Giúp đỡ người nghèo bằng sự thấu hiểu và cảm thông sâu sắc

Hoàng Yến 18/10/2022 06:29

Đó là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Chương trình truyền hình, phát thanh trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022 vào tối ngày 17/10, do Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp tổ chức. Với chủ đề "Hành trình của hy vọng", chương trình đã mang tới thông điệp về một hành trình của sự lắng nghe, giúp đỡ, chia sẻ yêu thương. Yêu thương chính là hạt mầm nuôi dưỡng những hy vọng để người nghèo nỗ lực vượt lên gian khó.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Chương trình. Ảnh: Quang Vinh.

Tham dự chương trình có ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức chương trình.

Cùng tham dự chương trình, có các đại biểu là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các đại biểu là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các đồng chí Bộ trưởng; lãnh đạo các Ban và Văn phòng Trung ương Đảng; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương cùng các đại biểu là lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm đã luôn quan tâm ủng hộ giúp đỡ người nghèo và các chương trình an sinh xã hội…

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tiếp nhận ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”. Ảnh: Quang Vinh.

Những thân phận trong gió bão

Sau hai năm, Chương trình truyền hình phát thanh trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” được tổ chức trở lại. Cũng trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, mà người nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chính vì vậy, những thước phim, phóng sự lắng đọng từ chương trình tối ngày 17/10/2022 đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về người nghèo cũng như công tác chăm lo cho người nghèo của Việt Nam. Điểm sáng của bức tranh là ở chỗ, càng trong khó khăn, người Việt Nam lại càng yêu thương, hỗ trợ nhau hơn.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự nghèo đói. Nhưng thiếu sinh kế là một trong những vấn đề lớn nhất. Đây là di chứng nặng nề mà đại dịch Covid-19 để lại, ảnh hưởng trực tiếp đến toàn xã hội, đặc biệt là những người nghèo.

Tại huyện vùng cao biên giới Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nơi có trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ nghèo đa chiều của huyện vẫn còn tới 70% và đa số bà con dân tộc ở đây đều không có công việc ổn định. Câu chuyện của anh Lý A Dim, thôn Biên Hòa, xã Nậm Chạc, Bát Xát, Lào Cai là một ví dụ. Là hộ nghèo 10 năm nay, anh Dim tìm vào Bình Dương làm công nhân, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, anh theo đoàn người hồi hương. Gia cảnh nghèo khó, ở quê cũng không còn đất canh tác và sản xuất nên để kiếm thêm thu nhập, anh phải đi bóc vỏ quế thuê nhưng nguồn thu này cũng rất bấp bênh.

Chuyện của anh Dim cũng như câu chuyện của nhiều người dân “hậu Covid-19” khi trở về quê nhà. Không còn đất canh tác, họ phải đi làm thuê làm mướn cố gắng kiếm sống dù gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, những trận bão, lũ lụt và hạn hán, những biến cố bất ngờ vẫn diễn ra đẩy nhiều gia đình vào hoàn cảnh đã nghèo càng nghèo hơn. Như những thân phận trong gió bão mà trong đó, đối tượng dễ tổn thương nhất chính là các em nhỏ.

Cách đây gần 1 tháng, chỉ sau 1 cơn bão Noru tại Nghệ An đã có 3 em bé phải sống cảnh mồ côi cha mẹ. Giữa cơn mưa tầm tã, vợ chồng anh Nguyễn Văn Ái và chị Nguyễn Thị Lan, trú tại xóm 12, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) chở nhau đi đến bệnh viện tiêm phòng, chữa trị vết thương, không may mắn, trên đường về anh chị bị dòng nước xiết cuốn trôi, mất tích. Sau hơn 17 tiếng đồng hồ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã tìm thấy thi thể 2 vợ chồng.

Không ai có thể kìm được nước mắt khi chứng kiến trong căn nhà nhỏ, 3 đứa trẻ, vẫn chẳng kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra khi nhận lại thi thể của cha mẹ mình. Sau một ngày định mệnh, 3 đứa trẻ mất đi cả cha lẫn mẹ, mất đi chỗ dựa vững chắc nhất cuộc đời. Sau cơn bão, bầu trời xanh trở lại nhưng nỗi đau thì còn đó, tê tái trong giấc mơ con trẻ “ước gì bố mẹ sống lại”. Nhưng cũng trong hoạn nạn ấy, rất nhiều cá nhân, tổ chức đã cùng nhau quyên góp, ủng hộ, nhận đỡ đầu các cháu cho đến 18 tuổi.

Không chỉ ở Nghệ An, rất nhiều hộ gia đình tại các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Đà Nẵng cũng phải chịu những ảnh hưởng nặng nề từ trận bão vừa qua, đã và đang nhận được sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng.

Ngay khi có những thông tin về thiệt hại của cơn bão Noru đối với các tỉnh miền Trung, rất nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã tìm đến MTTQ để đóng góp, ủng hộ nhằm giúp bà con khắc phục hậu quả của cơn bão và những trận lũ lụt.

Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam tham dự chương trình. Ảnh: Quang Vinh.

Tình yêu và lòng nhân ái chữa lành những tổn thương

Trong khó khăn, bất cứ sự giúp đỡ nào cũng là điều vô cùng đáng quý, bởi sự giúp đỡ có thể tạo nên sự thay đổi số phận của cả một con người. Sự thay đổi ấy đến từ ý chí và thái độ sống, góp phần quyết định đến tương lai của mỗi người nghèo.

Chương trình truyền hình phát thanh trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022 như lắng đọng lại từ câu chuyện của cô gái Nguyễn Thị Liễu, quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi. Cô gái ấy sinh ra đã không có cha, thương con, mẹ gửi Liễu ở lại quê nhà cùng bà ngoại, một mình ngược núi đi phụ hồ. Nhưng mưa gió không đến từ những trận bão qua làng, mà đến từ ngày mẹ Liễu phát hiện bị ung thư rồi giã từ cuộc đời.

Đau đớn, cô độc, mất định hướng, cô gái trẻ tưởng chừng phải nghỉ học, chấm dứt giấc mơ của cuộc đời mình. Nhưng chính trong giây phút khó khăn nhất cuộc đời, Liễu luôn nhớ tới lời hứa với mẹ “phải học để thoát nghèo”. Liễu đã được những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ nhận học bổng quỹ Tiếp sức đến trường để học tiếp.

Giờ đây, Liễu đã trở thành một cô kỹ sư nông nghiệp, làm tại Củ Chi, TP Hồ Chí Minh và có tiền gửi về phụ giúp bà ngoại năm nay đã hơn 90 tuổi. Những tháng ngày sau này, Liễu luôn nhiệt tình, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, cũng bởi “mình đã nhận được rất nhiều nên mình phải san sẻ”.

Hành trình hy vọng của Liễu đã được những tấm lòng hảo tâm tiếp sức viết tiếp ước mơ. Nhưng trên hành trình ấy, còn rất nhiều những mảnh đời khó khăn đang cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng như câu chuyện của cậu bé Nguyễn Văn Tuấn ở Xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

Tuấn và bà nội của mình xuất hiện trên sân khấu Chương trình truyền hình phát thanh trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022 và mang theo câu chuyện đời mình, một bi kịch mà không phải ai cũng có thể bước qua, nhất là đối với một cậu bé...

Tuấn mồ côi cả cha lẫn mẹ khi đang là học sinh tiểu học. 7 tuổi mất mẹ. 9 tuổi mất cha. Người thân còn lại của Tuấn là bà nội và 2 chị gái. Cha mẹ mất. Các chị lại đi lấy chồng sớm. Trong căn nhà dột nát xiêu vẹo, Tuấn ở cùng với bà nội già yếu cùng 2 người chú bị bệnh. Cuộc sống cơ cực buộc bà nội và Tuấn phải đi làm thuê để kiếm sống. Nỗi lo cơm áo đã không thể cứu vớt giấc mơ học hành đối với một cậu bé 15 tuổi, Tuấn buộc phải nghỉ học để đi làm.

Chương trình truyền hình phát thanh trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022 đã viết tiếp hy vọng cho 2 bà cháu Tuấn bằng một món quà bất ngờ từ ông Nguyễn Tài Phương, Việt kiều Mỹ. Một ngôi nhà được hỗ trợ với trị giá 100 triệu đồng và 50 triệu đồng để Tuấn tiếp tục đến trường hoặc tìm một công việc để ổn định trong tương lai. Trên sâu khấu của chương trình, những giọt nước vì hạnh phúc, sẻ chia đến từ người nhận, người cho và cả người xem. Chắc chắn rằng những tổn thương của Tuấn sẽ được chữa lành từ tình yêu và tấm lòng nhân ái.

167 cơ quan, đơn vị, Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp, doanh nhân, các tổ chức tôn giáo, người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước, các nhà hảo tâm ủng hộ và đăng ký ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội với số tiền trên 1.177 tỷ đồng, trong đó qua Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương gần 134 tỷ đồng, chương trình an sinh xã hội trên 1.043 tỷ đồng. Đây là những con số khởi đầu cho Tháng cao điểm Vì người nghèo (17/10-18/11).

Đồng tâm hiệp lực giúp đỡ người nghèo

Những năm qua, Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” nói riêng và công tác vận động chăm lo giúp đỡ người nghèo luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Thông qua công tác vận động của Mặt trận và các tổ chức thành viên, nhiều tổ chức phi Chính phủ, các tập đoàn kinh tế, cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... đã ủng hộ giúp đỡ trực tiếp người nghèo và triển khai các chương trình an sinh xã hội mỗi năm ước tính hàng nghìn tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê, trong gần 3 năm (từ năm 2020 đến nay) mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh việc tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và thực hiện an sinh xã hội được trên 19.313 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được trên 3.865 tỷ đồng (Trung ương tiếp nhận trên 171,1 tỷ đồng; địa phương tiếp nhận trên: 3.694 tỷ đồng). Vận động các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp các địa phương trên 15.448 tỷ đồng.

Từ nguồn vận động, cùng với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 102.910 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ trên 2,4 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn khám chữa bệnh; giúp đỡ 593.034 lượt học sinh, sinh viên về học tập; hỗ trợ 663.771 người phát triển sản xuất; xây dựng hàng nghìn công trình dân sinh.

Nhiều địa phương trên cả nước đã có những nỗ lực vượt bậc trong công tác chăm lo cho người nghèo. Một trong những điểm sáng là hoạt động của UB MTTQ tỉnh Hưng Yên. Từ năm 2019 đến năm 2021, trên 1500 hộ nghèo, người có công được hỗ trợ xây dựng nhà ở với mức hỗ trợ 80 triệu đồng/nhà. Tại tỉnh Cà Mau, Mặt trận đã vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ các hộ nghèo theo từng tiêu chí thiếu hụt cụ thể, nhờ đó, đến cuối năm 2021 có 77 ấp, khóm, 3 đơn vị cấp xã không còn hộ nghèo.

Ngoài ra, có rất nhiều những sáng kiến thiết thực từ cộng đồng đã hỗ trợ hiệu quả cho người dân như mô hình nhà cộng đồng chống lũ- ngôi nhà trí tuệ ở Hà Tĩnh, mô hình kêu gọi góp vốn xây dựng nhà Đại đoàn kết tại tỉnh Khánh Hòa…

Những kết quả tích cực trong các hoạt động vì người nghèo thể hiện sự chung tay của cả xã hội và sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước bằng những chính sách hiệu quả.

Tại Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2022, thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam gửi lời cảm ơn, tri ân sâu sắc tới các cá nhân, tổ chức đã dành nhiều nỗ lực cho công tác giảm nghèo trong thời gian qua.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tha thiết kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam, các nhà hảo tâm trong cả nước phát huy truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, người có của giúp của, người có công giúp công; có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít, đồng tâm, hiệp lực giúp đỡ người nghèo, người yếu thế và những nơi còn nhiều khó khăn.

Người đứng đầu Mặt trận cũng cam kết quản lý, sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, công khai, minh bạch các nguồn lực giúp đỡ người nghèo trên cơ sở để nhân dân và các tổ chức, cá nhân giám sát.

4 hình thức ủng hộ người nghèo

1. Tiếp nhận qua tài khoản Ngân hàng Vietcombank:
- Tên tài khoản: Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương
- Số tài khoản: V999
- Tại Sở giao dịch, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)
2. Tiếp nhận qua tài khoản Ngân hàng Chính sách xã hội:
- Tên tài khoản: Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương
- Số tài khoản: 1000001000171717
- Tại Sở giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội.
3. Tiếp nhận qua tài khoản Kho bạc Nhà nước:
- Tên tài khoản: Quỹ “Vì người nghèo” Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
- Số tài khoản: 3761.0.9054386.91046
- Tại Kho bạc Nhà nước Hoàn Kiếm, Hà Nội.
4. Tiếp nhận ủng hộ bằng tiền mặt: Phòng Kế hoạch - Tài chính (phòng 109, phòng 111 - Nhà B), Văn phòng cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam, số 46 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Điện thoại: 02439288480.

Vì người nghèo - cần những hành động cụ thể

Chương trình truyền hình và phát thanh trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” vào ngày 17/10 hằng năm - mở đầu cho Tháng cao điểm Vì người nghèo (17/10 - 18/11). Đây cũng là một cách để người Mặt trận tạo thêm sự lan tỏa trong xã hội, hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

“Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, đó là sự đồng cảm, tình thương yêu đùm bọc và mệnh lệnh của lòng nhân ái trong mỗi chúng ta như lời khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại chương trình này. Người đứng đầu Chính phủ đã không kìm được xúc động khi cho rằng, “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau - không chỉ là khẩu hiệu mà là những hành động cụ thể, thiết thực. Chúng ta hãy ở bên cạnh, đặt mình vào hoàn cảnh của những người nghèo, của những số phận kém may mắn để giúp đỡ bằng tấm lòng, bằng trái tim, bằng sự thấu hiểu, bằng sự trân trọng và cảm thông sâu sắc”.

Cùng với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục đồng hành, chung tay, có các hoạt động thiết thực, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước thì những người nghèo, cận nghèo cần phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Cuộc chiến chống đói nghèo không thể thành công nếu chính người nghèo không nỗ lực vươn lên vì một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của họ”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định.

Chương trình “Cả nước chung tay Vì người nghèo” năm 2022 khép lại bằng con số của những tấm lòng khi có 167 cơ quan, đơn vị, Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp, doanh nhân, các tổ chức tôn giáo, người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước, các nhà hảo tâm ủng hộ và đăng ký ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội với số tiền trên 1.177 tỷ đồng, trong đó qua Quỹ Vì người nghèo Trung ương gần 134 tỷ đồng, chương trình an sinh xã hội trên 1.043 tỷ đồng. Đây là những con số khởi đầu cho Tháng cao điểm Vì người nghèo (17/10-18/11).

Ban Tổ chức Chương trình cũng công bố thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai hoạt động thiết thực trong Tháng cao điểm Vì người nghèo. Theo đó Mặt trận các tỉnh, thành phố đã huy động đăng ký ủng hộ trên 1.639 tỷ đồng, trong đó ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” địa phương trên 908 tỷ đồng và thực hiện an sinh xã hội gần 731 tỷ đồng.

Những con số của tấm lòng nhân ái giúp chúng ta nhìn thấy rõ hơn một bức tranh tươi sáng được vẽ nên bằng niềm tin, sự chung tay của cả cộng đồng và xã hội. “Đừng đợi Mặt trời lên mới biết yêu thương người/ Mặt trời ở trong ta từ trong con tim ta đó thắp lên từ tấm lòng” như lời bài hát “Đừng đợi Mặt trời lên” của nhạc sĩ Đức Trí phổ lời Hà Quang Minh.

Cuộc sống vẫn còn đó những mảnh đời khó khăn, nhưng chắc chắn rằng, khi được trao yêu thương và hy vọng, người nghèo sẽ có được niềm tin trong cuộc sống và có động lực vượt qua thử thách để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giúp đỡ người nghèo bằng sự thấu hiểu và cảm thông sâu sắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO