Gỡ bất cập trong tuyển sinh đại học - Bài 1: Vì sao điểm cao vẫn trượt?

Minh Quang 20/09/2021 06:30

Điểm chuẩn đại học (ĐH) năm 2021 tăng cao “chóng mặt” khiến nhiều thí sinh dù đạt điểm cao vẫn trượt.

Theo phân tích của các chuyên gia, điểm chuẩn tăng thể hiện xu hướng tự chủ của các trường rất mạnh; xu thế ngành nghề của xã hội ngày càng thay đổi. Thực tế này cũng cho thấy, các trường ĐH cần sớm có những đổi mới trong phương thức tuyển sinh để vừa không bỏ lọt thí sinh có năng lực, lại vừa nâng cao được chất lượng nguồn tuyển. Bắt đầu từ hôm nay, Báo Đại Đoàn Kết khởi đăng loạt bài “Gỡ bất cập trong tuyển sinh đại học”.

Điểm chuẩn tăng “chóng mặt” tiếp tục lặp lại ở mùa tuyển sinh 2021 đã khiến nhiều người băn khoăn về phương thức tuyển sinh dựa vào điểm số.

Đổ xô vào ngành “hot”

Trước đó, điểm chuẩn ĐH năm 2021 được dự báo sẽ tăng ở nhiều khối thi, nhưng có những ngành tăng 9-11 điểm so với năm trước thì đây là một cú sốc với thí sinh mong ngóng điểm chuẩn. Một thí sinh tại Hà Nội thi khối D01 đạt 25 điểm (trung bình hơn 8 điểm/môn thi) đăng ký tới 21 nguyện vọng, và chỉ đạt ở nguyện vọng cuối cùng. Nhưng cả ngành học và trường học “chống trượt” này em đều không hào hứng. Vì thế sau mấy ngày buồn bã, thí sinh này cho biết sẽ quyết tâm thi lại ở năm sau.

Thống kê từ các trường cho thấy điểm chuẩn các ngành năm nay đều tăng so với năm trước, nhất là các tổ hợp có xét tuyển môn Tiếng Anh. Cá biệt có một số trường điểm chuẩn tăng rất mạnh, nhiều ngành có điểm chuẩn tăng đến hơn 10 điểm so với năm trước. Tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ngành Quản trị du lịch và lữ hành có điểm chuẩn 26, tăng gần 11 điểm so với mức điểm 15,05 của năm trước. Điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin cũng tăng 10 điểm, Tài chính ngân hàng tăng 10,05 điểm…so với năm 2020.

Vì sao điểm cao vẫn trượt ĐH? Trước băn khoăn của dư luận, ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) lý giải, có 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất điểm chuẩn tăng do số lượng thí sinh tăng mạnh, từ 900.000 lên 1.020.000 thí sinh (tăng hơn 11% so với năm ngoái). Đặc biệt, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH-CĐ cũng tăng 24% so với 2020, một phần nguyên nhân do các em không thể đi du học hoặc xu hướng chọn học đại học tăng lên; Nguyên nhân thứ hai do tác động của xu hướng chọn ngành. Hầu hết thí sinh tập trung vào các nhóm, khối ngành như kỹ thuật công nghệ, giáo dục và đào tạo giáo viên, kinh tế, kinh doanh, xã hội nhân văn; Nguyên nhân thứ ba đến từ kết quả bài thi môn Tiếng Anh có phần cải thiện so với năm 2020, từ đó góp phần làm tăng điểm chuẩn ở khối ngành này.

Từ những nguyên nhân trên, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thì điểm chuẩn ĐH 2021 tăng cao là chuyện bình thường. “Việc xét tuyển ĐH là một câu chuyện cạnh tranh. Khi Bộ GDĐT đã đưa ra mô hình để thí sinh có thể xét tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành, cơ hội hoàn toàn nằm trong tay thí sinh”- ông Sơn nhấn mạnh.

Nhưng dù thế nào, bức tranh tuyển sinh 2 năm qua cho thấy, việc tuyển sinh bằng điểm số đã khiến cơ hội của thí sinh mong manh hơn. Nhiều nghi ngại cũng được đặt ra là điểm chuẩn tăng, nhưng chưa chắc chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH đã tăng, bởi đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 chỉ phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp.

Sau 6 năm tổ chức kỳ thi “2 trong 1” , với mục tiêu vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh ĐH, bắt đầu từ năm 2020, kỳ thi THPT chỉ còn phục vụ mục tiêu chính là xét tốt nghiệp. Do đó lấy kết quả này để xét tuyển ĐH, có thực chất hay không? Lý giải cho hiện tượng điểm chuẩn ĐH 2021 tăng, thầy Vũ Khắc Ngọc – giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, một phần nằm ở sự phân hóa của đề thi kém hơn trước.

Tuyển sinh không phụ thuộc vào điểm số

Theo ghi nhận từ thực tế, vài năm trở lại đây các trường ĐH đã dành lượng chỉ tiêu cho các phương thức khác như: xét học bạ, xét điểm đánh giá năng lực, bài thi chuẩn hóa quốc tế, phỏng vấn… nên tỷ lệ thí sinh xét điểm thi tốt nghiệp THPT đã giảm đi nhất định. Năm 2021, một số trường như ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương, Học viện Tài chính, ĐH Hà Nội,... đã tuyển nhiều sinh viên bằng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Tỷ lệ sinh viên trúng tuyển ĐH không bằng điểm thi tốt nghiệp đã chiếm từ 30-50% trước khi có điểm thi tốt nghiệp THPT. Do đó, các thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT phải cạnh tranh khốc liệt. Đây chính là một trong số nguyên nhân khiến điểm chuẩn xét tuyển vào ĐH năm 2021 cao vọt hơn các năm trước.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo - ĐH Kinh tế Quốc dân phân tích, mức điểm chuẩn năm nay thể hiện một thực tiễn là: Xu hướng tự chủ của các trường rất mạnh. Ở giai đoạn I - kỳ thi “2 trong 1”, trên 90% các trường dựa hoàn toàn vào kết quả của kỳ thi này để xét tuyển. Tuy nhiên, năm 2021 nhiều trường chỉ dành khoảng 50% chỉ tiêu để xét tuyển dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện do kỳ thi THPT không còn mục tiêu “2 trong 1”, mà chỉ phục vụ thi xét tốt nghiệp THPT là chính nên yêu cầu đặt ra lúc này là các trường “top” trên phải có kỳ thi riêng - như đánh giá năng lực mà 2 ĐH Quốc gia đang làm để phục vụ tuyển sinh. Đồng thời chất lượng đào tạo ở các trường này cũng phải tự đổi mới để đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Mong rằng, phụ huynh và học sinh cũng dần thay đổi tư duy về tự chủ tuyển sinh ĐH. Bởi hiện nay có nhiều con đường vào được ngành/hoặc trường ĐH mà mình mong muốn, song không nhất thiết chỉ bằng điểm số của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

(còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ bất cập trong tuyển sinh đại học - Bài 1: Vì sao điểm cao vẫn trượt?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO