Gỡ điểm nghẽn cho… xe buýt

ĐỨC HÙNG 26/06/2022 14:03

Giao thông công cộng ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM luôn là chủ đề “nóng”, và thường được cho là có nhiều điểm nghẽn, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân. Trong khi đó, hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy trong nội đô, đã được tính tới. Nhưng như vậy, việc tổ chức giao thông công cộng phải vượt lên, làm tốt trước đã.

Xe buýt ở Hà Nội đang nỗ lực thay đổi, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: Thư Hoàng.

Sau năm 2025, hạn chế xe máy

Hà Nội là một trong những địa phương thường nhận được nhiều phàn nàn bởi hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được kỳ vọng. Và chính quyền Thủ đô cũng đã có kế hoạch dự kiến cấm xe máy tại các quận sau năm 2025, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch trước đó.

Việc hạn chế hoạt động xe máy là một trong những nội dung của Nghị quyết 04 đã được HĐND TP thông qua năm 2017. Theo chính quyền thành phố, sau khi Nghị quyết này được thông qua, các cơ quan chức năng đã xây dựng đề án về hoạt động của xe máy trên địa bàn thành phố, với định hướng nghiên cứu sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận bên trong vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, quốc lộ 5.

Dự kiến sau năm 2030, thành phố dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận bên trong vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng, và bên trong vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng. 5 huyện lên quận giai đoạn 2021-2025 (Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng) sẽ được cập nhật bổ sung vào đề án; đồng nghĩa các đơn vị hành chính này cũng dừng hoạt động xe máy theo lộ trình.

Không phải tới bây giờ, câu chuyện hạn chế xe máy lưu thông mới được bàn bạc, thảo luận. Từ lâu, đây đã là chủ đề “nhạy cảm”, và luôn thu hút sự quan tâm của dư luận, với những ý kiến trái chiều. Dễ hiểu, bởi theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,6 triệu; ôtô 600.000, thêm khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai.

Một trong những mấu chốt mà nhiều người đang sử dụng xe máy làm phương tiện giao thông quen thuộc đặt ra, vậy cấm xe máy thì sẽ đi bằng gì? Và câu trả lời: sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, như xe buýt, các tuyến đường sắt trên cao…

Đề xuất cho phương tiện đi chung làn với buýt BRT

Trong 6 năm qua, tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14,7 km vẫn được đánh giá là hiệu quả thấp, trong khi đó có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD. Dọc tuyến có 21 nhà chờ, 10 cầu vượt cho người đi bộ ra giữa đường đón xe. Xe BRT gồm 35 chiếc (mỗi chiếc trên 5 tỷ đồng), sức chứa 90 hành khách; vận doanh 22 xe ngày bình thường và 16 xe ngày Chủ nhật.

Hiện tại, xe buýt BRT chạy trên làn riêng tại các đoạn: Ba La- Quang Trung - Lê Trọng Tấn - đường trục Bắc Hà Đông - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ. Các đoạn đi hỗn hợp với các phương tiện khác gồm đoạn bến xe Yên Nghĩa - Ba La, đoạn Giang Văn Minh - Kim Mã.

Trong khi các phương tiện khác phải dành đường ưu tiên cho buýt nhanh nhưng sự hoạt động không hiệu quả khiến giao thông Hà Nội đã nghẽn càng nghẽn, nhất là vào các giờ cao điểm. Để tháo gỡ, Sở GTVT TP Hà Nội vừa đề xuất TP Hà Nội cho phép thêm một số phương tiện lưu thông chung làn dành riêng cho xe buýt BRT 01.

Cụ thể các phương tiện được đề xuất gồm xe vận tải khách khối lượng lớn từ 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường.

Lập luận của Sở GTVT TP Hà Nội: Tuyến BRT là trục xuyên tâm, do tập trung các phương tiện ra, vào khu vực trung tâm, lưu lượng các phương tiện tăng cao, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm gây ra tình trạng ùn ứ giao thông.

Vì vậy, để giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến, tăng hiệu quả khai thác hệ thống hạ tầng giao thông hiện có trên tuyến, Sở GTVT đã đề xuất TP Hà Nội trên tuyến đường dành riêng cho xe buýt BRT cho phép các phương tiện xe vận tải khách khối lượng lớn từ 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường được lưu thông.

Trước đó, Sở GTVT TP Hà Nội cũng đã có đề xuất trình UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt Đề án “Rà soát, bố trí hợp lý các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển kết nối các loại hình vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân”.

Theo Sở GTVT, cần bổ sung từ 2.500 - 2.700 điểm dừng xe buýt, tăng mức độ bao phủ của hạ tầng xe buýt, bố trí lại điểm dừng xe buýt tiếp cận gần các khu dân cư phù hợp với cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông và kế hoạch phát triển mạng lưới tuyến xe buýt để tăng mức độ bao phủ của hạ tầng xe buýt.

Thêm 14 làn ưu tiên cho xe buýt

UBND TP Hà Nội cũng đang cho thấy có nhiều cố gắng để thúc đẩy giao thông công cộng bằng xe buýt. Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ nghiên cứu tổ chức 14 làn ưu tiên cho xe buýt.

Cụ thể: Giai đoạn từ nay đến 2025 nghiên cứu tổ chức 9 làn ưu tiên: Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông); Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt; Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự; Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm; Hoàng Quốc Việt; Trần Duy Hưng; Xã Đàn; Võ Chí Công; Võ Văn Kiệt.

Giai đoạn 2026 - 2030 nghiên cứu tổ chức 5 làn ưu tiên: Nhổn - Hồ Tùng Mậu, Ngọc Hồi - Bến xe Thường Tín, Trần Duy Hưng - Hòa Lạc, Mỹ Đình - Nội Bài, Thường Tín - Phú Xuyên (dọc theo QL1 cũ).

UBND TP Hà Nội cho rằng, từ những ưu điểm của tuyến BRT, thành phố sẽ đánh giá, nghiên cứu và đề xuất tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt tại tuyến đường có nhiều làn xe; số lượng tuyến và lưu lượng xe buýt lớn; làn đường ưu tiên phù hợp công tác tổ chức giao thông.

Tài xế xe buýt bị ép giờ, ép chuyến?

Mới đây, trên mạng xã hội facebook chia sẻ rất nhiều về bài viết được cho là của một lái xe buýt phản ánh về quy định phải ép giờ, trừ tiền khi không hoàn thành chuyến lượt. Trao đổi với báo chí, ông Hồ Thái Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội khẳng định: “Cơ quan quản lý nhà nước không có một văn bản nào yêu cầu lái xe phải đuổi kịp giờ, phạt tiền liên quan đến chuyến lượt”. Ông Phương nói thêm, giả sử một lượt từ điểm đầu đến điểm cuối quy định 50 phút. Song, có trường hợp lái xe chạy về điểm cuối mà thừa giờ thì vẫn được chạy đúng trình tự về bến. Không nhất thiết phải chạy thật chậm trên đường để về đúng giờ. Vì nhiều thời điểm đường thông thoáng, xe buýt có thể chạy nhanh hơn.

Ngoài ra, do tắc đường, xe buýt chạy về bến chậm so với quy định là chuyện bình thường. Cơ quan quản lý nhà nước không có yêu cầu, ép buộc nào lái xe phải phóng nhanh, vượt ẩu về đúng giờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ điểm nghẽn cho… xe buýt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO