Gỡ khó cho thị trường tài chính

H.Hương – M.Sang 29/11/2022 06:55

Thị trường tài chính đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm mạnh trong thời gian qua.

Bộ Tài chính đang tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trái phiếu không thu hút được nhà đầu tư

Dù đang có những nhịp phục hồi ngắn nhưng thị trường chứng khoán vẫn chưa khiến nhà đầu tư an tâm. Trong khi đó thị trường tiền tệ và tín dụng diễn biến rất phức tạp, lãi suất liên tục tăng cao, nguồn tín dụng bị thắt chặt; thị trường bất động sản sau thời gian tăng trưởng nóng hiện đứng trước nguy cơ vỡ bong bóng, do thiếu vốn.

Còn với thị trường trái phiếu DN thì sao? Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, sau những biến động vừa qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhiều dư địa để thu hút các nhà đầu tư. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho rằng, chúng ta đã dành nhiều công sức tạo dựng nên một thị trường vốn nhằm phục vụ đắc lực cho sự phát triển của kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trong năm 2022, từ sự việc của Tân Hoàng Minh, FLC, hay Công ty An Đông và Ngân hàng SCB đến nay khiến thị trường liên tục chao đảo.

Dù Chính phủ đã đưa ra các gói kích cầu nhằm mục tiêu giải quyết khó khăn và nâng cao khả năng chống chịu của doanh nghiệp, tuy nhiên, tình hình của doanh nghiệp hiện nay vẫn còn những khó khăn, sức sản xuất, kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng. Chỉ số kinh tế vĩ mô hiện vẫn tăng trưởng tốt, nhưng nếu không có biện pháp để thúc đẩy thị trường, đặc biệt là thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì sẽ rất khó khăn trong tương lai.

Liên quan đến dòng vốn trên thị trường, mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4) cũng đã có báo cáo cho biết, khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn đang đặt DN vào những tình thế hết sức cấp bách. Dòng vốn khó khăn thể hiện ở hai khía cạnh: Trước hết là thách thức về việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh và thách thức thứ hai là việc duy trì các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư, phục hồi DN. Hiệu ứng sụt giảm niềm tin từ thị trường đối với các DN bất động sản đã lan rộng tới mọi loại hình DN khác khiến kênh huy động trái phiếu không thể thu hút được các nhà đầu tư trong ngắn hạn để giải quyết các bài toán cấp bách. Thị trường chứng khoán theo đó cũng chịu ảnh hưởng mạnh, làm khó khăn về vốn của DN thêm trầm trọng. Nhiều DN lớn phải bố trí nguồn vốn để mua lại trái phiếu trước hạn.

Nút thắt thanh khoản

Theo ông Nguyễn Vũ Long, Tổng giám đốc của VNDIRECT, nút thắt lớn nhất hiện nay đối với thị trường trái phiếu là dòng vốn thanh khoản của doanh nghiệp. Hiện nay các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều đang bị ách tắc, ngân hàng đã hết room tín dụng từ giữa quý 2, đầu quý 3/2022, các kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp như thị trường cổ phiếu thì gần đây rất khó khăn. Trong khi đó, kênh trái phiếu trong quý 4/2022 gần như không có doanh nghiệp nào huy động được trái phiếu mới.

Trong ngắn hạn điều quan trọng nhất là phải duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông từ đó mới có thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh. Thanh khoản bù đắp kịp thời nhất hiện nay sẽ đến từ tín dụng ngân hàng, nhưng lại không thể cho vay mới khi các ngân hàng đã cạn room.

Còn bà Trần Thị Thu Trang - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kỹ thương cũng cho biết, các doanh nghiệp đang bị ách tắc về việc huy động vốn trên thị trường. Trong khi sắp tới lượng trái phiếu đáo hạn cũng tạo áp lực cho doanh nghiệp trong giai đoạn tới vì họ chưa có khả năng tìm được nguồn vốn bù đắp hoặc cơ cấu lại các khoản nợ của mình.

Bà Trang bày tỏ mong muốn, tăng thêm khả năng huy động vốn của doanh nghiệp trên thị trường, tập trung vào thị trường phát hành ra công chúng, có quy trình thẩm định chặt chẽ về pháp lý, giúp cho niềm tin của nhà đầu tư tăng lên.

Để giải quyết thách thức liên quan thị trường tài chính, Ban 4 cũng đã đưa ra đề xuất trong trường hợp cần thiết thì tính tới các giải pháp đặc biệt trong giai đoạn nhất định nhằm giảm khó khăn cho DN và nền kinh tế, như cho phép các ngân hàng thương mại trong nước tham gia mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường. Đồng thời đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng thương mại để nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực trong nước để không triệt tiêu năng lực doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó cho thị trường tài chính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO