Phát triển văn hóa đọc: Xem xét đổi mới phương pháp dạy học

Minh Huệ 26/02/2018 09:20

Theo các chuyên gia giáo dục, ngay từ cấp học tiểu học, việc giáo dục, phát triển văn hóa đọc cho các em học sinh là rất cần thiết để từ đó phát triển khả năng tự đọc và học tập sau này.

Phát triển văn hóa đọc: Xem xét đổi mới phương pháp dạy học

Các chuyên gia cho rằng, để trẻ ham đọc sách thì cha mẹ cần phải là tấm gương cho trẻ (Ảnh: Khánh Hà).

Bắt đầu từ thư viện trong nhà trường

Để phát triển văn hóa đọc trong nhà trường trước hết phải có sự thay đổi nhận thức về vai trò của việc đọc và thư viện trường học trong hoạt động giáo dục, đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện.

Thư viện không chỉ là nơi giữ sách hay chỉ đến mượn sách về nhà đọc mà còn là không gian cần thiết để tổ chức các hoạt động học tập, đọc, giao lưu thảo luận, trò chơi...

Theo cô Đào Vân Hồng, Trường THPT Hà Nội – Amsterdam, để các thư viện trường học thực sự trở thành nơi có môi trường văn hóa đọc phát triển, các thư viện trường học phải thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được đặt ra như: Thư viện có vốn tài liệu phong phú; có khả năng cung cấp cho giáo viên và học sinh đầy đủ các loại sách giáo khoa, sách nghiệp vụ, sách tham khảo, các loại từ điển, tác phẩm kinh điển để tra cứu, các sách báo cần thiết khác góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và tự bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên và học sinh.

Thạc sĩ Trần Thị Kim Toàn, thư viện trường THCS Hạ Đình, Hà Nội cho hay, để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đọc và hứng thú đọc trong các thư viện trường tiểu học, công tác phục vụ bạn đọc cần được đẩy mạnh theo hướng đa dạng hóa, hiện đại hóa, thân thiện và gần gũi hơn trong môi trường giáo dục tiểu học.

Đây là bước đi góp phần nâng cao công tác giáo dục trong hệ thống các trường tiểu học ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Cũng theo bà Toàn, hoạt động khuyến đọc chỉ có thể thành công nếu có sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường; sự tham gia phối hợp chặt chẽ và chủ động của các giáo viên trong trường, nhân viên thư viện, phụ huynh; học sinh cần được tạo thời gian và được hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc và được khuyến khích tham gia các hoạt động chia sẻ về những điều đã đọc.

Bên cạnh đó, cần đổi mới công tác quản lý thư viện trường học; tăng cường công tác truyền thông về văn hóa đọc trong cộng đồng; đổi mới tổ chức hoạt động thư viện trường học gắn liền với đổi mới phương thức dạy và học...

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Vương- Công ty cổ phần xuất bản và giáo dục Quảng Văn cho rằng, để trẻ ham đọc sách thì trước hết người lớn, đặc biệt là các bậc cha mẹ cần phải là tấm gương cho trẻ. Trong gia đình nếu cha, mẹ thường xuyên đọc sách sẽ tự nhiên tạo cho con thói quen này.

Hướng tới mô hình đọc có hướng dẫn

Bên cạnh các mô hình đã được triển khai trong thư viện nhà trường (thư viện xanh, thư viện thân thiện, thư viện góc lớp…) từ trước tới nay, mô hình đọc có hướng dẫn hiện đang được xem là một trong những giải pháp phát huy hiệu quả thư viện trường học ở Việt Nam.

Đây là mô hình phát triển năng lực đọc được áp dụng rất phổ biến và hiệu quả trên thế giới.

Trong tiết đọc có hướng dẫn, học sinh đóng vai trò chủ động trong việc tìm hiểu văn bản, giáo viên chỉ đóng vai trò người hướng dẫn, đưa ra các gợi ý, giúp học sinh lần theo những dấu mốc về hình thức và nội dung quan trọng của văn bản để nắm bắt được toàn bộ văn bản đó.

Mục tiêu của mô hình là giúp học sinh trở thành những người đọc độc lập, có khả năng tự đọc hiểu và đánh giá văn bản mà không cần tới sự trợ giúp của giáo viên.

Thực tiễn giáo dục và xuất bản của Việt Nam trong những năm gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai mô hình đọc có hướng dẫn trong các trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên để mô hình thực sự phát triển hiệu quả, cần phải có một số điều kiện nhất định như: phân loại danh mục sách theo độ tuổi, trình độ học, phù hợp với chương trình học; có thời gian dành riêng cho hoạt động đọc ở tất cả các cấp học, lớp học; mỗi lớp học dưới 30 học sinh; đầu tư cơ sở vật chất phù hợp; đào tạo nhân sự đạt chất lượng; xây dựng chuẩn năng lực đọc và các công cụ đánh giá, đo lường năng lực của học sinh; sự góp sức, phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan…

TS Nguyễn Trọng Hoàn- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, việc phát triển văn hóa đọc thông qua đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá là một giải pháp hữu hiệu, nhằm từng bước chuyển giao nhiệm vụ học tập vào mỗi học sinh, nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu “chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học”.

Xã hội ngày càng phát triển thì con người càng có nhiều phương tiện giải trí, nhiều cách thức để trang bị thêm kiến thức và trẻ em cũng không ngoại lệ.

Vì vậy, sách báo không còn là lựa chọn đầu tiên và duy nhất.

Cuộc chiến giữa văn hóa đọc và văn hóa nghe nhìn đang là cuộc chiến không cân sức, đòi hỏi phải có nỗ lực rất lớn từ phía thư viện – nơi trực tiếp cung cấp sách báo phục vụ các em nhiều nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển văn hóa đọc: Xem xét đổi mới phương pháp dạy học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO