Giữ rừng và trồng rừng

Bắc phong 07/10/2022 07:00

9 tháng năm nay, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 191,2 nghìn héc ta; tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi cả nước có 887,9ha rừng bị thiệt hại; giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2021; cả diện tích rừng bị cháy, bị chặt phá đều giảm. Nhìn vào những con số trên có thể thấy tình hình rừng trồng mới cũng như rừng bị đốn hạ đều có chuyển biến tích cực. Dù vậy, việc rừng trồng mới cũng như bảo vệ rừng vẫn có nhiều vấn đề cần bàn.

Theo Hội Nông dân Việt Nam, những năm gần đây diện tích rừng tự nhiên ở nước ta giảm nhanh, chất lượng rừng suy thoái nặng nề. Trong giai đoạn 10 năm từ năm 2011 đến 2021, diện tích rừng bị thiệt hại ước hơn 22.800ha, trong đó, rừng bị cháy khoảng 13.700ha, còn lại do bị chặt phá trái phép. Bình quân mỗi năm nước ta suy giảm khoảng 2.500ha rừng.

Riêng trong năm 2021, số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho thấy, cả nước phát hiện 2.653 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, diện tích rừng bị thiệt hại là 1.229ha.

Còn về rừng phòng hộ ven biển, riêng tỉnh Cà Mau trong vòng 10 năm đã mất 4.950 ha (số liệu từ Sở NNPTNT Cà Mau). Nguyên nhân chủ yếu là do bị cháy và sạt lở ven biển.

Về hai “điểm nóng” về tốc độ phá rừng thời gian qua là Tây Nguyên và một số tỉnh miền núi phía Bắc, tình hình vẫn căng thẳng. Tại Tây Nguyên, những tháng đầu năm 2022 này vẫn xảy ra nhiều vụ khai thác lâm sản, phá rừng có tổ chức, quy mô lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng và tác động tiêu cực đến an ninh trật tự nông thôn. Điển hình là vụ chặt phá, xâm hại gần 400 ha rừng tại Tiểu khu 205, do UBND xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) quản lý.

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, năm 2010, toàn vùng Tây Nguyên có hơn 2,7 triệu ha đất có rừng; trong đó hơn 2,5 triệu ha rừng tự nhiên. Đến năm 2020, diện tích đất có rừng toàn vùng hơn 2,5 triệu ha; trong đó rừng tự nhiên 2,1 triệu ha. Như vậy, trong vòng 10 năm, diện tích rừng tự nhiên vùng Tây Nguyên giảm hơn 410.000ha, bình quân mỗi năm giảm 41.000ha. Đáng nói, không chỉ giảm về diện tích mà rừng Tây Nguyên còn suy giảm về trữ lượng. Đến thời điểm hiện nay, hơn 70% diện tích rừng tự nhiên ở khu vực này là rừng nghèo kiệt; rừng trung bình và rừng giàu chỉ còn gần 30%.

Tại Bắc Kạn, chỉ riêng xã Đồng Lạc (huyện Chợ Đồn) từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra 22 vụ phá rừng trái phép. Trong phạm vi toàn tỉnh, thống kê 9 tháng năm nay đã xảy ra 338 vụ phá rừng trái phép (tăng 125 vụ so với cùng kỳ năm 2021), diện tích rừng bị thiệt hại hơn 89ha. Diện tích bị chặt phá chủ yếu là rừng phòng hộ gần 11ha, rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất 78,5ha.

Như vậy, trên phạm vi cả nước việc phá rừng có thể nguội bớt, nhưng tại những địa phương, khu vực cụ thể thì không hẳn. Cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều lý do giải thích vì sao không ngăn chặn được nạn phá rừng. Các lý do đều đúng, nhưng vì sao vẫn không giữ được rừng? Đó là câu hỏi cần sớm có câu trả lời.

Nhìn tổng thể, theo cơ quan chức năng, năm 1943, diện tích rừng Việt Nam ước tính 14,3 triệu ha. Thời kỳ 1945-1975 cả nước mất khoảng 3 triệu ha rừng, bình quân 100.000ha/năm. Tuy nhiên, quá trình mất rừng diễn ra nhanh nhất là ở giai đoạn 1975-1990: Mất 2,8 triệu ha, bình quân 140.000 ha/năm. Tốc độ mất rừng nhanh khiến việc rừng phát triển tự nhiên và rừng trồng mới không theo kịp. Đó là chưa nói có rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm của rừng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Từ đây, xin được nói về Quyết định số 524 của Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 1/4/2021: Đến hết năm 2025 cả nước trồng 1 tỷ cây xanh (trong đó 690 triệu cây phân tán ở đô thị và nông thôn, 310 triệu cây ở rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng mới rừng sản xuất…). Như vậy, cả nước trồng bình quân 204,5 triệu cây/năm. Đây chính là một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam phát triển bền vững, mang lại lợi ích môi trường và kinh tế.

Giữ rừng và trồng rừng là hai mặt của một vấn đề, nếu không làm tốt cả hai thì màu xanh của đất nước sẽ ngày một ít đi, tài nguyên rừng cạn kiệt, môi trường thiên nhiên bị phá hủy. Riêng về mặt giữ rừng, nếu không làm rõ trách nhiệm của kiểm lâm, chính quyền địa phương và chủ rừng ở từng vụ việc thì rừng vẫn bị đốn hạ, có trồng mới bao nhiêu cũng là không xuể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ rừng và trồng rừng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO