'Giữ chân' công chức, viên chức

H.Vũ 05/10/2022 06:30

Số liệu từ Bộ Nội vụ cho thấy từ năm 2020 đến tháng 6/2022 đã có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc. Dự báo con số này vẫn sẽ tăng trong thời gian tới. Do đó, dể “giữ chân” công chức, viên chức vào lúc này cần những giải pháp cụ thể, căn cơ.

Để giữ chân được công chức, viên chức, một trong những yếu tố quan trọng là tiền lương phải phù hợp với sự cống hiến và phục vụ của họ. Ảnh: Quang Vinh.

Theo Bộ Nội vụ, trong 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thì khối công chức hơn 4.000 người, khối viên chức hơn 35.000 người nghỉ việc. Trong đó khối giáo dục hơn 16.000, y tế 12.000 người; ở Trung ương chiếm 18%, địa phương là 82%. Về nguyên nhân chủ quan theo đánh giá của Bộ Nội vụ là chế độ chính sách tiền lương còn rất nhiều khó khăn trong khu vực công, so với nhu cầu cuộc sống vẫn chưa theo kịp.

Thay đổi công việc để... phát triển hơn?

Từng trải qua công tác tại 2 trường công tại Hà Nội, đầu năm học 2022-2023, cô giáo Nguyễn Thị Minh Châu (quê Quảng Ngãi, hiện đang sinh sống tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã quyết định chuyển sang công tác tại một trường tư tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Nói về lý do chuyển từ trường công sang tư, cô Châu chia sẻ do tiền lương trường công thấp hơn trường tư; môi trường làm việc tại trường tư được thử sức nhiều hơn, có nhiều khả năng phát triển hơn; đặc biệt tại trường công làm việc phải theo một quy tắc “bó buộc”, phải nghe theo chỉ đạo từ cấp trên rằng “phải dạy như thế”.

Trước câu hỏi nếu làm việc ở môi trường công và phấn đấu tốt sẽ được bổ nhiệm ở vị trí cao hơn trong khu vực Nhà nước, còn ở khu vực tư sẽ không có cơ hội thăng tiến? Châu tự tin bày tỏ rằng ở khu vực tư vẫn có cơ hội để phấn đấu phát triển nếu bản thân mình thể hiện được năng lực vì trường tư phát triển theo năng lực, khả năng đến đâu thì trọng dụng đến đó.

Cô giáo Châu chỉ là một trong số 16.000 người của ngành giáo dục xin nghỉ việc chuyển sang trường tư thời gian qua.

Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về áp lực công việc trong xây dựng luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng phải than phiền vì…thiếu cán bộ. Ông nói: “Nhân sự của Bộ Tài chính hiện rất khó khăn. Một số anh em xin nghỉ việc nhiều. Kể cả vụ phó, trưởng phòng cũng xin nghỉ việc. Tôi phải gặp và động viên suốt”.

Từng công tác nhiều năm tại Đài tiếng nói Việt Nam, tuy nhiên cựu nhà báo Mai Lan quyết định nghỉ công tác để chuyển sang kinh doanh. Cho biết lý do, chị Lan bày tỏ muốn khám phá cái mới, thay đổi công việc để năng động và theo chị là để…phát triển hơn. “Làm trong khu vực Nhà nước, thu nhập là cái ai cũng nhìn thấy và dự đoán từ trước. Quan trọng trong tiến trình phát triển bản thân, mình thấy không còn phù hợp nữa nên thay đổi. Tại mỗi cơ quan đều có tiêu chí chung và bản thân mình có chấp nhận tiêu chí đó hay không. Nếu mình không chấp nhận tiêu chí đó thì mình tự thay đổi” - chị Lan chia sẻ và cho rằng thay đổi vì bản thân, chứ dường như qua nhiều năm không thấy khu vực Nhà nước thay đổi nhiều.

Sớm cải cách chế độ tiền lương

Nhằm khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc trong thời gian gần đây, Bộ Nội vụ đã có Công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở; cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn kết, ổn định của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Có các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

TS Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, việc nhiều cán bộ, công chức, viên chức chuyển từ khu vực công sang làm việc ở khu vực tư phần nào thể hiện tính tích cực là đã có sự kết nối liên thông giữa khu vực công và tư nhân, góp phần chuyển đổi việc làm và tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực, chuyên môn và sở thích của mọi người lao động, phù hợp với vận hành thị trường lao động mở, linh hoạt, phát huy tối ưu hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực xã hội. Tuy nhiên việc này cũng gây nhiều băn khoăn. Về phía người chuyển đi họ thấy tồn tại một số khó khăn, hạn chế về môi trường làm việc, phát huy dân chủ, cơ hội bình đẳng phát triển nghề nghiệp, thậm chí xuất hiện tiêu cực trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng, bổ nhiệm, sắp xếp vị trí việc làm, khen thưởng. Ở một số nơi, điều kiện làm việc chậm được cải thiện càng làm cho sức hút vốn có của khu vực công và lực níu kéo của cơ quan, đơn vị bị giảm. Một số cơ chế, chính sách về cán bộ, công chức, viên chức bị lạc hậu so với thực tế, chưa phù hợp trong tình hình mới. Trong đó hạn chế lớn nhất là việc thực thi, thực hiện trên thực tế các quy định về tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, sắp xếp vị trí việc làm, thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra.

Liên quan đến vấn đề chính sách cải cách tiền lương, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Trung ương, Chính phủ có nhiều Nghị quyết nâng cao chế độ chính sách tiền lương nhưng chế độ chính sách chưa đáp ứng so với nhu cầu cuộc sống. “Căn cứ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay, Bộ Nội vụ sẽ cùng với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan, báo cáo Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét tăng lương thế nào cho phù hợp” - ông Thăng cho biết.

Đưa ra giải pháp, bà Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, hiện đang diễn ra hai tình trạng là: cán bộ công chức viên chức xin nghỉ việc; và xin nghỉ để chuyển sang khu vực tư. Do đó cần đặt ra câu hỏi: Tại sao khu vực tư hấp dẫn hơn và có sự dịch chuyển? Bà Nga cho rằng hấp dẫn hơn ở chế độ tiền lương. Người lao động bao giờ cũng muốn thù lao xứng đáng với công sức bỏ ra. Nhiều năm nay, khu vực Nhà nước chưa cải cách tiền lương, trong khi thang bậc lương thấp. “Bây giờ lương của một kỹ sư mới ra trường còn thấp hơn lương của lao động phổ thông như thợ xây, giúp việc nhà. Đó chính là một nghịch lý. Với mức thu nhập như vậy, họ không đủ nuôi sống bản thân. Trong khi đó, khu vực tư thì lương cao hơn, hưởng theo năng lực. Chưa kể khu vực công còn cào bằng, thậm chí bất công nên người lao động không mặn mà” - bà Nga chỉ rõ.

Bà Nga cũng cho rằng vấn đề cải cách tiền lương đã đặt ra từ nhiều năm nay, qua nhiều đợt cải cách nhưng nỗ lực chỉ như “muối bỏ bể”. Và kế hoạch tăng lương qua nhiều năm nay đến nay cũng nhưng chưa thực hiện được. Do đó song song với cải cách tiền lương, cần cải cách mạnh mẽ trong tinh giản biên chế bởi hiện bộ máy vẫn đang… cồng kềnh, trong khi ngân sách có hạn.

Theo TS Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cán bộ công chức cũng là người lao động, cũng phải lo cho cuộc sống của mình. Cho nên tiền lương với họ cũng rất quan trọng. Họ cũng cần mức lương phù hợp với đóng góp, với giá cả thị trường, để làm việc, cống hiến và nuôi sống gia đình. Do đó, tiền lương trả cho công chức, viên chức phải phù hợp với sự cống hiến và phục vụ của họ. Không để có sự chênh lệch quá xa về tiền lương giữa khu vực công và khu vực tư như hiện nay.

TS Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam):

Cần có biện pháp chăm lo quyền lợi, nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức

Công đoàn ở các cơ quan, đơn vị cần quan tâm sát sao hơn nữa, chủ động tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của cán bộ công chức viên chức, đoàn viên công đoàn để kịp thời phản ánh, kiến nghị đại diện đề nghị cấp ủy Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị giải quyết, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Thực hiện tốt trách nhiệm kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ các chế độ, chính sách, quy định của cơ quan, đơn vị về xây dựng môi trường làm việc, phát huy dân chủ, cơ hội bình đẳng phát triển nghề nghiệp; việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, bổ nhiệm, sắp xếp vị trí việc làm, khen thưởng cán bộ công chức, viên chức. Cùng với cấp ủy Đảng, lãnh đạo, đoàn thể trong cơ quan, đơn vị cần góp phần tích cực tạo lập môi trường làm việc tốt để phát huy năng lực của mỗi người lao động và tạo cho người lao động gắn bó với cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, không thể không quan tâm và cũng là giải pháp hàng đầu là phải có biện pháp cụ thể chăm lo, nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức tương xứng với công sức, đóng góp, cống hiến của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Giữ chân' công chức, viên chức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO