Giao thông đường thuỷ 'chết lâm sàng'

Đoàn Xá 27/08/2020 08:00

Từng nhận được nhiều kỳ vọng của người dân và chính quyền, cũng như hưởng nhiều chế độ ưu đãi nhưng hiện nay vì nhiều nguyên nhân khác nhau các tuyến giao thông đường thuỷ ở TP HCM đang rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”.

Từ tuyến du thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cho tới tuyến buýt đường sông Bạch Đằng - Linh Đông hay mới nhất là tàu cao tốc bến Bạch Đằng - Thủ Dầu Một-Củ Chi.

Đặc điểm chung của các tuyến đường thuỷ này là chỉ đáp ứng được nhu cầu một bộ phận khách du lịch và không đáp ứng nhu cầu giao thông chung của người dân. Vì vậy, khi không có khách du lịch, các tuyến giao thông này cũng lập tức gặp vấn đề.

Theo quan sát chung thời gian qua, lượng hành khách sử dụng các tuyến vận tải đường thuỷ ở TP HCM không quá ít, thậm chí dịp lễ tết, cuối tuần còn khá đông khách. Tuy nhiên, đây đều là khách du lịch, những người sử dụng dịch vụ giao thông này gần như chỉ 1 lần. Trong khi đó, như tuyến buýt đường sông bến Bạch Đằng - Linh Đông được quy hoạch để phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân, giảm áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ đang quá tải trầm trọng.

Nhưng xảy ra tình trạng nhóm hành khách sử dụng dịch vụ không đúng theo dự kiến ban đầu khiến quy hoạch của tuyến buýt đường sông số 1 này gặp vấn đề. Ban đầu có tới 5-6 bến được xây dựng trong lộ trình từ Bạch Đằng đi Linh Đông nhưng gần như chỉ có 2 đầu bến hoạt động. Tình trạng này khiến cơ quan quản lý khi xây dựng lộ trình tuyến buýt đường sông số 2, số 3 đi Lò Gốm, Phú Mỹ Hưng cần có sự thay đổi nhất định.

Trong khi đó, là tuyến giao thông được kỳ vọng nhất, đầu tư nhiều tiền của nhất và cũng vừa mới đưa vào sử dụng, tuyến tàu cao tốc chạy dọc sông Sài Gòn từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Củ Chi dài tới 78km. Với mục đích chính hoạt động phục vụ du lịch, tuyến đường thuỷ cao tốc này đi qua hàng loạt địa điểm du lịch độc đáo ở TP HCM cũng như Bình Dương.

Nếu hoàn thành trọn lộ trình (đi và về) cũng như việc tham quan hết các điểm du lịch, khách có thể mất trọn vẹn 1 ngày. Tuy nhiên, sau khi đưa vào hoạt động một thời gian ngắn, tuyến cao tốc này bị tạm dừng vì lượng khách du lịch sụt giảm thê thảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo một chuyên gia về hạ tầng giao thông, mới nhìn qua thì nhiều người cho rằng đầu tư một tuyến giao thông đường thuỷ tốn ít chi phí so với tuyến đường bộ. Do hệ thống sông ngòi có sẵn, chỉ phải đầu tư mua phương tiện nhưng thực tế không dễ như vậy. Ngoài phương tiện, hệ thống cầu cảng cũng như đường kết nối cũng tiêu tốn rất nhiều tiền bạc.

Đặc biệt, các tuyến giao thông đường thuỷ ở TP HCM hầu hết chỉ phục vụ mục đích du lịch chứ không phải giao thông khiến cho quá trình hoạt động bị ảnh hưởng nhiều bởi khách du lịch.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh nếu nhu cầu sử dụng giao thông đường thuỷ của người dân là du lịch thuần tuý thì cần xem xét lại các tuyến giao thông đường thuỷ khác chuẩn bị đưa vào hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giao thông đường thuỷ 'chết lâm sàng'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO