Giữ gìn bản sắc văn hóa người Ơ Đu

TH. ANH 12/02/2021 09:00

Bây giờ, đến bản của tộc người Ơ Đu - một trong những tộc người ít nhất Việt Nam, không còn phải đi bằng xuồng máy trên sông nữa, cũng chẳng phải tìm họ trong thâm sơn cùng cốc.

Hơn 400 người đã được tái định cư tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Nơi đã có con đường nhựa chạy qua, có điện, có trường… Nhiều năm sống ở bản làng mới, người Ơ Đu nơi đây vẫn luôn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Người Ơ Đu tái hiện lễ mừng tiếng sấm.

Độc đáo lễ mừng tiếng sấm năm mới

Trong những tập tục cổ xưa của người Ơ Đu, lễ mừng tiếng sấm năm mới (hay còn gọi là Tết Chăm Phtrong) là lễ hội thiêng liêng nhất trong năm được bà con tổ chức rất lớn. Đồng bào Ơ Đu quan niệm, một năm mới được bắt đầu bằng mốc nghe tiếng sấm đầu tiên, vào khoảng từ tháng 2 đến đầu tháng 4, nguồn năng lượng siêu nhiên ban tặng báo hiệu cho một mùa gieo trồng mới. Khi có tiếng sấm đầu tiên, người Ơ Đu làm lễ cúng tạ ơn trời đất và bắt đầu một mùa canh tác mới, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu dồi dào sức khỏe, dân làng đoàn kết và đón một năm mới làm ăn suôn sẻ, phát đạt.

Để tiến hành Tết Chăm Phtrong, cư dân khắp nơi sẽ tề tựu, mổ trâu, lợn, gà mở hội tế trời, ăn mừng tại bản. Chủ lễ sẽ thực hiện những nghi thức lễ trước sự chứng kiến của bà con dân tộc Ơ Đu. Chủ lễ khấn thần sấm đem nguồn nước đến cho bà con sinh sống và trồng trọt, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người khỏe mạnh và may mắn… Bên cạnh lời khấn nguyện là những âm thanh nguyên sơ của núi rừng, gợi đưa khách dự về một không gian săn bắn, không gian làm rẫy của người Ơ Đu.

Sau lễ cúng thần linh là nghi lễ làm vía cho các thành viên trong bản cũng được tiến hành, các sợi chỉ đen được phát cho các thành viên để buộc vào cổ tay cho mọi người với ý nghĩa buộc linh hồn lại trong cơ thể để linh hồn luôn khỏe mạnh, đừng rời khỏi thể xác mà hãy ở lại đó để giữ sức khỏe và phù hộ cho bản thân, gia đình.... Chỉ cổ tay là các sợi chỉ màu đen được tết sẵn lại thành các sợi dây nhỏ dài vừa buộc đúng cổ tay. Trong nghi lễ này, ngoài các thầy mo thực hiện nghi lễ buộc chỉ cổ tay thì các gia đình cũng tự buộc cho con cháu mình... Theo quan niệm của người Ơ Đu sợi chỉ đó là sợi chỉ thiên để buộc hồn buộc vía ở lại với bản thân nên không được tháo ra cho đến lễ hội năm sau.

Trong những ngày Tết Chăm Phtrong, ngoài việc được thưởng thức những món ăn truyền thống, du khách và đồng bào dân tộc Ơ Đu cùng tham gia nhiều trò chơi dân gian như: Đánh khăng, chọi gà, đi cà kheo... hay nhảy múa theo những giai điệu truyền thống của người Ơ Đu với những âm thanh vui tươi của nhạc cụ cồng chiêng, đàn tùng tinh, trống và những nhạc cụ được làm từ ống nứa.

Ngày xưa, Tết mừng tiếng sấm của đồng bào Ơ Đu thường được tổ chức từ 5-7 ngày, nay rút gọn còn trong một ngày, nhưng các nghi lễ vẫn được thực hiện theo phong tục truyền thống. Hiện nay, bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương đã được chính quyền đầu tư xây dựng nhà cộng đồng nên việc tổ chức lễ hội hàng năm được tổ chức tại đây. Việc chọn thời gian tổ chức lễ mừng tiếng sấm đón năm mới của cộng đồng được các ông mo và bô lão trong bản chọn lựa rất kỹ, đó là vào các ngày “khóa ngang”, tức là ngày lớn nhất trong tháng song phải trong thời gian buổi sáng chu kỳ có tiếng sấm…

Phụ nữ Ơ Đu trong trang phục truyền thống. Ảnh: N.Dương.

Hỗ trợ, phát triển dân tộc Ơ Đu

Bên cạnh lễ mừng tiếng sấm, đồng bào Ơ Đu còn có những nét văn hóa đặc trưng được thể hiện qua trang phục, ngôn ngữ… Chị Mạc Thị Tím - người Bản Văng Môn cho biết, hiện chị vẫn giữ được một bộ trang phục truyền thống của người Ơ Đu. Chị Tím là người dân tộc Thái, nhưng lại lấy chồng người Ơ Đu. Bà nội chị cũng là người Ơ Đu, trước khi mất, bà đã để lại cho chị chiếc áo truyền thống của dân tộc mình. Sau mấy thế hệ, chiếc áo đã sờn rách, cũ nát. Chị dựa vào hình dáng cũ, và cho may lại chiếc áo mới, chỉ để dành mặc những dịp lễ hội.

Năm 2019, từ nguồn vốn của Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, theo Quyết định 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 2086), dân bản Văng Môn cũng đã được cấp 20 bộ khung cửi, sợi bông dệt vải; phụ nữ trong bản được truyền dạy các kỹ năng sang sợi, dệt lại bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình. Nhờ vậy, mà giờ đây, hầu hết phụ nữ Văng Môn đã có 1 bộ trang phục truyền thống để mặc mỗi dịp lễ tết, hoặc những sự kiện quan trọng.

Cùng với đó, trước nguy cơ bị mai một ngôn ngữ và chữ viết Ơ Đu, Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều dự án hỗ trợ, phát triển dân tộc Ơ Đu. Nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống, văn hoá, giáo dục, công tác khuyến nông, khuyến lâm… đã được triển khai trong những năm gần đây. Một trong những nội dung của Dự án là việc mở lớp dạy tiếng cho các thế hệ trẻ người Ơ Đu.

Ông Vi Tân Hợi, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương - người đã nhiều năm nghiên cứu về dân tộc Ơ Đu cho biết: Việc bảo tồn và phát triển tộc người Ơ Đu những năm gần đây luôn được các cấp chính quyền quan tâm. Đã từng có nhiều nhóm nghiên cứu, nhà sử học về thăm bản Văng Môn cùng đồng bào người Ơ Đu, tìm giải pháp cứu những giá trị văn hóa truyền thống của tộc người ít ỏi này.

Tuy nhiên, để bảo tồn những giá trị văn hoá của người Ơ Đu, ông Hợi cho rằng, trước hết phải khôi phục lại nền tảng không gian băn hóa: Quy hoạch lại bản Văng Môn ngày nay theo kiểu cấu trúc không gian làng bản của người Ơ Đu cổ xưa; tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng; ngôn ngữ và phục dựng một số lễ hội quan trọng, như: Lễ Chăm Phtrong (mừng sấm đầu năm), lễ ăn cơm mới-rước hồn lúa và mừng nhà mới. Để làm được điều này, ngoài việc chăm lo đến đời sống tinh thần và vật chất của bà con thì cần có sự quyết tâm và đồng bộ của bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương, huy động sự tham gia của các nhà nghiên cứu khoa học, văn hóa, ngôn ngữ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ gìn bản sắc văn hóa người Ơ Đu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO