Giữ rừng ngày Tết ở Buôn Ja Wầm

Tuấn Anh 02/02/2016 09:31

Tết đang đến gần cũng là lúc mọi người chuẩn bị hành trang về sum vầy cùng gia đình, bạn bè, người thân. Thế nhưng với những người được giao quản lý, giữ rừng những ngày Tết lại là những ngày căng thẳng khi họ phải túc trực 24/24 giờ trong rừng sâu.

Giữ rừng ngày Tết ở Buôn Ja Wầm

Cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp
Buôn Ja Wầm tuần tra bảo vệ rừng.

Cty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm được UBND tỉnh Đắk Lắk giao quản lý và bảo vệ 8.800 ha rừng. Nhưng theo thời gian, hiện toàn lâm trường có trên 358 ha bị người dân di cư tự do lấn chiếm, dựng làng lập xóm giữa rừng với hơn 200 hộ và gần 1.000 khẩu. Cùng với đó, Cty đã trả về địa phương gần 3.000 ha đất rừng để chính quyền địa phương bố trí đất sản xuất cho người dân. Mặc dù đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách mà tỉnh và huyện đã ban hành nhưng cuộc chiến giữ rừng của Cty vẫn còn nhiều gian nan. Để quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao, Cty đã bố trí 6 trạm bảo vệ rừng, thành lập thêm các đội tuần tra bảo vệ cơ động với số lượng hơn 40 cán bộ, công nhân viên bảo vệ rừng.

Anh Nguyễn Kim Mưu (26 tuổi) Trạm trưởng Trạm cơ động (Cty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm) đã công tác tại Cty hơn 7 năm nay nhưng anh chỉ mới một lần được về quê ở Phú Yên ăn Tết cùng vợ con và gia đình. Anh Mưu chia sẻ: “Mặc dù đã được cơ quan tạo điều kiện nhưng do không ít người lợi dụng dịp Tết để phá rừng nên tôi đã ở lại để sát vai cùng anh em giữ rừng, chứ để rừng bị chặt phá, lấn chiếm thì sau này khó thu hồi lắm. Đã làm nghề này rồi thì phải tận tâm làm việc thì may ra rừng mới còn”.

Anh Mưu cho biết thêm, đây là nghề nguy hiểm bởi các đối tượng phá rừng rất manh động. Tết năm 2009 trong một lần đi tuần tại tiểu khu 544 phát hiện một nhóm đối tượng đang phá rừng lấy gỗ, anh Mưu cùng các anh em trong đội đã tổ chức bắt giữ. Song do lực lượng ít hơn nên chúng đã dùng súng kíp đe dạo và bắn trực tiếp vào người anh. Hiện trong người anh vẫn còn 3 viên đạn chưa được lấy ra. Sau nhiều lần làm đơn kiến nghị thì anh đã được hưởng chế độ thương binh ¾ (tỷ lệ thương tật 52%). Tết năm 2013, nhiều hộ đã tổ chức phá rừng ngay đêm 1 mồng Tết, phát hiện vụ việc đơn vị đã báo động toàn anh em tham gia vào tịch thu phương tiện, bắt được một số đối tượng để xử lý. Tuy nhiên do cơ chế xử lý chưa nghiêm nên một số đối tượng không sợ và tiếp tục thực hiện các vụ chặt phá ở các tiểu khu khác.

Là người có hộ khẩu cư trú ở xã Dray B’Hăng, huyện Cư Kiun, nhà cách Cty hơn 70 cây số, vào làm nhân viên bảo vệ rừng ở Cty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm hơn 7 năm nhưng có lẽ chưa khi nào anh Phan Bùi Quảng được ăn một cái Tết trọn vẹn với gia đình. Anh Quảng chia sẻ: “Mấy năm trước anh em có chia nhau lịch trực, sau ca trực thì em tranh thủ chạy xe về ăn Tết với gia đình. Đang vui vẻ thì nhận được điện thoại của cơ quan báo động đề nghị anh em hỗ trợ vì phát hiện nhiều đối tượng phá rừng, nghe xong điện em liền tức tốc chạy xe vào lâm trường để hỗ trợ cùng anh em trong trạm. Sau khi xử lý sự việc xong thì Tết vừa hết”.

Đã có 20 năm làm công tác bảo vệ, quản lý rừng ở Công ty, nhà ở cách Cty hơn 1km nhưng nhiều năm nay anh Trần Quốc Quang (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) cũng phải đón Giao thừa cùng anh em giữa rừng sâu. Anh Quang Chia sẻ: “Ngày Tết người dân và những kẻ phá rừng thường nghĩ ai cũng lo nghỉ ngơi sau một năm mệt nhọc nên sẽ lơ là việc canh gác bảo vệ rừng vì vậy mà các đối tượng này thường xuyên nhằm vào những ngày này tổ chức người xâm nhập vào rừng để cắt gỗ, chiếm đất. Tuy nhiên do cấp trên thường xuyên vạch ra những kế hoạch giữ rừng cụ thể nên chúng tôi đã ngăn chặn được hàng trăm cuộc xâm lấn rừng. Nhờ đó mà những vạt rừng của Công ty vẫn đứng vững trước mồi lửa, lưỡi cưa của kẻ gian”.

Lãnh đạo Cty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm cho biết, hàng năm đến mùa Tết Cty phải tổ chức lực lượng trực Tết 24/24 và chốt chặn ở những điểm nóng xảy ra hiện tượng phá rừng, lấy đất là do mùa khô ở Tây Nguyên là mùa người dân đi phát rẫy làm nương; trong khi đó diện tích rừng rộng lớn và bằng phảng nên rất thuận lợi cho việc xâm nhập rừng của nhiều đối tượng. Không ít hộ tách khẩu nên nhu cầu cần đất sản xuất gia tăng, ngoài ra nhiều kẻ đầu nậu gỗ cũng rình rập thuê người dân vào rừng xẻ gỗ theo kích thước được đặt trước, cùng với đó chúng cấp tiền, cấp máy móc cho người dân đi làm nên nhiều người không có tư tưởng nghỉ ngơi ăn Tết mà lợi dụng sự sơ hở của cơ quan quản lý để hành sự. Họ thường xuyên tổ chức nhiều đoàn phá rừng với nhiều người tham gia mang theo máy móc, dao rựa vào khai hoang.

Chính vì thế, năm nay Cty phải cắt cử 40 cán bộ, công nhân viên bảo vệ rừng. Để hỗ trợ anh em những ngày trực Tết, Cty sẽ trả thêm 200 ngàn đồng đồng/người/ngày ngoài lương, bên cạnh đó Cty còn mua thêm bánh chưng, thức ăn cho anh em ăn Tết, trực chiến trong rừng. Không chỉ canh giữ rừng, mà anh em bảo vệ còn thực hiện việc kiểm soát phòng, chống cháy rừng. Vì thế, có thể tin rằng Tết năm nay rừng nơi đây sẽ bình yên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ rừng ngày Tết ở Buôn Ja Wầm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO