Giữ vững ‘vùng xanh’

Nhóm phóng viên 12/08/2021 07:02

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hà Nội đã thành lập nhiều Tổ Covid-19 cộng đồng, nỗ lực thiết lập “vùng xanh” an toàn không có dịch. Cùng với những “Chốt vùng xanh” thì những “Tổ dân phố xanh” cũng đã được thành lập, huy động toàn dân đồng lòng chống dịch.

“Chốt vùng xanh” và “Tổ dân phố xanh”

Tại chung cư Gemke Tower (thuộc khu đô thị Lê Trọng Tấn, đường Lê Trọng Tấn, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội), không lâu sau khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, “Chốt vùng xanh” lập tức được mọc lên.

Ngay chính giữa lối dẫn vào chung cư Gemke Tower, tấm biển sắt màu xanh đề dòng chữ “VÙNG XANH” để ngay ngắn, với quy định tất cả người lạ, khách ra vào đều phải khai báo y tế, thực hiện thông điệp 5K. Hàng hóa chỉ nhận tại bàn trực chốt. Mỗi cá nhân đều phải có ý thức tự bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng.

Chị Đỗ Thị Loan - thành viên Tổ Covid-19 cộng động của xã An Khánh cho hay: Ngay sau khi TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, UBND xã đã phối hợp cùng ban quản lý tòa nhà, cắt cử nhân lực nhằm giám sát số lượng người ra vào. Khi có đồ, người giao hàng sẽ gọi điện thoại trực tiếp cho cư dân, sau đó để ở bàn được bố trí tại “Chốt vùng xanh” rồi ra về chứ không được vào sảnh chung cư. Người nhận sẽ xuống lấy đồ tại bàn của “Chốt vùng xanh”, tuyệt đối không tiếp xúc trực tiếp với người giao hàng.

Còn trong trường hợp cư dân của tòa nhà vì bận việc gì đó mà chưa thể xuống lấy đồ ngay được, thì sẽ có thành viên của “Chốt vùng xanh” nhận đồ, cũng như trông giúp. Tại bàn giao nhận hàng ở các “Chốt vùng xanh” đều trang bị cồn rửa tay, sát khuẩn cho cư dân, cũng như người giao hàng.

Tại khu đô thị Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy,) trong sáng 11/8, hàng loạt những “Chốt vùng xanh” được lập nên, ngay lối ra vào những tòa chung cư.

Chỉ vào những tấm biển đề chữ “CHỐT VÙNG XANH”, ông Nguyễn Văn Thanh - Tổ trưởng Tổ dân phố chung cư B3C (Khu đô thị Nam Trung Yên), thành viên Tổ Covid-19 cộng động cho hay, tại chốt luôn có thành viên thay phiên nhau ứng trực ngày, đêm, để quản lý không cho người lạ ra vào khu vực tòa nhà. Đồng thời kiểm tra cư dân ra đường không có lý do chính đáng.

Tương tự, những khu chung cư như Hòa Phát (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai), chung cư 170 Đê La Thành (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa), chung cư Sunshine Riverside ở phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) hay khu nhà ở Hưng Thịnh (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông)… cũng đều đã thiết lập “Chốt vùng xanh” để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì không chỉ các khu chung cư, khu đô thị, các nhà cao tầng… mới thiết lập “Chốt vùng xanh”. Mà ngay tại các khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, hàng loạt “Chốt vùng xanh” cũng đã được thiết lập.

“Chốt vùng xanh” tại chung chư (xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội).

Cùng với các “Chốt vùng xanh”, một số nơi tại Hà Nội cũng đã thành lập “Tổ dân phố xanh”, điển hình là tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy.

Với 6 chốt kiểm soát chính tại các tuyến đường dẫn vào phường cùng 28 chốt phụ tại các đầu ngõ, ngách tại tuyến đường trên địa bàn, ông Lâm Văn Thảo - Phó chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân cho biết mọi người lạ ra vào đều phải khai báo y tế, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, hàng hoá mang tới chỉ được giao tại chốt trực và người dân sẽ được thông báo để ra lấy.

Anh Lại Thế Hà - người dân sinh sống tại địa bàn cho biết, mức độ đồng thuận của người dân đang rất cao, mọi người đều ủng hộ việc thành lập “Tổ dân phố xanh”. Ngoài ủng hộ về tinh thần, rất nhiều người muốn đăng ký tham gia hỗ trợ thêm nhân lực cho các chốt trực. “Đây là cách làm rất kịp thời giúp người dân được bảo vệ an toàn trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay” - anh Hà nói.

PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đánh giá, mô hình vùng xanh tại Hà Nội đang hoạt động rất tốt.

Tương trợ lẫn nhau trong lúc khó khăn

Song song với công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác điều trị cũng được Hà Nội gấp rút triển khai, với việc thành lập nhiều bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Theo kế hoạch của Sở Y tế Hà Nội, BVĐK Đống Đa tiếp nhận 2 toà nhà với 1.000 giường bệnh. Ở thời điểm hiện tại, nơi này đang điều trị cho 352 bệnh nhân dương tính với Covid-19. Bệnh nhân có triệu chứng chiếm khoảng 70% tổng số bệnh nhân đang điều trị tại đây. Bởi vậy, quá trình điều trị, theo dõi bệnh nhân được thực hiện rất sát sao.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại cơ sở thu dung điều trị Đền Lừ 3. Ảnh: Quang Vinh.

BS Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa truyền nhiễm BVĐK Đống Đa cho biết: “Chúng tôi phát cho từng bệnh nhân thông tin về các triệu chứng thường gặp của bệnh. Trường hợp bệnh nhân xuất hiện những triệu chứng không nằm trong danh sách, ngay lập tức, các bác sĩ sẽ có mặt để thăm khám, cấp cứu và theo dõi sau khi nhận được thông báo của người bệnh qua đường dây nóng. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng, người bệnh sẽ được chuyển tới những cơ sở y tế ở tầng điều trị cao hơn”.

Chia sẻ về công tác theo dõi, điều trị bệnh nhân Covid-19, chị Nguyễn Thị Mai Hương - Điều dưỡng trưởng Khoa Truyền nhiễm cho biết: “Nhiều bệnh nhân tại đây có hoàn cảnh đặc biệt khiến nhân viên y tế rất xúc động. Có trường hợp gia đình 4 người mắc Covid-19, trong đó ông, bà được điều trị tại BV Hà Đông, mẹ điều trị ở BV bệnh Nhiệt đới Trung ương. Chúng tôi sắp xếp để các bé ở cùng phòng với các bệnh nhân nữ và nhân viên y tế cũng gửi thêm sữa, bánh kẹo cho cháu. Có những hôm, người bệnh tới vào lúc quá muộn, không thể chuẩn bị được suất ăn cho bệnh nhân, nhân viên điều dưỡng chúng tôi đều nhường suất ăn cho người bệnh”.

Được biết, đội ngũ điều dưỡng đang thực hiện nhiệm vụ của Bệnh viện đa khoa Đống Đa đều là những điều dưỡng trẻ tuổi, nhiều trường hợp con nhỏ nhưng các chị đều xung phong tham gia công tác.

“Mọi người đều xác định, xung phong vì công việc. Bệnh nhân cũng rất thương cán bộ y tế. Chúng tôi tương trợ lẫn nhau, nhân viên y tế đồng cảm với bệnh nhân và bệnh nhân chia sẻ với nhân viên y tế” - chị Hương nói thêm.

Chị Nguyễn Thị Mai Hương - Điều dưỡng trưởng Khoa Truyền nhiễm cho biết, tất cả vì người bệnh - đó là ý thức của toàn thể cán bộ, nhân viên BVĐK Đống Đa. Người bệnh nhập viện muộn thì sẵn sàng nhường suất ăn. Trẻ nhỏ được bố trí ở cùng phòng với bệnh nhân nữ để tiện chăm sóc. Thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân nên bệnh nhân rất trân trọng, thương yêu thầy thuốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ vững ‘vùng xanh’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO