Gỡ 'chiếc áo chật' cho ngoại thành TP Hồ Chí Minh

Lê Anh 25/05/2022 09:37

Sau khi TP Thủ Đức (sáp nhập 3 quận 2, 9, Thủ Đức) là “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước, TPHCM tiếp tục định hướng quy hoạch các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè để phát triển lên thành quận (hoặc thành phố) trong giai đoạn 2021-2030. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, còn thiếu nhiều điều kiện để các địa phương này “lên đời” thành phố.

Huyện Bình Chánh đang đạt 26/30 tiêu chí thuộc bộ tiêu chí từ huyện lên quận (hoặc thành phố) của TPHCM.

Lên đời cho huyện

Việc đầu tư xây dựng các huyện để lập đơn vị hành chính quận hoặc thành phố đã được UBND TPHCM cụ thể hóa bằng việc ban hành kế hoạch xây dựng đề án đầu tư các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TPHCM) giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè sẽ thành quận (hoặc thành phố) trước năm 2025, trong khi các huyện Củ Chi và Cần Giờ lên quận (hoặc thành phố) trong giai đoạn từ nay đến 2030. Về kế hoạch này, Sở Nội vụ TPHCM (cơ quan tham mưu trực tiếp cho UBND TPHCM) cho biết, cả 5 huyện ngoại thành của TPHCM hiện nay đều có vị trí cửa ngõ hết sức thuận lợi, cùng với tốc độ đô thị hoá nhanh trong nhiều năm qua. Cụ thể, trong 30 tiêu chí trong bộ tiêu chí huyện lên quận thì huyện Bình Chánh đã đạt 26/30 tiêu chí, các huyện còn lại đạt thấp hơn nhưng cũng ở mức khá cao, như Hóc Môn, Nhà Bè và Củ Chi đạt 23/30 tiêu chí; huyện Cần Giờ đạt 19/30 tiêu chí.

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM cho rằng, việc nâng cấp từ huyện thành quận hoặc thành phố có điểm lợi là giúp giãn dân, đồng thời cũng thu hút thêm nguồn lực lao động để phục vụ cho các ngành công nghiệp, dịch vụ. Dù vậy, ông Ninh cảnh báo, việc đô thị hóa quá nóng có thể là tác nhân khiến trầm trọng hơn vấn đề ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Trong số 5 huyện ngoại thành, Cần Giờ là địa phương duy nhất của TPHCM tiếp giáp với biển, được định hướng đến năm 2030 sẽ phát triển trở thành một thành phố nghỉ dưỡng sinh thái - du lịch của TPHCM và khu vực. Hiện nay, cả 5 huyện đang trong quá trình phối hợp các Sở, ban ngành xây dựng đề án, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện, xác định lộ trình đầu tư,...

Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ kế hoạch, UBND TPHCM cũng xây dựng 5 đề án nhánh, trong đó phân công nhiệm vụ từng Sở, ngành thực hiện. Về ý kiến của từng địa phương được định hướng phát triển thành quận (hoặc thành phố), hầu hết đã đồng tình với kế hoạch do UBND TPHCM ban hành. Theo ông Trần Văn Nam - Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh, hiện nay mô hình chính quyền địa phương theo đơn vị hành chính huyện, xã không còn phù hợp tốc độ đô thị hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bình Chánh. Ngoài ra, huyện Bình Chánh hiện cũng đạt 26/30 tiêu chí thuộc bộ tiêu chí nên mục tiêu chuyển thẳng lên thành phố vào năm 2025 là khả thi. Khi đó, tất cả đơn vị hành chính cấp xã phải chuyển thành phường, trong khi huyện này sẽ vẫn duy trì cấp xã do đặc điểm hiện nay còn một số xã của Bình Chánh vẫn thuần nông với nguồn thu chủ yếu từ nông nghiệp.

Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Củ Chi - Nguyễn Quyết Thắng cho biết, địa phương định hướng phát triển trở thành một trung tâm logistics và hình thành các khu dưỡng lão 5 sao của TPHCM. Tuy nhiên, khi lên thành phố, Củ Chi không bỏ đất nông nghiệp vì đây là nguồn lực đất đai để huyện nay phát triển theo hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái kết hợp với phát triển nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp công nghệ cao như hiện nay.

Cần lộ trình bài bản

Kế hoạch phát triển lên thành quận (hoặc thành phố) trong giai đoạn 2021-2030 đặt ra quyết tâm nâng cấp các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè thành quận (hoặc thành phố) trước năm 2025, trong khi các huyện Củ Chi và Cần Giờ lên quận (hoặc thành phố) trong giai đoạn từ nay đến 2030. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một “siêu tiến độ” chưa phù hợp với hoàn cảnh thực tế cũng như mức độ đô thị hóa của từng địa phương.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Biểu (Giám đốc Công TNHH Bhome tại Quận 7, TPHCM) đánh giá, dù xét trên 30 tiêu chí của bộ tiêu chí từ huyện lên quận có nhiều địa phương đã đạt được từ 70-80% tiêu chí, trong đó có huyện Bình Chánh đã đạt trên dưới 90%. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, để đánh giá tổng thể một đô thị đủ điều kiện để nâng cấp đơn vị hành chính cấp huyện lên cấp quận (hoặc thành phố) cần thêm nhiều tiêu chí khác nữa. Đó là các tiêu chí về tốc độ đô thị hóa, chất lượng về hạ tầng đô thị, trình độ dân trí, văn hóa, lối sống đô thị đặc trưng,…

Lấy câu chuyện sáp nhập 3 quận 2, 9, Thủ Đức để thành lập TP Thủ Đức, sau đó trở thành mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước, KTS Nguyễn Văn Biểu phân tích, cả ba quận này đều có tốc độ phát triển rất cao, đóng góp vào GDP thành phố rất ổn định, trong khi hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, và chất lượng nguồn lực dân cư đô thị rất cao. Cũng theo ông Biểu, nhờ tất cả các tiêu chí đã hội tụ đầy đủ nên chỉ sau hơn 2 năm thành lập, TP Thủ Đức đã lọt vào “Top-Ten”, đứng vị trí thứ 5 cả nước, vượt hơn cả Đồng Nai và Bình Dương trong công bố mới nhất vừa qua.

Đồng quan điểm với ý kiến này, KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng đặt vấn đề, với một địa phương chưa đủ điều kiện lên quận thì không nên lên thành phố. Đây không phải là chuyện cấp bách và TPHCM không nên “ép” kế hoạch.

Góp ý giải pháp cho TPHCM, ông Nam Sơn chỉ ra bất cập tại khu vực nội thành thành phố hiện nay có không gian xanh chỉ chiếm 0,5 m2 trên mỗi người. Khi các huyện lên quận hay thành phố nếu vội vã bê tông hóa sẽ tác động khá lớn đến môi trường.

Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn ủng hộ kế hoạch quy hoạch 5 huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè để phát triển lên thành quận (hoặc thành phố) trong giai đoạn giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, các tham vấn góp ý chính quyền đô thị TPHCM cần tận dụng Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cũng như các “cơ chế nhánh” để phát huy tối đa cơ chế đột phá trong thu hút đầu tư hạ tầng, khai thác các quỹ đất, phát triển y tế, giáo dục...tương xứng với mục tiêu của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ 'chiếc áo chật' cho ngoại thành TP Hồ Chí Minh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO