‘Gieo chữ’ ở vùng cao

MINH PHONG - THANH HOA 05/01/2022 13:46

Để mang con chữ đến với học trò vùng cao, những thầy cô giáo “cắm bản” phải vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả. Bằng niềm tin và trách nhiệm, các thầy, cô đã cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, đưa “con đò tri thức” đến với học sinh vùng sâu, vùng xa.

Giáo dục ở miền biên viễn

Cô giáo Vi Thị Vinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Thượng (huyện biên giới Quan Sơn, Thanh Hóa) cho biết, năm học 2021 - 2022 nhà trường có tổng số 166 học sinh/14 nhóm, lớp và 25 cán bộ giáo viên, nhân viên. Trường Mầm non Trung Thượng hiện nay có 3 điểm lẻ, nhà trường đã tổ chức nấu ăn bán trú cho trẻ tại các nhóm, lớp 150 trẻ/166 đạt 90,4%.

“Nếu 5 năm trước, nhà trường thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhân viên không đảm bảo theo định biên số trẻ, số lớp… thì trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và sự nhìn nhận đúng mức của mọi tầng lớp nhân dân, các nhà hảo tâm, nay nhà trường đã có được ngôi trường mới khang trang hơn.

Các điểm lẻ cơ bản đủ về phòng học, trang thiết bị dạy và học đủ theo yêu cầu; đảm bảo đủ về số lượng đội ngũ giáo viên, chế độ chính sách nhà giáo tương đối ổn định. Tháng 11/2021 vừa qua, nhà trường vinh dự được công nhận đạt chuẩn quốc gia Mức độ 1, và đạt kiểm định chất lượng giáo dục Cấp độ 2”, cô Vinh chia sẻ.

Những khó khăn, thách thức đối với cô giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, theo cô Vi Thị Vinh, đó là: Địa hình phức tạp, dân cư không tập trung, điều kiện kinh tế - xã hội thấp, mặt bằng dân số nghèo và cận nghèo vẫn duy trì tỷ lệ nhất định; việc kêu gọi xã hội hóa giáo dục cá nhân, tổ chức xã hội hóa để phát triển giáo dục gặp nhiều khó khăn...

Các phòng học điểm lẻ còn phòng lắp ghép, phòng cấp 4 xuống cấp trầm trọng; trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn, việc tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế (vì chưa phủ sóng hết)...

Cô Vi Thị Vinh hướng dẫn học sinh tập chơi đánh chiêng.

Cũng theo cô Vinh, để truyền cảm hứng cho học sinh, tập thể cán bộ, giáo viên trong trường luôn thay đổi phương pháp giảng dạy. Bên cạnh đó, nhà trường luôn tạo cảnh quan môi trường trong và ngoài lớp học “xanh - an toàn - thân thiện” nhằm năng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ và ngày càng thu hút trẻ đến trường nhiều hơn.

Với cương vị của một Hiệu trưởng trường mầm non ở vùng biên giới giáp với nước bạn Lào, cô Vinh luôn trăn trở làm thế nào để đổi mới công tác nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ được tốt hơn.

Gắn bó với Tìa Dình

Nếu cô Vi Thị Vinh đã có hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” tại ngôi trường Mầm non Trung Thượng thì cô Lò Thị Hải cũng có gần 10 năm giảng dạy ở huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên). Mà toàn là các điểm bản xa xôi. Năm học này cô dạy ở Trường Mầm non Tìa Dình. Tìa Dình là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên Đông.

Ở đây, đời sống bà con chủ yếu vẫn phụ thuộc vào làm nương. Trường hiện có 1 điểm trung tâm và 6 điểm bản. Ngoại trừ 1 điểm bản cách trung tâm 3 km, còn lại các điểm khác đều không có điện lưới quốc gia, không sóng điện thoại, khó khăn về nước sạch. Vì thế công việc của giáo viên, nhất là giáo viên mầm non cũng ảnh hưởng nhiều.

Cô Hải chia sẻ: Khó khăn nhất phải kể đến ở đây là giao thông. Ngoài một số đoạn rất ngắn được trải bê tông, thì còn lại đều là đường đất, đèo dốc hiểm trở. Mùa mưa đi lại vô vùng vất vả, việc ngã xe, bị thương xảy ra như cơm bữa.

Cùng với việc giảng dạy, hàng ngày cô Hải phải thay cha mẹ chăm sóc học sinh.

Theo cô Hải, vết sẹo trên mặt cô là hậu quả của tai nạn trong lần đầu tiên đến nhận phụ trách tại điểm bản Na Xu, đây là bản xa và đường đi rất khó khăn. “Hôm ấy tôi đi một mình và đúng vào ngày mưa, đường rất trơn. Tôi mất nhiều giờ, vừa đi vừa dắt, đến con dốc cách điểm bản chừng 2km thì xe bỗng dưng mất phanh lao thẳng xuống vực. Tôi bất tỉnh chừng 20 phút, lúc tỉnh dậy chỉ thấy máu chảy xuống từ mặt, xe hỏng hết. Cố gắng bò lên, rồi đi bộ về điểm bản, nhờ dân giúp”, cô Hải nhớ lại.

Nói về sự thay đổi của giáo dục vùng cao, cô Lò Thị Hải cho biết: Những năm gần đây giáo dục miền núi, mà cụ thể nhất là ở Tìa Dình đã thay đổi rất nhiều. Trước kia các điểm bản đa phần là nhà tranh tre, nứa lá, tốt hơn thì nhà gỗ tạm bợ, không đảm bảo điều kiện học tập cho các con. Nhưng giờ được đầu tư xây dựng.

Ở các điểm bản, trước kia giáo viên ngày nào cũng phải 2 lượt đi hứng và xách nước từ các mó về trường phục vụ sinh hoạt của cô và trò, vất vả lắm. Nhưng giờ đường ống dẫn nước về tận nơi nên cơ bản cũng đảm bảo đủ dùng.

“Đặc biệt là chế độ ăn trưa cho các con thay đổi liên tục. Từ ngày tổ chức nấu ăn trưa, các con đi học chuyên cần và phát triển về thể chất hơn hẳn”, cô Hải cho biết thêm.

Năm học này, cô Hải cùng 3 giáo viên khác phụ trách tại điểm Tào La. Đây gần như là điểm cao nhất trong xã. Một ngày ở đây chỉ có khoảng 2 giờ là nhìn thấy mặt trời, còn lại thời tiết âm u, mù sương và rét. Đồng hành với học sinh ở Tìa Dình, cô Hải nói, không mong mỏi gì hơn ngoài việc các em được học tập.

“Vì chỉ có con đường đó mới giúp các em thay đổi chính cuộc sống của mình, sau đó mới kỳ vọng thay đổi được quê hương”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Gieo chữ’ ở vùng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO