Giỗ Tổ trên đất Ngàn Hống

HẠNH NGUYÊN 10/04/2022 07:00

Những năm gần đây, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng (chùa Đại Hùng, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) thu hút hàng chục nghìn người dân, du khách trong và ngoài tỉnh tham gia. Những nét đặc sắc của Lễ Giỗ Quốc Tổ trên đất thiêng Ngàn Hống không chỉ là địa chỉ đỏ để vun đắp đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà còn hơn thế nữa…

Lễ rước linh vị, các vật phẩm cúng tế Đức Thủy Tổ Kinh Dương Vương cùng các Vua Hùng
tại Khu di tích Đại Hùng.

Huyền thoại trên núi thiêng

Núi Hồng Lĩnh (còn gọi là Ngàn Hống), vùng đất địa linh nhân kiệt, sơn thủy hữu tình, là nơi giang sơn tụ khí. Những bí tích về Kinh Dương Vương thuở khai sơn, lập địa, dựng đô đã biến nơi đây trở thành không gian đặc biệt với những huyền thoại linh thiêng, huyền bí.

Tương truyền, từ buổi đầu dựng nước, phải tìm đất định đô, Kinh Dương Vương, đã hướng vào vùng danh thắng núi Hồng này. Đứng trên cao nhìn xuống vua thấy ở đây núi dăng nên lũy, khe chảy thành hào, non đủ cao, sông đủ sâu, đồng điền đủ rộng. Khả dĩ con người có thể tự làm lụng để nuôi sống lâu dài. Phóng tầm mắt ra xa muôn trùng sóng cả, núi non địa bàn hiểm trở, tiến có thế công, thoái có thế thủ đây là lợi thế bậc nhất cho một vương triều mới sơ khai định đô.

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ thu hút đông đảo bà con bản địa mà du khách thập phương đều tề tựu về đây dự lễ, trở thành ngày hội lớn của địa phương. Đặc biệt, kể từ khi địa phương đã đưa hội thi gói bánh chưng vào phần hội chính, lễ giỗ trở nên đặc sắc hơn” - Ông Đinh Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh nói.

Với tầm nhìn bao quát càn khôn đó, Kinh Dương Vương đã chọn dựng Hoàng thành trên đất Ngàn Hống. Sau một thời gian, để nới rộng cơ nghiệp, Kinh Dương Vương đã dời đô ra vùng núi Nghĩa Lĩnh (Việt Trì, Phú Thọ ngày nay) và cử Long Vương ra trấn giữ kinh thành, từ đó Ngàn Hống không còn là kinh đô của đất nước, nhưng dấu tích về một thiên truyện thần kỳ trên dãy núi Hồng 99 ngọn vẫn còn sống mãi với non sông.

Lịch sử cũng ghi lại, chùa Đại Hùng là 1 trong 4 ngôi cổ tự bao gồm (Thiên Tượng, Long Đàm, Đại Hùng, Cực Lạc), được xây dựng vào khoảng đời nhà Trần. Trải qua hàng trăm năm với sự khắc nghiệt của thời tiết, sự biến động của lịch sử, các hạng mục dần dần mai một, tàn phế. Song với ý thức tâm linh, với tinh thần bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, chính quyền địa phương phường Đậu Liêu cùng với các tín đồ phật tử khắp nơi đã đóng góp công sức, kinh phí khôi phục, tôn tạo, xây dựng chùa trở nên khang trang, bề thế.

Chùa Đại Hùng khác biệt so với các ngôi chùa khác trên địa bàn Hà Tĩnh bởi chùa không chỉ là nơi để các phật tử dâng hương niệm phật mà hàng năm cứ đến dịp Giổ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), bà con trong vùng và các vùng phụ cận của các huyện như Can Lộc, Đức Thọ, Nghi Xuân và tỉnh Nghệ An cùng đến dâng hương để tưởng niệm vị Thủy Tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng.

Thống kê chưa đầy đủ, Chùa Đại Hùng là một trong 1.417 di tích có thờ cúng các Vua Hùng trên cả nước và là điểm thờ Thủy Tổ và các Vua Hùng duy nhất có trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An.

Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh Đinh Văn Hồng, ban đầu chùa Đại Hùng chỉ được xem là một thiết chế của Phật giáo, song sự cộng hưởng từ huyền sử Kinh Dương Vương định đô trên dãy Hồng Lĩnh và với quan niệm “đất của vua, chùa của làng”, người dân nơi đây đã gắn tín ngưỡng dân gian thờ cúng tổ tiên với đạo Phật. Đó cũng chính là nét độc đáo, là sự khẳng định giáo lý nhà phật có nhiều điểm tương đồng đối với văn hóa Việt Nam.

“Những hoạt động tâm linh, tình cảm của người dân nơi đây đối với vị Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng luôn có sức sống mãnh liệt, bền bỉ, vượt cả không gian và thời gian” - ông Hồng nói.

Điểm nhấn du lịch tâm linh

Mỗi khi bước vào đầu tháng 3 âm lịch, người dân địa phương lại háo hức, khí thế, mong chờ đến ngày lễ trọng đại của địa phương. Bà Trần Thị Kiều Khánh - Phó Chủ tịch UBND phường Đậu Liêu cho hay, ngay cả khi phường không phát động, người dân cũng tự nguyện tập trung về Khu di tích Đại Hùng dọn dẹp, sơn quét vôi ve, tu sửa các hạng mục thờ tự để chuẩn bị cho ngày dâng tế.

“Từ ngày mùng 5 cho đến đúng ngày 10/3 âm lịch, mỗi ngày khu di tích đều đón hàng trăm lượt người từ các huyện, tỉnh bạn đến dâng hương, đặc biệt là ngày giỗ chính thức có khi lên đến hàng chục nghìn người” - bà Khánh cho biết thêm.


Thi gói bánh chưng tại Lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021.

Tại lễ giỗ, bằng tất cả lòng thành kính, người dân lựa chọn, chuẩn bị những sản vật nông nghiệp như bánh chưng, bánh tét, hoa, quả... để dâng tế. Các loại bánh dâng tế đều chay tịnh. Là chốn thiền môn thờ Phật song không chỉ có các thiện nam, tín nữ theo đạo Phật, mà bà con không theo đạo đều tới đây để dự lễ giỗ Thủy Tổ Kinh Dương Vương và các bậc Vua Hùng để dâng nén tâm hương hướng về cội nguồn dân tộc, hướng về đất tổ với tất cả tấm lòng tri ân sâu sắc nhất.

Những năm gần đây, đặc biệt là từ khi Ban Đại diện Phật giáo Việt Nam thị xã Hồng Lĩnh thành lập thì việc điều hành chính lễ đều do các vị đại đức hướng dẫn. Ngoài niệm phật cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa thì buổi lễ chính còn có nghi lễ cúng dân gian của các cụ hội viên hội người cao tuổi đảm nhận.

Trong đó, bài văn tế ca ngợi công lao dựng nước của vị Thủy tổ Kinh Dương Vương và các bậc Vua Hùng luôn được các bậc túc nho trong vùng soạn thảo với lời văn trau chuốt, thể hiện sự trân trọng, tri ân đối với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Phần hội có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…

Năm nay, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập thị xã Hồng Lĩnh. Để tổ chức lễ giỗ trang trọng hơn, chính quyền thị xã Hồng Lĩnh đã có tờ trình gửi đến Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, UBND tỉnh về việc đề nghị tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương với quy mô cấp tỉnh.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trên đất Ngàn Hống năm nay có nhiều hoạt động đặc sắc. Theo đó, ngày 7/3 âm lịch khai mạc Đại hội thể thao toàn tỉnh Hà Tĩnh 2022, tại đây diễn ra giải kéo co nam nữ toàn tỉnh. Hội thi gói bánh chưng dâng Quốc Tổ do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh tổ chức.

Phần lễ, ngày 9/3 âm lịch diễn ra lễ tế vật phẩm dâng cúng của các địa phương trong toàn tỉnh; Lễ tế dân gian của các cụ Hội Người cao tuổi; Lễ rước linh vị từ Kinh đô Ngàn Hống xuống sân tổ chức sự kiện. Ngày 10/3 âm lịch diễn ra nghi lễ chính.

Đến với Khu di tích Đại Hùng vào những dịp như thế này không chỉ vun đắp đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà lễ giỗ thực sự trở thành ngày hội của toàn dân, gắn kết cộng đồng dân cư với nhau. Ngoài ra, sự kiện này còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương. “Nghị quyết 02 của Ban Thường vụ Thị ủy Hà Tĩnh về việc “phát triển văn hóa du lịch tâm linh” đã thể hiện quyết tâm đưa Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành điểm nhấn phát triển du lịch tâm linh, huy động mọi nguồn lực để xã hội hóa, đưa nét văn hóa đặc sắc này phát triển lên tầm cao mới” - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh Đinh Văn Hồng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giỗ Tổ trên đất Ngàn Hống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO