Gỡ điểm nghẽn thủ tục hành chính

Lục Bình 09/02/2018 07:06

Rất nhiều điểm nghẽn thủ tục hành chính đã được gỡ bỏ. Mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ đã đạt được nhiều kết quả nhờ đẩy mạnh cải cách hành chính. Đó là những thông tin từ cuộc họp trực tuyến tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ diễn ra hôm qua, 8/2.

Gỡ điểm nghẽn  thủ tục hành chính

Nhiều thủ tục hành chính được gỡ bỏ đã giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí.

Cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết: Năm 2017 là năm được mùa của cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Theo đó, Chính phủ đã ban hành 17 nghị quyết phê duyệt phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý cư dân. Đã ban hành 4 nghị quyết yêu cầu các bộ rà soát, loại bỏ nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý, hạn chế cạnh tranh lành mạnh và gây cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các đơn vị cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh gồm các Bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng… Nhờ sự cải cách mạnh mẽ này, Ngân hàng Thế giới đã đánh giá, năm 2017 môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc. Còn năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017 của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng tăng 5 bậc so với năm 2016.

Không chỉ cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, điều kiện kinh doanh, công tác xây dựng luật cũng đã được siết chặt. Ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, năm 2017 công tác thẩm định và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) chất lượng được nâng cao hơn, phù hợp chủ trương đường lối chính sách của Đảng, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật. Hoạt động xây dựng, ban hành văn bản cơ bản thực hiện đúng quy trình. Ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản đảm bảo tính cụ thể, dễ hiểu; tình trạng quy định lặp nội dung của luật, pháp lệnh, nghị định đã được khắc phục cơ bản.

Các phản ánh, kiến nghị của dư luận, báo chí, các tổ chức, cá nhân về tính hợp pháp, khả thi, phù hợp với thực tiễn của VBQPPL đã được cơ quan soạn thảo, ban hành văn bản nghiên cứu nghiêm túc và có biện pháp xử lý kịp thời, từng bước khắc phục tình trạng văn bản có nội dung không phù hợp, gây bức xúc trong dư luận.

Xử lý nghiêm cán bộ chậm cải cách

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu nhận định: Hiện đại đến đâu, cải cách TTHC đến đâu nếu đội ngũ cán bộ không tốt thì nền hành chính cũng không vận hành được. Theo đó, phải siết chặt kỷ luật, tăng cường kiểm tra công vụ đột xuất để nâng cao chất lượng thực thi công vụ của cán bộ.

Ông Hậu cho biết, thông qua kiểm tra công vụ đột xuất, năm 2017, Quảng Ninh đã xử lý 41 cán bộ, công chức từ cấp thành phố, sở ngành đến cấp xã. Theo đó, nhiều người bị cảnh cáo, chuyển công tác, cắt thi đua thậm chí buộc thôi việc. “Xử lý nghiêm cán bộ, dù khó cũng phải kiên quyết làm. Làm nghiêm mới góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ”- ông Hậu nhấn mạnh.

Không chỉ nâng cao chất lượng cán bộ, chất lượng VBQPPL cũng cần được tăng cường để không còn tình trạng thông tư, nghị định ở trên trời khó áp dụng trong thực tiễn. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho hay, tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật có chiều hướng gia tăng. Hiện vẫn còn 157 VBQPPL trái nội dung thẩm quyền. Sau khi Bộ Tư pháp kiểm tra, “tuýt còi”, yêu cầu xử lý nhưng vẫn còn hơn một nửa VBQPPL sai sót về nội dung mà chưa được sửa chữa.

Muốn đẩy mạnh CCHC thì phải tăng cường kết nối nhưng sự kết nối giữa Trung ương - địa phương, các bộ ngành còn khá lỏng lẻo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, muốn nền hành chính không còn giấy tờ thì phải tăng cường kết nối, nhưng hiện tại mới chỉ có 7 cơ quan kết nối liên thông. Theo đó cần “thanh toán” điểm trũng này, làm sao phải kết nối từ Trung ương - địa phương, từ cấp tỉnh - huyện, xã thì công việc mới chạy nhanh được.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, với sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, TTHC ngày càng thống nhất, đồng bộ, đơn giản, minh bạch, tiếp cận phù họp với thông lệ quốc tế; nhiều TTHC, điều kiện kinh doanh, thủ tục kiếm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, đơn giản hóa góp phần rất lớn trong việc giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC vẫn còn một số tồn tại như triển khai nhiều nội dung cải cách còn chưa quyết liệt, đồng bộ, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật một số lĩnh vực còn hạn chế, TTHC trên một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Ý thức phục vụ người dân theo tinh thần cán bộ là công bộc của một bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế.

Nguyên nhân của những tồn tại trên được Phó Thủ tướng chỉ rõ là do sức ỳ của bộ máy hành chính các cấp còn lớn khiến tình trạng trên nóng dưới lạnh, trên chuyển dưới chưa chuyển và một bộ phận công chức không hoàn thành nhiệm vụ, hạn chế về năng lực, yếu kém về đạo đức, trở thành lực cản lớn đối với công cuộc cải cách.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị, tiếp tục phát huy và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, làm chuyển biến nhận thức trong toàn hệ thống công quyền, làm cho cán bộ phải là công bộc của dân, hiểu dân, trọng dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Cần đẩy mạnh thực hiện đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giải quyết công việc và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, đặc biệt là thể chế về phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh; đều đặn tổ chức đối thoại giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kịp thời hướng dẫn, đôn đốc và tháo gỡ vướng mắc trong công tác theo dõi thi hành pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương.

Đặc biệt, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; các bộ, ngành, địa phương; khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng, phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính theo danh mục đã được phê duyệt, làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tinh giản biên chế theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ điểm nghẽn thủ tục hành chính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO