học, công tác quản lý nhóm trẻ tư thục; với GDPT: thanh tra, kiểm tra việc triển khai chương trình GDPT mới, công tác tuyển sinh đầu cấp, việc sử dụng hồ sơ sổ sách trong nhà trường, đánh giá xếp loại học sinh các lớp cuối cấp.

Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương và các cơ sở giáo dục, Bộ GDĐT yêu cầu tập trung thanh tra, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm; thu chi đầu năm học; an toàn trường học; thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; cấp, phát quản lý văn bằng, chứng chỉ; hoạt động liên kết đào tạo; tư vấn du học; thực hiện chế độ chính sách với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; hoạt động giáo dục có yếu tố nước ngoài...

Bộ GDĐT yêu cầu trong kế hoạch thanh tra cần phân biệt rõ thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành theo quy định; thực hiện xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, xử lý chồng chéo kế hoạch thanh tra. Bộ GDĐT cũng lưu ý không thanh tra quá hai lần trong một năm học đối với một đơn vị (trừ các cuộc thanh tra thi, thanh tra đột xuất). Với các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, các Sở phải thường xuyên rà soát, cập nhập thông tin phản ánh của dư luận, phương tiện thông tin đại chúng về các tiêu cực, sai phạm trong GDĐT; kịp thời tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất các nội dung theo chỉ đạo của cấp trên và xử lý sai phạm theo quy định.

Cần những cán bộ thanh tra có trình độ

Trước thềm năm học mới, Bộ GDĐT cũng vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác thanh tra năm học 2018-2019 và đề ra phương hướng công tác thanh tra năm học 2019-2020 khối các Sở GDĐT.

Tại đây, các đại biểu tham dự cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, thiếu sót của công tác thanh tra giáo dục - đó là lực lượng thanh tra và công tác tổ chức thanh tra của một số Sở còn dàn trải, chưa sâu sát trong việc chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các vấn đề nóng mà báo chí đã phản ánh như: vi phạm đạo đức nhà giáo; chưa chú trọng đến hoạt động giám sát của Đoàn thanh tra thi THPT quốc gia năm 2019. Nguyên nhân của những thiếu sót này được chỉ ra là do nhận thức chung về công tác thanh tra, năng lực của đội ngũ cán bộ thanh tra; công tác phối hợp giữa thanh tra tỉnh và thanh tra huyện, điều kiện bảo đảm hoạt động thanh tra còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của thực tế.

Tại hội nghị này, Bộ GDĐT cũng chỉ ra một số địa phương có đội ngũ thanh tra Sở tương đối ổn định, đảm bảo số lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ như: Hà Nội, TP HCM, Ninh Bình, Nghệ An, Đồng Nai, Tiền Giang. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số địa phương mà đội ngũ thanh tra, lãnh đạo thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu, chưa theo quy định. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc yêu cầu, năm học 2019-2020, trong bối cảnh triển khai Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục ĐH 2018, toàn ngành thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, thì vai trò của lực lượng thanh tra rất quan trọng.

Theo đó, yêu cầu đặt ra là lực lượng thanh tra không những nhanh - mạnh - tinh nhuệ trong công tác thanh, kiểm tra các hoạt động của ngành, mà phải làm sao khiến các cá nhân, đơn vị sự nghiệp giáo dục phải “tâm phục, khẩu phục” trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Để đạt được mục tiêu này, cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa trong công tác thanh, kiểm tra nhằm hướng đến việc nâng cao chất lượng, hoạt động của đội ngũ thanh tra, làm sao để hệ thống thanh tra giáo dục chủ động hơn. Trong đó, lực lượng thanh tra tại các địa phương phải chủ động rà soát lại mọi hoạt động của ngành Giáo dục dựa trên đặc thù của địa phương để có kế hoạch giám sát, kiểm tra cho hiệu quả, tuyệt đối không để bỏ sót bất cứ lĩnh vực nào.

Tránh thanh tra hình thức

Sau những vụ việc mới nhất vừa xảy ra tại Hà Nội, kể cả ở bậc phổ thông lẫn bậc ĐH, nhiều câu hỏi được đặt ra: Vai trò của thanh tra ngành dọc ở đâu khi không ít trường tự gắn mác “quốc tế” tồn tại nhiều năm giữa Thủ đô mà không bị phát hiện, xử lý? Hay câu chuyện về việc bát nháo trong đào tạo và cấp chứng chỉ văn bằng 2 ở trường ĐH Đông Đô kéo dài suốt thời gian vừa qua, vậy thanh tra Sở, Bộ có vô can không? Vấn nạn lạm thu đầu năm cũng như tình trạng dạy thêm học thêm vẫn là chuyện dài chưa hồi kết, là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình vào mỗi mùa tựu trường, vậy thì vai trò thanh tra ngành GDĐT ở đâu? Có hay không chuyện thanh tra hình thức hoặc thanh tra mà không phát hiện sai phạm?

Nhận định về hoạt động thanh tra giáo dục, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Lâu nay, thanh tra trong ngành giáo dục vẫn còn nhầm lẫn nhiệm vụ. Đơn cử như chưa hiểu rõ, chưa tách bạch được giữa quản lý nhà nước và quản lý chuyên môn, chưa hiểu rõ quyền tự chủ của nhà trường và quyền tự chủ, tự do học thuật trong hoạt động chuyên môn của giáo viên với việc họ phải tuân theo những quy định về quản lý như thế nào, từ đó dẫn tới việc chưa phân bạch được quản lý nhà nước, quản lý chuyên môn, công tác thanh tra cũng chưa làm rõ. Cần phải rút kinh nghiệm qua những việc cụ thể.

Các chuyên gia giáo dục thì cho rằng, bài học kinh nghiệm sâu sắc nhất là việc tham mưu, kết luận nội dung thanh tra. Ngoài việc xác định được cái đúng cái sai, đã xác định thêm được cái phù hợp và chưa phù hợp trong quản lý. Bởi việc xác định cái đúng và cái sai thì dễ, nhưng xác định cái phù hợp và chưa phù hợp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, đòi hỏi người thanh tra phải có trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn sâu, từ đó, kết luận thanh tra của ngành giáo dục mới đạt chất lượng, hiệu quả và có sức thuyết phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm học 2019-2020: Tránh tình trạng thanh tra có cũng như không

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO