Gỡ ‘nút thắt’ thủ tục, tiếp sức doanh nghiệp

THANH GIANG 11/09/2021 08:00

Dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng kéo dài khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng “đuối sức”. Trước sự tàn phá của dịch Covid-19, “sức khỏe” của phần lớn các doanh nghiệp đã suy yếu, hiện đang ở tình trạng cần “ô xy” để duy trì sự tồn tại. Theo các doanh nghiệp, để phục hồi sản xuất sau một thời gian dài bị “đóng băng”, rất cần sự hỗ trợ của chính quyền và các sở, ngành…

Điêu đứng vì dịch bệnh

Thời gian qua, hoạt động kinh tế gần như “đóng băng”, kế hoạch sản xuất, tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp (DN) giậm chân tại chỗ. Rất nhiều DN phá sản hoặc ngừng hoạt động do không thuộc ngành thiết yếu, không thể duy trì sản xuất. Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, trên 84% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 này. Trong đó, tập trung chủ yếu là thiếu vốn, thị trường, lao động...

Cụ thể, thiếu vốn kinh doanh chiếm 40%; thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%; phải cắt giảm lao động chiếm 52%; bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%; bị cản trở hoạt động kinh doanh do cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%.

Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, chỉ số môi trường kinh doanh của DN châu Âu đang ở ngưỡng thấp nhất từ trước đến nay. Ghi nhận chỉ đạt 15.2 điểm, trong khi một vài năm trước chỉ số này ở mức 86.0 điểm. Theo EuroCham, trong 3 tháng qua, từ tháng 6 đến tháng 8 có 76% DN có kết quả kinh doanh không tốt, 29% DN có kết quả kinh doanh rất tệ. Dự đoán của EuroCham, trong 3 tháng cuối năm tình hình vẫn không khả quan hơn.

Phía Hiệp hội Nhựa Việt Nam cũng chia sẻ, với diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay làm cho DN nhựa điêu đứng. 50% DN phải đóng cửa, ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng. Tổn thất không chỉ về kinh tế mà còn về uy tín với khách hàng. Khách hàng hủy đơn để chuyển sang nước khác rất nhiều. Dự báo, những tháng cuối năm tiếp tục là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn của cả ngành. Từ đó, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu nói chung và ngành nhựa nói riêng.

DN lên kế hoạch duy trì sản xuất trong thời điểm dịch bệnh và chiến lược cho thời gian bình thường mới.

Cần tiếp sức, gỡ “nút thắt” thủ tục

Gặp khó khăn chưa từng có trong tiền lệ, song cộng đồng DN hiện vẫn nỗ lực kiên trì sắp xếp sản xuất và chuẩn bị hoạt động trở lại, vì nhiều địa phương lên kế hoạch mở cửa nền kinh tế. Tuy nhiên, để hoạt động sản xuất sớm khôi phục và phát triển, DN mong chính quyền hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn và thủ tục hành chính.

Chủ tịch EuroCham - ông Alain Cany cho rằng, những gì các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội cần là lộ trình rõ ràng. Theo ông Alain Cany, hộ chiếu vaccine điện tử quan trọng, cần tạo thuận lợi cho người đã tiêm vaccine di chuyển tự do. Ngoài các vấn đề trên, DN hiện vẫn gặp tình trạng chính sách không đều giữa các tỉnh khác nhau, vướng thủ tục hành chính trong quá trình thông quan hàng hóa từ hải quan. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, thủ tục chồng chéo, thanh tra trùng lặp vẫn là vấn đề cản trở hoạt động sản xuất của DN.

Liên quan đến “đòn bẩy” để doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất tốt trong điều kiện bình thường mới, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nhựa Rạng Đông cho rằng, rất nhiều DN nằm trong khu phong tỏa nên hoạt động chỉ đạt 30%, hoặc cao nhất là 50%. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu và dòng tiền. Đề nghị Ngân hàng nhà nước sớm có chỉ đạo để rà soát những khó khăn của DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trên cơ sở đó giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN kịp thời trong lúc khó khăn như hiện nay. Ngoài ra, có thể xem xét giãn nợ vay ngân hàng cho các DN trong 6 tháng tới với những khoản vay ngắn hạn và dài hạn.

3 kịch bản sau ngày 15/9

Trước những những khó khăn của DN, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM thông tin, thành phố đang xây dựng 3 kịch bản sau ngày 15/9 dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh của thành phố và các tỉnh. Đối với các DN vừa và nhỏ, thành phố đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét có các gói hỗ trợ như giảm lãi suất, khoanh nợ, giảm lãi gói vay mới… Đồng thời triển khai Chương trình hỗ trợ tín dụng đặc biệt của thành phố như vay kích cầu, hỗ trợ về mặt bằng, điện nước để giảm một phần khó khăn cho các DN trên địa bàn. Các DN cũng phải chuẩn bị nhân lực, thiết bị, máy móc, yêu cầu sản xuất an toàn.

Về kế hoạch mở cửa nền kinh tế, UBND TP HCM quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế thành phố. Theo Chủ tịch UBND TP, Ban chỉ đạo này sẽ hoạt động theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 15/9 đến 31/12/2021, giai đoạn 2 là năm 2022 và những năm tiếp theo.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Như vậy, việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng kéo dài thêm 6 tháng so với trước đó. Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại Thông tư mới cũng kéo dài đến hết tháng 6/2022.

Ông Phạm Anh Tuấn – Phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM: Xử lý hồ sơ nhanh hơn trước

Mấy tháng qua, do thực hiện giãn cách xã hội nên Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cố gắng đảm bảo tiếp nhận và xử lý hồ sơ đầu tư theo hướng mới. Thay vì nhận hồ sơ trực tiếp, Sở tiếp nhận qua bưu điện, trực tuyến. Riêng hồ sơ trực tuyến đang bắt đầu triển khai, tuy nhiên do điều kiện về chữ ký số có phần hạn chế nên chưa áp dụng đại trà. Nhìn chung thủ tục hành chính cơ bản được đơn giản, nhanh chóng hơn nhiều. Ví dụ, Luật Đầu tư 2020 có nhiều cải cách, nhiều điều mới, được vận dụng ngay đối với hồ sơ nộp tại Sở. Trước đây, có những hồ sơ phải xin ý kiến các bộ, ngành nhưng giờ đã giảm hẳn và không còn kéo dài thời gian giải quyết.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Cần tăng tốc triển khai các gói hỗ trợ và đơn giản thủ tục hành chính

Thời điểm này, gói hỗ trợ nào cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, giống như một bệnh nhân phải thở oxy và nguy kịch về tính mạng đòi hỏi phải sớm “bơm máu” nếu không khó cứu chữa được. Tôi đơn cử, Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nói đến cơ cấu lại nợ nhưng vấn đề cần hiện nay là bơm tiền. Nên tổ chức cho DN vay vốn thông qua một tổ hợp tín dụng. Động lực tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tốc độ triển khai các gói hỗ trợ cho DN. Vì vậy, vấn đề còn lại là đẩy nhanh tốc độ tiếp cận các gói hỗ trợ, chương trình hỗ trợ.

Song song đó, sớm tháo gỡ kịp thời những thủ tục hành chính còn vướng mắc, rào cản đối với hoạt động đầu tư, sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ ‘nút thắt’ thủ tục, tiếp sức doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO