Gỡ điểm nghẽn đất đai

Ngọc Quang 13/10/2022 07:05

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 3195 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu các đơn vị chuyên môn tiếp tục chấn chỉnh công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là vấn đề luôn nóng với Thủ đô, và cũng được coi là một thách thức, kể cả những phát sinh mới trong quá trình phát triển.

Công văn của UBND TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, tổ chức thực hiện nhiều nội dung, trong đó có việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cải cách thủ tục hành chính công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thực hiện điều tra, đánh giá đất đai; thanh tra, kiểm tra đối với công tác quản lý, sử dụng đất.

Thông qua Công văn số 3195, lãnh đạo TP Hà Nội cũng nêu rõ phải làm rõ nguyên nhân và có kế hoạch, biện pháp cụ thể giải quyết dứt điểm trường hợp tồn đọng; làm rõ trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với cán bộ, người có trách nhiệm nếu chậm giải quyết hồ sơ đã tiếp nhận; Thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp san ủi đồi núi, san lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối… để phân lô, bán nền; xây dựng trên đất nông nghiệp trái quy định....

Vấn đề đất đai của Hà Nội lâu nay luôn rất nóng, kể cả thời điểm giá đất hạ nhiệt thì bất cứ người nào muốn có một mảnh đất tại Thủ đô cũng không dễ dàng gì, vì giá cả luôn đắt nhất cả nước cùng đó là thủ tục rất nhiêu khê. Người các địa phương khác khó có thể hình dung được giá đất tại trung tâm Hà Nội “ngất ngưởng” đến mức nào. Ví dụ rõ nhất là phường Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm), mặc dù diện tích nhỏ nhất trong các phường, nhưng ở thời điểm này giá đất tại đây lên đến 1 tỷ đồng/m2, mà cũng không dễ gì hoàn thiện các thủ tục pháp lý.

Còn giá đất tại các huyện ngoại thành, không biết bao giờ mới trở thành quận nhưng việc “đón lõng”, đầu cơ đất đã không còn lạ lẫm gì. Nhiều huyện, dọc các tuyến giao thông, giá đất lên vù vù, có khi 1 năm trước giá 5 triệu đồng/m2 thì nay lên tới 12 triệu đồng/m2. Đất đai khu vực Sơn Tây, Ba Vì cách xa trung tâm, nhưng do sự mở mang của thành phố cũng như giao thông đã thuận lợi hơn, nên cũng đã không dành cho người yếu bóng vía.

Gần đây, khu vực được cho là có thể xây dựng thêm sân bay cho Hà Nội, ngày nào cũng nhộn nhịp người tới tận nơi tìm hiểu thông tin, “cò” đất có đến cả trăm. Hay như dọc sông Hồng (khu vực chảy qua nội đô), từ khi có tin về xây dựng đô thị ven sông, thì giá đất bờ bãi cũng ào ào lên giá. Nhiều người mua bán đất chấp nhận cả rủi ro về giấy tờ pháp lý.

Với vai trò là Thủ đô, quản lý đất đai tại Hà Nội là một vấn đề rất khó, khó từ nội thành cho dến ngoại thành. Chính vì vậy, tuân thủ quy định của pháp luật, chính quyền Hà Nội cũng rất cần có những quy định phù hợp về vấn đề này.

Vào hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6/2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã cử 2 đoàn công tác làm việc với một số quận, huyện, sở, ngành nhằm khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” và Luật Đất đai năm 2013.

Phản ánh từ cơ sở cho thấy có sự thiếu đồng bộ giữa Luật Đất đai với các luật có liên quan trong khi tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai diễn ra khá phổ biến. Tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn diễn ra; khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai rất phức tạp…

Kể từ đó đến nay, có thể nói tình hình chưa biến chuyển rõ nét. Chính vì vậy, với chỉ đạo mới của UBND TP Hà Nội (Công văn số 3195 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn), hy vọng những điểm nghẽn, những vướng mắc sẽ được tháo gỡ, cho dù vẫn biết đó là điều rất khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ điểm nghẽn đất đai