Tinh giản chương trình: Không cắt giảm cơ học kiến thức

Thu Hương 24/03/2020 08:00

Không giảm yêu cầu cần đạt được với học sinh (HS), đây là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Thành-Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT. Vấn đề băn khoăn lớn nhất là với HS lớp 9 và lớp 12 có những kỳ thi quan trọng trước mắt thì việc tinh giản này có ý nghĩa như thế nào? Bởi với các khối lớp khác, các em có thể được bù đắp phần kiến thức đã được tinh giản của học kỳ II vào đầu năm học mới nên không cần quá lo lắng.

Tinh giản chương trình: Không cắt giảm cơ học kiến thức

Tinh giản chương trình nhưng không giảm yêu cầu cần đạt được với học sinh.

Vừa dạy vừa chờ nội dung tinh giản

Cô giáo Vũ Thị Phương Anh - Phó Hiệu trưởng trường THPT Đoàn Thị Điểm (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, khung thời gian do Bộ GDĐT điều chỉnh thời gian kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020 trên thực tế vẫn bảo đảm thời lượng dạy học. Tại trường Đoàn Thị Điểm, thời gian qua, với khối lớp 12, những môn HS không thi được nhà trường tăng cường dạy học trực tuyến thí điểm, là biện pháp giúp các em hào hứng và thích hơn.... Việc dạy trực tuyến những môn này có những đổi mới giúp đẩy nhanh dạy bù sẽ trở nên đơn giản và gọn nhẹ, không gây áp lực cho HS. Và, nhà trường sẽ tập trung vào những môn HS chuẩn bị thi. Trường chỉ giảm tải như vậy, không cắt xén; vì trong chương trình thi giới hạn đến đâu nhà trường dạy đầy đủ đến đó.

Vì vậy, với thông tin Bộ GDĐT sẽ tính toán tinh giản chương trình học kỳ II, nhà trường cũng chờ đợi để có những điều chỉnh trong việc dạy và học cho hợp lý. Tuy nhiên, ở nhiều môn các kiến thức, bài học có sự xâu chuỗi với nhau nên không thể nói bỏ hẳn bài học nào… Hoặc có giảm tải các phần kiến thức nâng cao nhưng đối với các HS có dự định dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT Quốc gia để xét tuyển vào đại học, cao đẳng, nếu muốn đạt kết quả cao để xét tuyển vào những trường top đầu thì có thể bỏ qua những phần nâng cao này không?

Chia sẻ quan điểm này, ông Lê Văn Dũng- Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Quan (Hà Nội) cho rằng việc điều chỉnh của Bộ GDĐT là kịp thời, hợp lý, giúp HS bình tĩnh, tự tin hơn. Trước đó, dù HS có được giao bài tập, học trực tuyến nhưng nghỉ học kéo dài, các em không tránh khỏi tâm lý lo lắng. Ông Dũng cho biết, nhà trường sẽ chờ đợi giảm tải cụ thể của Bộ GDĐT, hướng dẫn của sở để giáo viên thiết kế chương trình dạy học tiếp theo.

Không cắt xén chương trình giảng dạy

Theo quan điểm của ông Nguyễn Quốc Bình- Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm), nếu trung tuần tháng 4, HS đi học trở lại thì không nên cắt xén chương trình giảng dạy. Các trường chỉ cần điều chỉnh nội dung kiến thức theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GDĐT, như đã nêu trong Công văn số 4612 năm 2017 là tinh giản kiến thức phù hợp với điều kiện thức tế của thời gian năm học.

Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên dạy Toán Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng, việc giảm tải chương trình phải đi kèm với việc công bố đề minh họa THPT quốc gia để HS không lo lắng, hoang mang. Thời điểm này, HS lớp 12 là lo lắng nhất bởi các em không còn 1 hay nhiều năm nữa để học bù lượng kiến thức bị giảm tải trong thời gian nghỉ dịch bệnh như các khối lớp khác. Tuy nhiên, thầy Tùng cũng ủng hộ phương án tinh giản thay vì các ý kiến nên giảm bớt môn thi, bỏ 2 bài thi tổ hợp, thậm chí bỏ cả kỳ thi… Bởi như vậy là không hợp lý, tạo sự không công bằng, khách quan giữa các môn thi, tạo tiền lệ xấu.

Về ý kiến cá nhân, thầy Tùng đề xuất, Bộ GDĐT nên bỏ phần kiến thức lớp 11 vì vài năm trở lại đây, kiến thức lớp 11 chỉ chiếm khoảng 10% đề thi, nhưng HS vẫn phải ôn tập rất nhiều. Ngoài ra, phương pháp học trực tuyến như hiện nay mới chỉ là giải pháp tình thế, khi đi học trở lại, thầy trò sẽ rất vất vả để chạy đua với học và ôn tập. Do đó, đề thi nên tập trung nhiều vào nội dung, kiến thức vào học kỳ I, học kỳ II chỉ nên chiếm 20-30%...

Bộ GDĐT đã có quyết định thành lập các tiểu ban rà soát, tinh giản nội dung dạy học theo chương trình GDPT của tất cả các môn học từ lớp 1 đến lớp 12. Mỗi tiểu ban tương ứng với một môn học của từng cấp học trong chương trình GDPT. Thành phần tiểu ban gồm có 1 trưởng, 1 phó, 1 thư ký và các ủy viên, trong đó có các tác giả, chương trình SGK, giảng viên trường ĐH sư phạm, đại diện sở GDĐT và giáo viên trực tiếp đứng lớp của môn học đó.

4 nguyên tắc đặt ra với các tiểu ban trong việc rà soát, tinh giản nội dung dạy học theo chương trình, gồm: Đảm bảo mục tiêu giáo dục của chương trình GDPT hiện hành theo quy định của Luật Giáo dục; đảm bảo tính logic của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các môn học; thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục; đảm bảo tinh giản nội dung dạy học phù hợp với việc điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường trong năm học 2019 - 2020 do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Đề thi THPT quốc gia: Căn cứ vào nội dung tinh giản

Theo thống kê của Bộ GDĐT, đến nay, cả nước có 29/63 tỉnh, thành phố tiếp tục cho học sinh THPT đi học. Trao đổi với báo chí ngày 23/3, ông Nguyễn Hữu Độ- Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết, trong tháng 3 này Bộ GDĐT sẽ họp trực tuyến với các Sở GDĐT để hướng dẫn thống nhất thực hiện các công việc liên quan để đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Riêng với HS lớp 12, Thứ trưởng lưu ý các em nên yên tâm ôn tập, chuẩn bị nền tảng kiến thức tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Căn cứ vào chương trình đã tinh giản, Bộ GDĐT sẽ xây dựng và công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tinh giản chương trình: Không cắt giảm cơ học kiến thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO