Giữ mãi mạch nguồn tri ân - Bài 2: Lan tỏa đạo lý 'uống nước nhớ nguồn'

HẠNH NGUYÊN - ĐẶNG SƠN 25/07/2022 13:45

Hà Tĩnh là mảnh đất gánh chịu không biết bao nhiêu bom đạn trong chiến tranh. Và hôm nay, những tấm lòng tri ân luôn hướng về các bậc cha anh với mong muốn góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu thăm hỏi thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình chính sách. Ảnh: BHT.

Lặng thầm tìm tên cho liệt sĩ

Trận tập kích bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào ngày 7/1/1973, tại sân bay dã chiến Libi (lòng Hồ Kẻ Gỗ, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã để lại vết thương lớn, gần 50 năm qua chưa thể lành lại. Trận chiến ác liệt đó khiến hàng chục chiến sĩ, thanh niên xung phong ngã xuống, xương cốt họ bị vùi lấp hoàn toàn trong lòng hồ Kẻ Gỗ. Ngay cả tên, tuổi, địa chỉ, số người ngã xuống cũng mãi là vô danh.

Ông Nguyễn Phi Công (SN 1964, trú xã Cẩm Mỹ) luôn đau đáu với nỗi đau này. Suốt 10 năm qua, ông luôn lặng thầm, bỏ công sức đi khắp nơi tìm sự thật về mất mát của trận chiến B52 tại sân bay giã chiến Libi.

Từng là bộ đội đặc công trong thời bình nhưng ông Công thấu hiểu những mất mát trong chiến tranh. Giải ngũ trở về quê lập nghiệp, từ năm 1983, hiện ông là Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên hồ Kẻ Gỗ.

Mười năm qua, ông lần tìm khắp nơi trong lòng hồ Kẻ Gỗ về những chứng tích còn lại của trận chiến. Góp nhặt những mảnh đạn bom sót lại trên rừng, dưới lòng hồ với ý định lập bảo tàng chiến tranh trong lòng hồ Kẻ Gỗ.

Hễ nghe ai nói có nhân chứng lịch sử của trận chiến năm xưa, ông lập tức tìm đến tận nhà hỏi thăm. Trong làng xã hay ở tận Hà Nội, cứ nghe có người thân của các liệt sĩ, thanh niên xung phong hy sinh tại sân bay giã chiến Libi là ông tìm đến tận nhà để hỏi thăm.

Năm 2010, trong một lần tham quan Hồ Kẻ Gỗ, một đoàn cán bộ của Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cùng nhau quyên góp được một khoản tiền nhỏ. Họ giao lại hết cho Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ với mong muốn lập một điểm thờ cúng các anh hùng liệt sĩ ngay chính tại mặt trận năm xưa.

Năm 2011, tiền quyên góp chỉ đủ làm miếu tưởng niệm nhỏ chứ không có sân bãi, ông Công đã vay thêm 50 triệu đồng, thuê người và nhờ anh em cùng chung tay xây dựng thành sân bãi rộng rãi, khang trang. Năm 2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận ngôi miếu này là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Từ đó trở đi, thân nhân, du khách, các tổ chức trong và ngoài tỉnh đến viếng thăm khu di tích lịch sử nhiều hơn. Đây cũng là cơ duyên để ông Công tìm hiểu được cặn kẽ về những liệt sĩ đã hy sinh ở trận địa này.

Sau những năm tháng dài lặng lẽ kiếm tìm và kết nối, gặp gỡ nhiều nhân chứng, đến nay, ông Công tạm thời có được danh sách 28 thanh niên xung phong và 32 liệt sĩ (trong đó toàn bộ các liệt sĩ đã hy sinh đúng vào trận tập kích ngày 7/1/1973). Nhưng đó mới chỉ là danh sách những người có tuổi, có tên, còn khoảng 100 hài cốt liệt sĩ trong lòng hồ đã được cất bốc, di dời đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cẩm Xuyên chưa có tên, tuổi, địa chỉ. Vùi sâu trong lòng hồ thăm thẳm, dưới những dãy núi hùng vĩ kia, còn biết bao xương máu của các chiến sĩ năm xưa hy sinh vì nền độc lập nước nhà… Xương máu của họ đã hòa vào dòng nước mênh mông và vùi sâu trong đất đá.

Hằng tháng, trên chiếc thuyền máy, vượt hơn 1 tiếng đồng hồ lênh đênh trong lòng hồ Kẻ Gỗ, ông Công cùng đồng nghiệp đến chăm sóc, dọn dẹp, thắp hương, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ, thanh niên xung phong...

Danh sách những người hy sinh vẫn còn dang dở thì tâm ông Công vẫn chưa yên. “Tôi còn sống thì vẫn tiếp tục tìm kiếm để lấp đầy danh sách những người đã hy sinh ở trận địa này. Tôi không có nguyện vọng nào hơn, chỉ mong anh linh các anh hùng, liệt sĩ được yên nghỉ” - ông Công xúc động.

Cựu binh Nguyễn Phi Công luôn đau đáu tìm kiếm danh sách các liệt sĩ đã hy sinh ở sân bay giã chiến Libi trong lòng hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Bồi đắp đạo lý “uống nước nhớ nguồn”

Trong dòng chảy tri ân, ở Hà Tĩnh không chỉ có những người lặng thầm tìm kiếm danh sách liệt sĩ như ông Nguyễn Phi Công. Trong suốt chặng đường lịch sử, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tầng lớp nhân dân Hà Tĩnh với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng đã luôn nỗ lực, cố gắng chăm lo toàn diện cho người có công với nhiều cách làm ý nghĩa, thiết thực.

Trong số hàng nghìn người có công được hỗ trợ làm nhà ở, mới đây bệnh binh Lê Văn Nha (SN 1954, ở thôn Khang Ninh, xã Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) được hỗ trợ làm nhà mới với số tiền 70 triệu đồng.

Được ở trong căn nhà mới khang trang, bệnh binh Lê Văn Nha xúc động nói: “Căn nhà cũ của gia đình được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước, mỗi khi mưa gió, vợ chồng tôi lo ngay ngáy, mấy lần định sửa lại toàn bộ nhưng chưa đủ lực. Năm 2021 gia đình được Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội hỗ trợ, cùng với số tiền tích cóp để xây mới căn nhà khang trang trị giá 370 triệu đồng”.

Không phải lo chuyện nhà cửa, tâm lý thoải mái khiến sức khỏe của ông Nha cũng được cải thiện. Ông cùng vợ tích cực chăn nuôi, quy hoạch lại vườn trồng rau, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.

Với những hoạt động tri ân thiết thực như thế, cùng với thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, Hà Tĩnh đã ban hành các chủ trương, nghị quyết với cách làm quyết liệt, sáng tạo để chăm lo cuộc sống cho gia đình chính sách, nhờ đó đến nay không còn đối tượng người có công thuộc diện hộ nghèo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu cho biết, từ năm 2012 đến nay, số kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi hằng tháng cho người có công với cách mạng là 9.340,686 tỷ đồng, chi trả trợ cấp một lần 863,123 tỷ đồng; chi mua BHYT cho các đối tượng là 439,633 tỷ đồng; thực hiện chế độ ưu đãi giáo dục, đào tạo 300,142 tỷ đồng, chế độ điều dưỡng 729,325 tỷ đồng; trung bình mỗi năm có trên 220.000 lượt đối tượng người có công và thân nhân được tặng quà. Công tác quy tập mộ liệt sỹ được các cấp, ngành hết sức quan tâm, từ năm 1999 đến nay, đã tổ chức tìm kiếm và quy tập, an táng 800 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào về nước.

Hàng nghìn nhà ở, nhà tránh lũ cho người có công được Hà Tĩnh hỗ trợ xây dựng, công tác đào tạo nghề, bố trí việc làm cũng được chú trọng triển khai.

“Bên cạnh thực hiện tốt các chính sách ưu đãi với người có công, thời gian qua, các cấp, ngành trong toàn tỉnh đã tổ chức vận động toàn dân thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa các nguồn lực để phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” lan tỏa sâu rộng, góp phần chăm lo cuộc sống cho người có công với cách mạng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay.

Theo đó, chỉ tính từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã đóng góp vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hơn 76 tỷ đồng, xây dựng, sửa chữa 3.071 nhà tình nghĩa với tổng giá trị 113,846 tỷ đồng; tặng 4.470 sổ tiết kiệm, các trang thiết bị, đồ dùng thiết yếu trị giá hơn 12 tỷ đồng; 100% Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời.

Sự tri ân, tôn vinh và quan tâm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội ở Hà Tĩnh đã cổ vũ, đồng hành cùng các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công vượt qua khó khăn, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong các phong trào lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu và học tập.

(Còn nữa)

Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã xem xét, công nhận và thực hiện chính sách ưu đãi đối với trên 301.135 lượt đối tượng người có công, thân nhân người có công với cách mạng. Toàn tỉnh đang thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi hằng tháng cho 40.741 người có công, thân nhân người có công; trợ cấp 1 lần 23.099 đối tượng và các chế độ, chính sách khác với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. 35 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ mãi mạch nguồn tri ân - Bài 2: Lan tỏa đạo lý 'uống nước nhớ nguồn'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO