Giường bệnh hay là phòng khách sạn?

Nam Việt 28/11/2022 07:05

Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo khung giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, với nhiều mức giá. Trong đó có giá giường nằm 3 triệu đồng/ngày. Mức giá này tương đương khách sạn 4 sao. Trước nhiều ý kiến thắc mắc cùng với sự ngỡ ngàng, đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết đây là dự thảo thông tư hướng dẫn khung giá, để các bệnh viện xây dựng giá không vượt khung, chứ không phải mức thu.

Cứ cho là vậy nhưng thực tế thì với hướng dẫn này (nếu được thông qua và thực hiện từ ngày 1/1/2023) thì “không dại gì” các bệnh viện (tùy theo phân loại) sẽ không thu ở mức kịch trần. Cụ thể, giá ngày giường điều trị theo yêu cầu tại các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 tối đa là 3 triệu đồng một ngày cho loại phòng 1 giường. Cùng hạng bệnh viện, phòng có 2 giường giá 2,5 triệu đồng/giường; phòng 3 giường giá 1,5 triệu đồng/giường, phòng 4 giường giá 1,3 triệu đồng/giường.

Nếu theo giá này với mức giá dịch vụ thấp nhất (1,3 triệu đồng/giường/ngày) thì một người về hưu nằm viện khoảng 4 ngày là hết sạch cả tháng lương vì hiện mức lương hưu trung bình của cả nước là 5,4 triệu đồng/người/tháng. Còn với người lao động sẽ chỉ được 3 ngày vì thu nhập bình quân của người dân cả nước hiện là 4,2 triệu đồng/người/ tháng - theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Bảo vệ dự thảo mức giá kể trên, một số cán bộ quản lý ngành Y tế cho rằng không nên so sánh với phòng khách sạn, vì với giường dịch vụ bệnh viện, bệnh nhân sẽ nằm 24/24 trong phòng với các điều kiện máy lạnh, điện, nước, có nhân viên y tế phục vụ. Còn phòng khách sạn chỉ để ngủ (!).

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ Y tế đưa ra khung giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu như trên là quá sức so với thu nhập của đại bộ phận người dân Việt Nam hiện nay. Một khảo sát mới đây với 4.500 người tham gia thì 64% ý kiến cho rằng giá giường dịch vụ 3 triệu đồng là quá cao; 32% cho rằng giá không hợp lý và chỉ có 4% đánh giá thấp.

Ở đây, nếu như mục đích dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp của Bộ Y tế nhằm kỳ vọng khắc phục tình trạng “loạn giá” trong bệnh viện công, cải thiện đời sống nhân viên y tế... thì có thể thấy ngay rằng không thể chấm dứt việc loạn giá mà chỉ làm tăng giá. Đặc biệt, khi thực hiện giá dịch vụ thì đương nhiên các bệnh viện đều dành diện tích thỏa đáng; bác sĩ, hộ lý, kỹ thuật viên tốt nhất; trang thiết bị y tế tốt nhất mà bệnh viện có để phục vụ người bệnh khu dịch vụ. “Tinh hoa” và các nguồn lực của bệnh viện bị hút vào làm dịch vụ thì đương nhiên người bệnh nghèo sẽ không được chăm sóc ở mức cần thiết.

Người ta thường nói rằng trong đời mỗi con người thì không cái giường nào đắt bằng giường bệnh viện, ý nói khi bị bệnh tật giày vò thì việc điều trị rất tốn kém. Đó là nghĩa bóng, còn nếu thực hiện theo dự thảo mới về giá giường bệnh dịch vụ thì nó sẽ trở thành nghĩa đen.

Ngày trước, xã hội gọi bệnh viện là “nhà thương”, không phải với nghĩa ốm đau, thương tật mà với ngụ ý nơi đầy ắp tình thương. Nhưng rất lâu rồi khái niệm “nhà thương” đã biến mất.

Thời gian qua, do nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân đến từ thu nhập thấp, nhiều cán bộ, nhân viên ngành Y tế đã nghỉ việc, bỏ việc. Vì vậy, nâng cao thu nhập cho cán bộ, nhân viên ngành Y là cần thiết. Nhưng cũng không thể vì thế mà “tận thu” đối với người bệnh và thân nhân của họ. Ai cũng biết rằng, nhiều thứ có thể mặc cả để giảm giá, nhưng với thuốc men, khám chữa bệnh thì không thể, vì đó là mạng sống. Có chính sách ưu đãi ngành Y là đúng nhưng cũng không thể vì thế mà đẩy khó khăn sang cho người bệnh trong khi cuộc sống người dân còn nhiều nỗi lo toan.

Giá giường bệnh viện tương đương với giá phòng khách sạn 4 sao thì hãy để bệnh viện tư đảm nhận trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện giữa người sử dụng dịch vụ và bệnh viện. Như vậy, người thu nhập cao vẫn có cơ hội lựa chọn và người thu nhập trung bình trở xuống cũng sẽ không bị mất cơ hội khám chữa bệnh.

TS Dương Đức Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai rất có lý khi bày tỏ nghi ngại bệnh nhân Bảo hiểm y tế có thể phải bị nằm ghép từ đó họ buộc phải trả tiền để được nằm giường dịch vụ. Còn ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội thì cho rằng không nên để bệnh nhân phải trả thêm với các dịch vụ đáng ra họ được hưởng và bệnh viện công cần quan tâm đến các dịch vụ cơ bản, trong đó có việc người bệnh đến bệnh viện được nằm riêng một giường, được đảm bảo thuốc men, vật tư y tế; được chuyên gia giỏi khám...

Thiết nghĩ, đó cũng là đòi hỏi chính đáng của dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giường bệnh hay là phòng khách sạn?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO