Thi lớp 10 THPT: Giảm áp lực cho thí sinh

Thu Hương 21/05/2020 08:00

Đến thời điểm này, còn gần 2 tháng để thầy và trò lớp 9 “chạy nước rút” về đích trong cuộc đua được ví khốc liệt hơn thi vào đại học. Nhiều địa phương cho biết đã có những điều chỉnh để giảm áp lực cho học sinh (HS) do tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng khiến các nhà trường bị động trong thực hiện kế hoạch năm học. Theo đó, phạm vi nội dung kiến thức ra đề thi cũng được giảm tải theo nội dung được Bộ GDĐT quy định.

Thi lớp 10 THPT: Giảm áp lực cho thí sinh

Thí sinh dự thi vào lớp 10. Ảnh minh họa.

Bớt môn thi, giảm độ khó

Trong khi 15/7 là thời hạn cuối cùng để các trường kết thúc năm học này thì các HS lớp 9 chỉ còn một vài ngày nữa là bước vào kỳ thi vào THPT.

Tại Hà Nội, thí sinh dự thi vào lớp 10 các trường THPT không chuyên sẽ thi 3 môn Ngữ văn, Ngoại ngữ trong ngày 17/7 và thi Toán (ngày 18/7). Các ngày 19 và 20/7, những HS dự thi vào trường/khối chuyên và chương trình song bằng tú tài sẽ tiếp tục dự thi các môn chuyên hoặc các vòng thi theo quy định.

Bài thi Ngoại ngữ được chọn trong các thứ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật (thí sinh được đăng ký thứ tiếng khác với ngoại ngữ được học ở trường THCS). Các môn Toán, Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút/bài. Môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian 60 phút.

Về đề thi, thông tin từ Sở GDĐT Hà Nội cho biết đề sẽ bám sát chương trình cơ bản bậc THCS, chủ yếu là lớp 9. Trong đó, đề thi môn Toán, Ngữ văn sẽ đảm bảo 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao. Đề thi Ngoại ngữ đảm bảo các cấp độ thông hiểu và vận dụng cấp độ thấp.

Thí sinh dự tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập sẽ được tính điểm xét tuyển theo nguyên tắc: Điểm môn Toán + Ngữ văn (hệ số 2) và điểm môn Ngoại ngữ (hệ số 1) + điểm ưu tiên (nếu có). Thí sinh có đủ số bài thi, không vi phạm quy chế đến mức bị hủy bài thi, không có bài thi điểm 0 thì mới đủ điều kiện xét tuyển.

Trước đó, Sở GDĐT Hà Nội thông báo vẫn giữ nguyên phương án thi 4 môn giống năm học 2018-2019 khiến nhiều gia đình rất lo lắng vì HS nghỉ học dài ngày, kiến thức rời rạc. Việc giảm bớt môn thi cũng như giảm độ khó của kỳ thi như thông tin mới nhất khiến cả thầy và trò đều thở phào nhẹ nhõm vì có thời gian để tập trung ôn tập đạt kết quả cao nhất.

Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, kỳ thi lớp 10 THPT bao gồm 3 môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. Thời gian thi ngày 16 và 17/7/2020. Thời gian làm bài môn Ngữ văn, Toán là 120 phút/môn thi; môn Ngoại ngữ 60 phút.

Điểm bài thi là tổng điểm thành phần của từng câu hỏi trong đề thi, điểm bài thi được cho theo thang điểm từ điểm 0 đến điểm 10, điểm lẻ đến 0,25. Môn Toán, môn Ngữ văn sẽ có hệ số 2, môn Ngoại ngữ có hệ số 1.

Thông tin từ Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, nội dung đề thi trong phạm vi chương trình THCS do Bộ GDĐT ban hành, chủ yếu ở lớp 9. Đề thi phải bảo đảm chính xác, rõ ràng, không sai sót, phân hóa được trình độ học sinh, phù hợp với thời gian quy định cho từng môn thi.

Lưu ý chọn nguyện vọng

Năm nay, HS TP Hồ Chí Minh được đăng ký ba nguyện vọng (NV) ưu tiên 1, 2, 3 để xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập (trừ Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường Phổ thông năng khiếu ĐH Quốc gia). Không được thay đổi NV sau khi trúng tuyển. Trong đó, ở một trường, điểm chuẩn NV 2 cao hơn điểm chuẩn NV 1 và điểm chuẩn NV 3 cao hơn điểm chuẩn NV 2 không quá 1 điểm.

Theo các chuyên gia, cuộc đua vào các lớp 10 trường công lập ở các thành phố lớn những năm gần đây luôn có tính cạnh tranh cao, nhất là những trường top đầu. Ngoài việc lựa chọn đăng ký vào lớp 10 các trường THPT công lập phù hợp với năng lực học tập của bản thân, HS cũng nên cân nhắc đến yếu tố địa bàn. Bởi nếu chọn được trường gần nơi cư trú để thuận lợi cho việc học tập, đi lại sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, tiền bạc trong 3 năm theo học sau này. Nếu để đỗ trường công lập mà đăng ký một trường quá xa nhà rồi sau đó xin đổi không được, học tiếp cũng vướng thì không nên.

Chính vì vậy, HS Hà Nội lưu ý khi năm nay, Sở GDĐT Hà Nội cho phép HS được đổi khu vực tuyển sinh 1 lần, với điều kiện đổi khu vực tuyển sinh với cả 2 NV. Mỗi HS sẽ có 2 NV vào trường THPT công lập trong cùng 1 khu vực tuyển sinh, không kể các NV dự tuyển vào các lớp chuyên của 4 trường chuyên trực thuộc Sở GDĐT. Các NV được xếp theo thứ tự ưu tiên. Trong đó điểm chuẩn NV 2 phải cao hơn NV 1 1,5 điểm. Nếu trúng tuyển NV 1 thì không được xét tuyển NV 2. Toàn thành phố có 12 khu vực tuyển sinh.

Nhìn lại mùa tuyển sinh các năm trước, điểm của trường top đầu của Hà Nội như Trường THPT Chu Văn An (Tây Hồ) lấy điểm chuẩn 48,75, còn Trường Đại Cường (Ứng Hòa) hay Minh Quang (Ba Vì) chỉ lấy 16 điểm. Việc lựa chọn trường, xếp NV ưu tiên rất quan trọng. Tính trung bình, có những HS 8 điểm một môn vẫn trượt NV vào trường THPT công lập trong khi HS khác chỉ cần 4 điểm mỗi môn lại đỗ. Căn cứ vào chỉ tiêu đăng ký vào trường với số thí sinh đăng ký NV 1 vào trường có thể thấy cuộc đua giành 1 tấm vé vào trường THPT công lập luôn căng thẳng ở khu vực nội thành, ở những trường chuyên, trường có truyền thống lâu năm với thành tích HS học tập các năm trước tốt…

Vì vậy, một lực chọn được các chuyên gia gợi ý là HS có thể cân nhắc dự tuyển vào Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các trường ngoài công lập (không khống chế NV). Riêng các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và trường THPT ngoài công lập còn áp dụng hình thức tuyển sinh bằng cách xét học bạ. Thời điểm tuyển sinh với trường THPT ngoài công lập ngay sau khi kết thúc năm học 2019-2020 có thể là một phương án với những thí sinh có năng lực học tập ở mức trung bình khá…

Học sinh trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội sẽ phải xác nhận nhập học (trực tuyến hoặc trực tiếp) từ ngày 3/8 đến ngày 5/8 và nộp hồ sơ nhập học tại trường đã xác nhận từ 12/8 đến 15/8.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thi lớp 10 THPT: Giảm áp lực cho thí sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO