Giữ sự chuẩn mực của người thầy

Lê Phong 08/10/2021 08:00

Giáo dục chưa bao giờ là công việc nhẹ nhàng. Nhưng cũng chưa bao giờ, những người làm nghề giáo lại đứng trước những thử thách như thời điểm này. Từ đây, cũng lộ ra những ứng xử thiếu chuẩn mực xuất phát từ một số người đứng trên bục giảng.

Giảng viên Trịnh Lê Anh với phát ngôn gây “bão”.

1. Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện các clip cho thấy tình trạng thầy, cô giáo cư xử thiếu chuẩn mực khi dạy học trực tuyến. Mới đây, một đoạn ghi âm dài 6 phút về việc giáo viên buông những lời lẽ nặng nề với học sinh trong giờ học trực tuyến. Theo tường trình của cô giáo, trong khi cô đang giảng bài thì học sinh có lời lẽ tục tĩu, hỗn láo, khiến cô bức xúc và không giữ được bình tĩnh, dẫn đến phát ngôn thiếu chuẩn mực.

Trước đó, trên mạng cũng lan truyền đoạn video dài 4 phút 41 giây ghi lại việc có một giảng viên khi dạy online đã thiếu kiềm chế, đuổi học sinh ra khỏi phòng học online. Theo đoạn video, khi giảng viên đặt câu hỏi cho cả lớp thì có sinh viên trình bày vì trời mưa to nên không nghe rõ, nhờ thầy giảng lại. Thầy không đồng ý và yêu cầu sinh viên đeo tai nghe (headphone) để nghe, sinh viên trả lời đeo tai nghe cũng không rõ. Ngay lập tức, thầy mời sinh viên ra khỏi phòng học trực tuyến vì cho rằng sinh viên này không chuẩn bị chu đáo cho việc nghe giảng. Ở phút 2:21 của video này, thầy yêu cầu cả lớp mở webcam lên để thầy nhìn rõ mặt yêu cầu sinh viên mở mic nói “Tôi tên.... có đủ miệng và tai, giác quan như người bình thường” khi gọi tên từng sinh viên. Sau khi video được tung lên mạng, nhiều người rất bức xúc về cách xử lý tình huống của vị giảng viên này. Qua xác minh, giảng viên trong video này là thầy Lê Minh Thành thuộc Khoa Điện - Điện tử của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, lớp học môn Tín hiệu và Hệ thống diễn ra ngày 16/9/2021.

Cũng trên mạng xã hội xuất hiện video dài 5 phút ghi lại lớp học online có tiếng giảng viên quát tháo và mắng sinh viên là “óc trâu”. Cụ thể, trong video, nam giảng viên đã nói sinh viên: “Như là cái óc trâu, nói hoài rồi cũng không làm”. Tiếp đó giảng viên quát sinh viên ầm ĩ: “Tại sao không làm, Tại sao? Tại sao không làm? Trong video có tiếng sinh viên lí nhí đáp: “Dạ, để em chỉnh lại” thì nam giảng viên tiếp tục hét lên: “Tại sao không làm?”. Đoạn video được xác định ghi lại lớp học bộ môn Cơ điện tử, Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa TPHCM.

Cũng trong thời gian qua, một nữ giáo viên ở Sơn La đã để lộ hình ảnh “nóng” trong buổi tập huấn trực tuyến sử dụng sách giáo khoa lớp 6 năm học 2021 - 2022.

Ngoài ra, dư luận cũng hết sức bất bình khi giảng viên Trịnh Lê Anh của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) đã công khai email của sinh viên lên trang cá nhân, cùng bình luận có phần mỉa mai: “Nhưng nghỉ học có làm em đỡ buồn hơn không”. Trước đó, một sinh viên xin vắng mặt buổi học vì gia đình có chuyện buồn. Dù thừa nhận người này được phép nghỉ, giảng viên này vẫn chụp màn hình đoạn email, đăng lên trang cá nhân kèm dòng trạng thái: “Khai giảng online, khi sinh viên buồn! Em không cần xin lỗi vì quyền của em là được phép nghỉ trong quỹ 20% thời lượng cho phép! Nhưng nghỉ học có làm em đỡ buồn hơn không, là điều các em cần cân nhắc và phải mạnh mẽ hơn, nhé!”.

Cảm thông, chia sẻ, và không nên đẩy các thầy, cô giáo đến bước đường cùng vì những ứng xử chưa chuẩn mực với học sinh, sinh viên, song nhiều người nêu quan điểm: Không thể lấy lý do áp lực khi dạy online để bào chữa cho cách xử sự chưa đúng mực của các giảng viên. Việc giảng viên xúc phạm sinh viên là khó chấp nhận, ngay cả khi sinh viên phạm lỗi. Việc thầy cô xúc phạm học sinh, sinh viên sẽ khiến môi trường sư phạm và hình ảnh người thầy không còn trọn vẹn như xưa, sẽ không tránh khỏi một số học sinh, sinh viên đánh mất đi sự tôn trọng giảng viên…

2. Dẫn lại một số chuyện vừa xảy ra gần đây để thấy, câu chuyện ứng xử của thầy cô giáo là một vấn đề, một câu chuyện cần được quan tâm và có các phương án tháo gỡ nhằm tránh xảy ra những tình huống xấu hơn. Bởi hơn hết, giáo dục là một thành trì, nghề sư phạm là một nghề cao quý. Thầy cô giáo vẫn luôn là những thành phần cần phải tôn vinh, bảo vệ.

Các vụ việc vừa kể ở trên, dù sau đó, các thầy cô đều cảm thấy mình có lỗi, và đã chủ động xin lỗi học sinh - sinh viên, hoặc cũng đã bị nhà trường nhắc nhở, xử lý tuy nhiên điều đó vẫn chưa thể xóa hết những suy nghĩ thiếu tích cực về hình ảnh người thầy trong đời sống hiện nay.

Một số ý kiến cho rằng, thầy cô giáo cũng là con người. Và suốt gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động đến vấn đề tâm lý của giáo viên. Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do áp lực, stress nghề nghiệp. Bản thân họ cũng chịu ảnh hưởng, tổn thương sức khỏe tâm thần bởi dịch bệnh, với nhiều áp lực và lo âu. Trong khi đó, dù dịch bệnh xảy ra nhưng giáo viên vẫn phải làm việc. Họ không được phép ngừng lại. Theo đó, giáo viên phải thích nghi với hình thức dạy học online. Mà việc học online còn khá mới mẻ, thậm chí nhiều thầy cô giáo chưa quen. Một số giáo viên thừa nhận, do tuổi tác chưa thể thích ứng ngay với công nghệ.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Nga - Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, áp lực của công việc dẫn tới sự gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần của người lao động, trong đó có đội ngũ giáo viên như lo âu, stress, trầm cảm...

Vấn đề căng thẳng nghề nghiệp của giáo viên trở thành vấn đề lớn trong các trường học. Khi căng thẳng nghề nghiệp không được giải quyết, giáo viên sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, áp lực… và có thể dẫn đến khó kiểm soát hành vi và cảm xúc… Nếu những dấu hiệu này không được can thiệp kịp thời, nó sẽ làm giảm sự hài lòng, lòng yêu nghề và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Nhìn nhận ở góc độ cảm xúc, PGS.TS Trần Thu Hương - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: Khi áp lực, lo âu vượt quá ngưỡng cho phép sẽ bộc phát ra bên ngoài, mà chúng ta vẫn nói là không kiềm chế được cảm xúc.

3. Cảm thông, chia sẻ, và không nên đẩy các thầy, cô giáo đến bước đường cùng vì những ứng xử chưa chuẩn mực với học sinh, sinh viên, song nhiều người nêu quan điểm: Không thể lấy lý do áp lực khi dạy online để bào chữa cho cách xử sự chưa đúng mực của các giảng viên. Việc giảng viên xúc phạm sinh viên là khó chấp nhận, ngay cả khi sinh viên phạm lỗi. Việc thầy cô xúc phạm học sinh, sinh viên sẽ khiến môi trường sư phạm và hình ảnh người thầy không còn trọn vẹn như xưa, sẽ không tránh khỏi một số học sinh, sinh viên đánh mất đi sự tôn trọng giảng viên…

Sau sự việc giảng viên mắng sinh viên là “óc trâu”, giảng viên đã xin lỗi sinh viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM cũng đã có thư ngỏ gửi các giảng viên trong đó mong họ hãy giữ vững cách ứng xử đúng mực của một người làm công tác giảng dạy, tránh các từ ngữ, các phát biểu quá nặng nề. Bức thư viết: “Trong cơn đại dịch, mọi sinh hoạt thường ngày của chúng ta và người thân đều đảo lộn, chúng ta phải xử lý rất nhiều việc phát sinh bất ngờ và rất khó khăn vì dịch bệnh, chúng ta phải chuyển sang hình thức giảng dạy online hoàn toàn tại nhà và điều này cũng gây không ít phiền toái cho thầy cô. Không ít thì nhiều, chúng ta cũng biết rằng, những trở ngại này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của tất cả thầy cô giáo trong toàn trường.

Thời gian qua, có một số dư luận phản ánh tình hình giảng dạy của một số ít thầy, cô không ở nội dung giảng dạy mà ở cung cách ứng xử trên lớp online. Chúng ta hoàn toàn có thể thông cảm với các sự cố này, vì các lý do như nêu trên. Tuy nhiên, xin các thầy, cô quan tâm kìm hãm các nỗi bực dọc tâm lý, giữ các ứng xử đúng mực của một người làm công tác giảng dạy, tránh các từ ngữ, các phát biểu quả nặng nề. Việc giảng dạy online, dẫu sao còn quá mới với tất cả chúng ta, mà bầu không khí trong lớp online lại đóng vai trò quan trọng trong việc tạo niềm hứng khởi học tập của sinh viên, nên một lần nữa rất mong quý thầy cô hết sức quan tâm đến vấn đề này”.

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội): Thực tế, trong quá trình dạy học online vừa qua có nhiều sự lúng túng. Lúng túng về mặt kỹ thuật tôi sẽ không bàn tới nhưng lúng túng về mặt tâm lý giáo dục cần phải giải quyết càng sớm càng tốt.

Nhiều thầy cô mặc dù có kinh nghiệm dạy học nhiều năm nhưng chưa có sự rèn luyện cảm xúc trong chương trình đào tạo trước đây nên năng lực kiểm soát cảm xúc có thể còn yếu kém.

Tôi nói có thể nhiều người sẽ không đồng tình nhưng, trước đây chúng ta không coi trọng lắm về đào đạo phẩm chất nghề nghiệp nhà giáo. Trong khi người nhà giáo là kiến trúc sư tâm hồn. Chính vì vậy, việc giáo viên có kỹ năng chăm sóc sức khỏe tinh thần cho chính mình và học trò phải được coi là nguyên tắc đạo đức để được lên lớp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ sự chuẩn mực của người thầy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO