Gìn giữ bản sắc Việt

VÂN HẰNG 17/10/2022 05:58

Sau thời gian dài hạn chế do dịch bệnh Covid-19, những ngày gần đây bà con trong cộng đồng người Việt tại châu Âu lại được hòa mình vào những hoạt động văn hóa sôi nổi và nhiều màu sắc.

Câu lạc bộ Văn nghệ tháng Mười trong sự kiện Sắc màu văn hóa trang phục truyền thống và nhạc cụ dân tộc Việt Nam tại Đức.

Qua những sự kiện, những hoạt động nghệ thuật đậm đà bản sắc Việt đã góp phần quảng bá hình ảnh một Việt Nam đầy ấn tượng với bạn bè quốc tế. Đặc biệt, các tiết mục nghệ thuật và ẩm thực Việt ngày càng hấp dẫn người dân bản địa…

Hướng về Hà Nội

Người Hà Nội tại Ba Lan có một sự kiện khá đặc biệt tại Thủ đô Warszawa từ nhiều năm nay, cứ vào dịp Kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 hằng năm, Câu lạc bộ Hà Thành-nơi tề tựu những người con Hà Nội lại háo hức tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật hướng về Hà Nội. Chị Trương Mai Anh-thành viên của nhóm “Sắc màu Ba Lan” thuộc Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan cho biết: Dịp này, tất cả người Hà Nội, người yêu Hà Nội trên đất nước Ba Lan đều có thể tham gia. Chúng tôi cùng nhau chế biến các món ngon đặc trưng của Hà Nội như: nem, chả cốm, phở, bún thang, bún ốc…; dựng những biểu tượng của Hà Nội như: Ô Quang Chưởng, Khuê Văn Các, tháp Rùa, hay góc phố nhỏ có vài chiếc xích lô thư thả đợi khách…

Rồi trong không gian ấy, chúng tôi cùng nhau uống trà, trò chuyện, ôn lại những câu chuyện về văn hóa, ẩm thực Hà Nội hay những đổi thay từng ngày của Hà Nội… cho thỏa nỗi nhớ quê hương của người con xa xứ. Bên cạnh đó Câu lạc bộ Hà Thành cũng là nơi nương náu tinh thần khi người Việt khó khăn, cần sự trợ giúp của cộng đồng người Việt tại Ba Lan.

Kể về cảm nhận của những người Ba Lan khi được mời đến sự kiện này, chị Mai Anh chia sẻ: Người dân Ba Lan cũng rất thú vị khi được mời tham dự, họ rất mê ẩm thực Hà Nội, nhất là món phở. Vì vậy cũng không ít người Hà Nội thành công khi chọn mở hiệu phở bán cho người dân bản địa.

Chia sẻ về nhóm “Sắc màu Ba Lan”, chị Mai Anh nói: Đây một tổ chức có tiếng nói và sức truyền tải đến cộng đồng rất lớn. Nhóm gồm 5 thành viên, chúng tôi tham gia các phong trào hát, múa, đi biểu diễn trong cộng đồng những ngày Tết, ngày lễ của người Việt, cho đến các chương trình của người nước ngoài, Quỹ Phát triển văn hóa châu Á. Nhóm cũng đã về Việt Nam tham gia một số sự kiện văn hóa trước dịch Covid-19. Tháng 9 vừa qua, nhóm "Sắc màu Ba Lan" cũng góp mặt trong ngày Lễ hội Văn hóa Việt Nam 2022 tại Ba Lan.

“Chúng tôi góp những bài ca, điệu múa quạt, múa nón để truyền bá văn hóa Việt Nam. Trong nhóm có nghệ sĩ ballet Victoria Hòa Trần, cô ấy đã truyền cảm hứng cho các thành viên, bởi tiết mục múa do Victoria Hòa Trần biên đạo luôn mang đậm văn hóa dân gian Việt Nam. Các tiết mục của chúng tôi được khán giả Ba Lan vô cùng yêu thích, và nhiều người chia sẻ, thông qua nghệ thuật họ có thể hiểu văn hóa của người Việt. Mặt khác, nhóm cũng mong muốn truyền tải văn hóa truyền thống tới thế hệ người Việt sinh ra tại Ba Lan. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải nỗ lực hơn rất nhiều”, chị Trương Mai Anh bày tỏ.

Hòa nhập, không hòa tan

Nỗi lo “hòa tan” hay những đặc trưng văn hóa bị phai nhạt dần trong thời kỳ hội nhập hiện nay không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, phần lớn người Việt xa xứ đều ý thức được sứ mệnh gìn giữ truyền thống của dân tộc.

Tại Cộng hòa Séc, đất nước công nhận cộng đồng người Việt Nam là dân tộc thiểu số cũng vừa tổ chức Lễ hội các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại Séc năm 2022. Trong lễ hội năm nay, phần trình diễn của các hội đoàn Việt Nam đã để lại ấn tượng đậm nét đối với người dân sở tại và du khách. Các tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc như: múa nón, múa quạt hay trình diễn áo dài… đã giúp người bản xứ cũng như các cộng đồng dân tộc thiểu số khác hiểu thêm về những nét văn hóa Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Dũng-Chủ tịch Hội dân tộc người thiểu số Âu Cơ tại Séc chia sẻ: Từ năm 2013, cộng đồng người Việt Nam đã được công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14 của Cộng hòa Séc. Từ đó tới nay năm nào chúng tôi cũng tham dự các lễ hội văn hóa các dân tộc thiểu số và các hoạt động văn hóa của nước sở tại. Chúng tôi cố gắng hòa nhập với nước sở tại, đồng thời luôn ý thức giữ bản sắc qua các hoạt động quảng bá hình ảnh văn hóa của Việt Nam trên đất Séc.

Vừa qua, Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại Hungary năm 2022 do Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary phối hợp với chính quyền Quận 3 tại Thủ đô Budapest (Hungary) và cộng đồng người Việt Nam tổ chức biểu diễn.

Sự kiện diễn ra từ ngày 10-24/9 thu hút sự tham gia của một số hãng truyền thông, báo chí Hungary cùng hàng trăm bà con kiều bào và người dân sở tại bởi sự độc đáo của văn hóa Việt, tinh thần Việt. Trong đó phải nhắc tới các hoạt động phong phú như: biểu diễn các tiết mục ca hát, trình diễn nhạc cụ dân tộc, múa nón, trình diễn thời trang áo dài, giới thiệu ẩm thực Việt Nam qua những món ăn truyền thống được bạn bè quốc tế đánh giá cao như: nem rán, nem cuốn, phở, bún chả… trưng bày góc Việt Nam, triển lãm ảnh “Vẻ đẹp Việt Nam” tại Budapest.

Đại sứ Nguyễn Thị Bích Thảo nhấn mạnh, đây là hoạt động văn hóa rất ý nghĩa giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và giao lưu giữa nhân dân hai nước Hungary và Việt Nam nói chung, cũng như người dân trong quận với cộng đồng người Việt Nam tại Budapest nói riêng.

Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại Hungary góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa, ẩm thực, hình ảnh đất nước con người Việt Nam tới bạn bè Hungary. Đại sứ khẳng định văn hóa, du lịch là lĩnh vực hợp tác nhiều tiềm năng trong quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, đồng thời mong muốn các hoạt động tương tự sẽ được tổ chức ở nhiều địa phương của Hungary.

Đặc biệt, quận trưởng Quận 3, ông Kiss László bày tỏ vinh dự là đại diện cho chính quyền địa phương đăng cai tổ chức sự kiện này, đồng thời mong muốn Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại Hungary năm 2022 sẽ giúp người dân sở tại hiểu biết hơn về một cộng đồng người Việt đoàn kết, tuân thủ pháp luật, sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ với sở tại trong khó khăn, dịch bệnh bằng các hoạt động từ thiện, từ đó mở ra triển vọng cho nhiều mối quan hệ hợp tác giữa Hungary và Việt Nam.

Tái hiện góc phố Hà Nội tại Ba Lan.

Khẳng định giá trị Việt

Những ngày cuối tháng 9, Câu lạc bộ Văn nghệ tháng Mười đã tổ chức sự kiện Sắc màu văn hóa trang phục truyền thống và nhạc cụ dân tộc Việt Nam tại Đức. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Dự án đa dạng văn hóa của quận Lichtenberg nhằm làm phong phú các giá trị văn hóa tại CHLB Đức. Thông qua những hoạt động tích cực của Câu lạc bộ Văn nghệ tháng Mười, đặc biệt lĩnh vực văn hóa đã gây được tiếng vang tốt đẹp đối với bạn bè Đức và quốc tế, trở thành một điểm nhấn tiêu biểu trong bức tranh chung của hội đoàn người Việt tại Đức.

Cũng tại sự kiện, Đại sứ Vũ Quang Minh đánh giá cao nỗ lực của Câu lạc bộ Văn nghệ tháng Mười, câu lạc bộ đã tổ chức hoạt động rất phong phú để gìn giữ và quảng bá văn hóa truyền thống trên quê hương thứ hai của cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức.

Theo Đại sứ, dự án được quận Lichtenburg tài trợ, có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ hỗ trợ cho việc làm đa dạng hóa, giàu có hơn nữa nền văn hóa của CHLB Đức mà còn tạo điều kiện để cộng đồng người Việt Nam tại Đức góp một phần nhỏ bé vào bức tranh văn hóa chung.

Trước đó, tại Trung tâm Thương mại Đồng Xuân ở thủ đô Berlin (Đức), chương trình Tết Trung Thu 2022 đã được tổ chức hết sức thành công với sự tham dự của hàng nghìn em nhỏ là con em thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt ở Berlin.

Một chương trình văn nghệ đặc sắc do các cháu là con em người Việt cũng như một số bạn Đức biểu diễn đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt tại sự kiện. Các tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc Việt Nam do dàn nhạc nhí thuộc trường nhạc Schostakowitsch trình diễn đã được hết sức tán thưởng…

Có thể nói, bản sắc văn hóa Việt hiện đang được các thế hệ kiều bào hôm nay gìn giữ và phát huy giá trị. Đó cũng là nguồn lực tinh thần quan trọng thôi thúc cộng đồng người Việt xa xứ thêm sức mạnh và sự gắn kết nơi xứ người. Đồng thời góp phần quan trọng khẳng định bản sắc Việt Nam, giá trị Việt Nam trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gìn giữ bản sắc Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO