Giáo sinh cần trải nghiệm nhiều hơn

Vi Cầm 13/11/2020 09:30

Vừa rồi, tại hội thảo Đổi mới giáo dục đại học (ĐH) trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT) tổ chức tại ĐH Hùng Vương (Phú Thọ), đại biểu đã chỉ ra những bất cập về giảng viên ĐH, CĐ sư phạm hiện nay.

Đơn cử, theo ông Nguyễn Phú Chiến, Hiệu trưởng Trường THCS Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ), hiện giảng viên của các trường ĐH-CĐ ngành sư phạm đa số là sinh viên có thành tích học tập giỏi được giữ lại trường để giảng dạy.

Tuy nhiên, đội ngũ này chưa có nhiều trải nghiệm dạy học thực tiễn ở bậc phổ thông, thậm chí là rất ít. Trong khi các giảng viên này sau đó sẽ đào tạo các giáo viên tương lai từ mầm non đến ĐH. Như vậy liệu có đảm bảo giữa lý thuyết và thực tiễn hay không?

Nên chăng các giảng viên ở các trường ĐH-CĐ ngành sư phạm cần có đủ trải nghiệm làm giáo viên ở trường phổ thông một cách thực thụ và đúng nghĩa trước khi trở thành giảng viên ĐH sư phạm thay vì chỉ kiến tập, thực tập khoảng 8 tuần trước khi tốt nghiệp ĐH như hiện nay.

Trên thực tế, lâu nay việc sinh viên chỉ được kiến tập, thực tập thời gian ngắn là khiếm khuyết trong đào tạo ngành sư phạm. Không chỉ những sinh viên được giữ lại làm giảng viên mà cả sinh viên sẽ đi dạy ở các trường phổ thông cũng cần trải nghiệm thực tế đủ nhiều, bởi giáo dục không được phép “thử sai làm lại”.

Chính vì thế, việc đào tạo sư phạm phải đổi mới cấu trúc theo hướng tích hợp lĩnh vực, nội dung đào tạo, trong đó có tích hợp thực tiễn với lý thuyết. Mô hình đào tạo giáo viên phải được thiết kế với tư thế tác nghiệp, tức là sinh viên phải được tắm mình ở nhà trường phổ thông, giống đào tạo bác sĩ ở trường y để ra trường không bị bỡ ngỡ, không làm ảnh hưởng đến học sinh.

Nhiều chuyên gia giáo dục như ông Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ông Hoàng Ngọc Vinh- nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) đều đồng tình cho rằng cần một phần thời gian đào tạo sinh viên sư phạm ở trường ĐH, phần còn lại đào tạo tại trường phổ thông.

Cần tăng cường thời lượng thực hành để giáo sinh có kỹ năng sư phạm cũng như những năng lực dạy học khác. Việc thực tập có kèm cặp ở trường phổ thông cũng cần đánh giá quan trọng như học trên lớp.

Hiện tại, một số trường ĐH đào tạo sư phạm/ngành sư phạm trong nước đã có mô hình này. Chẳng hạn như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có cơ sở thực hành là THCS và THPT Nguyễn Tất Thành hay Trường ĐH Giáo dục có Trường THPT Khoa học Giáo dục… những môi trường này giúp cho sinh viên ngành sư phạm thường xuyên được trải nghiệm thực tế, nhằm phục vụ tốt hơn cho việc học trên giảng đường và dạy học sau này.

Nhưng ngoài xây dựng các trường thực hành trực thuộc, trường sư phạm vẫn cần liên kết với các trường phổ thông nhiều hơn nữa.

Chương trình GDPT mới đang triển khai với lớp 1, với yêu cầu đánh giá học sinh dựa trên năng lực/phẩm chất. Những đổi thay trong đánh giá học sinh phổ thông cũng đã có hướng dẫn và được áp dụng ngay trong năm học 2020- 2021 này.

Vì lẽ đó, những đổi thay trong đào tạo giáo viên, tức là những đỏi hỏi về phía người thầy cũng phải được đổi mới kịp thời. Tức là đặt ra những yêu cầu về cách tiếp cận đào tạo kép với giáo sinh sư phạm. Thời lượng lý thuyết và thực hành phải được coi trọng ngang nhau.

Vi Cầm

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo sinh cần trải nghiệm nhiều hơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO