Giấy nháp

Nguyễn Minh Hoa 22/10/2020 19:00

Khi tiếng ve ran trong lùm cây nắng rát quên đói để học và thi. Nhiều khi học vì sợ, sợ bố mẹ, sợ thầy chủ nhiệm, sợ các thầy cô giáo bộ môn, mọi sự sẽ tính sau, sau kì thi này.

Xưa, lại bắt đầu bằng những xưa cũ, xa lắc mà khôi nguyên, như nếp nghĩ thủa thiếu thời và đỏ thắm như màu hoa phượng thủa cắp sách. Khi tiếng ve ran trong lùm cây nắng rát quên đói để học và thi. Nhiều khi học vì sợ, sợ bố mẹ, sợ thầy chủ nhiệm, sợ các thầy cô giáo bộ môn, mọi sự sẽ tính sau, sau kì thi này. Và rồi cũng ổn, sau cái ngày đi tổng kết năm học không phải mang cặp sách ấy, đám học sinh chính thức bước vào kì nghỉ hè, tâm thế như muốn bay lên, không hề giống những ngày đã qua dù vẫn râm ran tiếng ve và đẫm nắng vàng.

Tối đầu tiên cơm nước xong bê bát đi rửa nghêu ngao hát dăm câu chứ chẳng vội vàng gì. Rửa bát xong cũng lại ngồi vắt chân trên hiên nhà tận hưởng cơn gió cái từ đâu thổi đến chứ cũng không phải chong đèn ngồi học. Ấy là mùa hạ, ấy là nghỉ hè. Nhưng mọi sự cũng chưa hẳn bắt đầu vì nếu không tự giác, kiểu gì cũng bị bố mẹ nhắc:

- Soạn sửa sách vở đi cho gọn, cất sách giáo khoa cũ đi để cho em. Xem quyển vở vào còn thì cắt lấy giấy trắng mà làm giấy kiểm tra hay đóng quyển vở nháp.

Thế là phải làm ngay việc ấy cho xong. Đầu tiên là xử lý đống sách giáo khoa, lật từng quyển xem có quên kẹp đồng tiền hay thư từ, giấy nhắn gì bí mật không, nếu lỡ quên, rất nguy hiểm.

Vở cũ đây, những ngày đầu năm còn kẻ lề, ghi chép nắn nót, ngày tháng năm. Những trang cuối đúng cảnh “trâu bò cuối vụ” chuệch choạc quá, chữ như gà bới. Thường thì những môn như toán, văn mới viết nhiều, còn các môn như địa hay giáo dục công dân thì viết không mấy nên giấy còn rất nhiều. Nếu còn nhiều, dự sẽ cất nguyên quyển, để năm sau, bọc lại “quay đầu” là có quyển vở bộ môn ngay. Việc viết đến đâu mới kẻ lề đến đấy có lợi là thế, nhưng không phải ai cũng biết.

Có những quyển còn dăm trang trắng thì được cắt sát, phần sẽ làm giấy kiểm tra 15 phút, phần gom lại cho bằng phẳng, tận dụng tờ bìa cũ ốp lại, dùi sách nhọn hoắt trong tay dùi đủ 4 lỗ, lấy chỉ trắng hay chỉ dù khâu chặt. Thế là đã có quyển vở nháp ngon lành. Nếu nhiều giấy có thể san thành 2 quyển, dùng dần trong năm học. Đống giấy linh tinh nào bài kiểm tra, vở cũ, báo bọc được đem xuống bếp nhóm bếp ngay.

Nói thế nhưng không phải là tất cả đều được đem đi biếu ông đầu rau mà tôi vốn cẩn thận, rất hay giữ lại đôi quyển vở mà mình cho là quan trọng, ngộ nhỡ cần cho năm học sau. Ví dụ quyển bài tập toán hay bài tập hóa. Vì thầy chủ nhiệm tôi dạy môn hóa, thầy nghiêm khắc và có lần thẳng tay cho tôi điểm 1 nên tôi rất sợ, phòng thân cho chắc.

Những cuốn vở nháp của tôi ra đời như thế và theo tôi suốt trong mọi năm học. Đi học có thể quên vở bộ môn hay sách giáo khoa, thước kẻ, bút chì nhưng vở nháp mà quên thì cơ khổ. Toán, lý, hóa, sinh - những môn này là phải nháp, nháp mới chắc ăn, nếu không nháp khó mà ăn điểm cao của các thầy lớp A.

Nhà tôi đông anh chị em, bố mẹ tôi lại chu đáo trong việc ăn học của các con nên không chỉ lo bút sách mà còn lo đến vở nháp cho các con. Thời ấy bao cấp thiếu thốn đủ đường, nên cứ khi có giấy là mẹ tôi mua luôn, giấy xúc Bãi Bằng 80 trang 1 tập, kẻ tím hay kẻ xanh đều thơm phưng phức. Nếu có mẹ tôi cũng mua cả xúc giấy đen để cho anh chị tôi học cấp 3 làm nháp. Phải năm khan hiếm giấy thì giấy đen cũng phải đem đóng vở. Mẹ lại phải xin ở cơ quan dăm tập hóa đơn đen đen, đóng ngang về cho các anh chị tôi nháp mặt sau. Loại hóa đơn này đến lạ, chỉ mặt trước in chữ thì nhẵn bóng, mặt sau không in gì nhưng xù xì, viết ngòi bút không tốt và trơn thì khó viết chứ không đùa. Loại màu hồng thì nhỏ, lại mỏng, nhiều khi viết còn rách cả giấy.

Anh tôi mải học, nháp kín hết cả những quyển hóa đơn đen ấy, nháp sang cả mặt in chữ. Tôi nhìn những dấu căn và những chữ sin cos đầy lạ lẫm. Thiếu thốn thế mà anh chị tôi vẫn học giỏi thi đỗ đại học. Năm ấy chờ mãi không có giấy báo điểm gửi về nhà theo đường bưu điện, bố tôi phải đạp xe ra ti giáo dục ngoài thị xã hỏi, người trong ti bảo giữ lại để xem mặt cậu này và xem là con cái nhà ai mà điểm cao thế. 9 điểm rưỡi môn toán.

Anh tôi đỗ đại học, có lẽ do chịu khó nháp bài. Tôi luôn nghĩ thế và ngay từ bé đã xin mấy tờ giấy kẻ ngang, cắt đôi đóng quyển vở nháp con con. Tôi nắn nót ghi chữ “Vở nháp” vào trang đầu và vẽ vào đấy bông hoa nho nhỏ.

Các anh chị tôi đã tốt nghiệp đại học, lập gia đình và đi ở riêng. Tôi cũng đã lớn. Mình tôi sở hữu tủ quầy chuyên đựng giấy tập, dập ghim, ngòi bút… cùng bàn học, giá sách. Nhiều cuốn vở, cuốn sổ và sách tham khảo của các anh chị vẫn để lại trong tủ. Tôi thi khác khối nên chẳng dùng đến, tôi chỉ lục tủ quầy kiếm tập giấy đen đóng thành quyển nháp. Áp lực thi cử và đỗ đại học đôi khi cũng khiến tôi mệt mỏi. Tôi chép vào sổ thơ toàn những bài thơ nằm trong diện đề ôn thi chứ không phải thơ tình như dạo trước.

Rồi sau mùa hè ấy, tôi đậu đại học. Tủ sách nhà tôi sau nhiều năm không còn sách giáo khoa, nhưng tủ quầy cũng còn cả vài xúc giấy. Tôi vẫn đóng vở cho các môn học năm thứ nhất như khi còn học cấp 3, nhưng lần này không còn “vở nháp”. Tôi tô son môi đi học và thấy mình đã lớn, cảm giác thực sự trưởng thành khi không có “vở nháp” trong cặp sách.

Hết bao cấp, các sạp hàng đầy vở đóng sẫn, bút bi đẹp mê, ngòi trơn tru, viết sướng cực. Tôi thường mua cả tập giấy viết tiểu luận văn chương, rõ là nháp, nhưng nháp này thật sướng tay - Tôi nghĩ thế.

Đến khi làm luận văn, tôi mua quyển vở bìa xanh 80 trang kẻ ngang viết dàn ý rồi viết nháp, gạch gạch xóa xóa cân nhắc cho từng mục. Tôi đã viết những dòng thật đẹp về Hàn Mặc Tử. Bản nháp và bản hoàn thiện ý tình đều đẹp. Chỉ khác bản hoàn thiện đã được đánh máy trên giấy A4 trắng tinh.

Tôi đi làm, năm ấy chưa thịnh hành máy tính, văn bản viết tay cả. Tôi nghĩ đến cái tủ quầy của nhà mình và về lục tìm. Tôi còn đôi tập giấy Bãi Bằng kẻ tím, còn ít giấy pô-luya. Giờ viết bút bi nên dùng được cả, không lo nhòe. Thế là những lời bình đầu tiên được tôi viết nháp trên những tờ giấy đã được cất giữ cả 10 năm trước đó. Vì tôi nhớ giấy pô-luya kia mẹ tôi mua hay xin về cho chị cả tôi đánh máy chữ luận văn tốt nghiệp, mà chị cả tôi hơn tôi 11 tuổi.

Hạn chế chi tiêu, tôi miệt mài viết bằng số giấy cũ. Vì là viết tay, nên thường viết đi, chép lại đến 3 lần mới xong, có khi còn nhiều hơn. Mỗi lần chép lại, là 1 lần bổ sung, tôi chẳng mấy khi vứt đi tờ nháp lần 1, vì tiếc những cảm xúc ban đầu. Tôi cũng không vứt nháp linh tinh vì sợ người khác đọc được chê câu chữ linh tinh mà không nghĩ đó mới là bản nháp tôi cần ghi nhanh… Không chỉ lời bình mà những truyện ngắn đầu tay tôi cũng đã viết trên giấy này, viết rồi đem đi đánh máy chữ, sau này mới là đi đánh máy vi tính.

Rồi giấy A4 trắng tinh ngập văn phòng, công sở, tôi đương nhiên có suất giấy A4 trắng tinh và bút bi Thiên Long để viết. Tôi nháp trên những trang giấy trắng tinh mà nhớ ngày xưa thiếu thốn, thế nên tôi luôn viết kín 2 mặt. Chỉ có văn bản cuối cùng tôi mới dám viết 1 mặt. Âu cũng là bệnh tiết kiệm ăn vào máu.

Rồi tôi mua máy tính, gõ sướng tay chứ không còn ngồi viết tay như trước, nhanh và hiện đại hơn nhiều. Bài vở của tôi đã in thành sách trên nền giấy trắng tinh, các con chữ đen nhánh lấp lánh. Tôi nháp cũng đã khác xưa nhiều, là những gạch đầu dòng trên từng trang sổ, rồi mở máy thoăn thoắt đắp đầy những chương, những mục, những câu chữ, chấm phẩy…

Thế nhưng tôi vẫn nhớ, nhớ quyển vở nháp khi xưa bố tôi vẫn nhắc đóng mỗi dịp hè về, nhớ quyển nháp bằng hóa đơn anh tôi viết kín chữ mỗi mùa thi.

Tôi chợt nghĩ phải chăng ngày xưa đám học sinh chịu khó nháp nên trước một bài bao giờ cũng suy đi tính lại các cách, đầu nghĩ tay ghi khiến cho nhớ lâu hơn. Và cũng có thể vì nháp nên bài vở chỉn chu và hoàn thiện hơn đám học trò nay cứ điền vào vở bài tập luôn, ít suy nghĩ cân nhắc như xưa.

Và tôi cũng lại nghĩ trong cuộc sống cũng vậy, cẩn trọng trong suy nghĩ, tôn trọng kinh nghiệm của bản thân và người khác cùng… uốn lưỡi trước khi nói cũng như thể… nháp. Tuy nó khiến tốc độ có chậm hơn, nhưng sẽ là “biết người biết ta”, tránh bẽ bàng cho chủ nhân trên mọi cương vị và mọi sự sẽ không bị đốt cháy giai đoạn cùng những ngoa ngôn mà bia miệng vẫn nhắc mỗi ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giấy nháp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO