Gỡ rào cản để doanh nghiệp khởi nghiệp

Ngọc Quang 29/07/2016 06:31

Thông tin mới đây từ Tổng cục Thống kê một lần nữa cho thấy sự khó khăn đến từ khối doanh nghiệp. Trong tháng 7, cả nước có trên 9.600 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 69,2 nghìn tỷ đồng, giảm 1,4% về số DN và giảm 11,6% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Cùng đó, vốn đăng ký bình quân một DN là 7,2 tỷ đồng, giảm 10,3%; tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới là 99,2 nghìn người, giảm 12,3%.

Gỡ rào cản để doanh nghiệp khởi nghiệp

Thiếu vốn và phải đối diện với quá nhiều giấy phép con, doanh nghiệp nhỏ và vừa khó lớn.

Như vậy, có thể thấy các chỉ số cơ bản của khối sản xuất, kinh doanh vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế đều sụt giảm. Cũng cần dẫn thêm một con số: trong tháng 7, cả nước có hơn 1.800 DN quay trở lại hoạt động nhưng vẫn giảm 5,2% so với tháng trước; có gần 6.000 DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, tăng 10,6%; hơn 900 DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động, tăng 5,9%.

Đây là tháng khó khăn cho khu vực kinh tế này. Từ đó cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh những tháng còn lại của năm là khá khó khăn, cần có những giải pháp kích thích đủ mạnh để hồi phục. Mới đây, Ngân hàng Thế giới cho rằng năm 2016 tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 6%, có nghĩa là chúng ta không đạt mục tiêu đề ra (6,7%). Tất nhiên đó cũng chỉ là dự báo dựa trên những dữ kiện liên quan, nhưng điều đó cũng cho thấy sự khó khăn đang ở ngay trước mắt. Về lạm phát, tuy rằng vẫn được dự đoán ở mức dưới 5%, tuy nhiên gần đây thị trường cho thấy không ít dấu hiệu con số lạm phát cả năm sẽ cao hơn.

Nhìn vào những khó khăn ấy không phải để nản chí, bi quan, mà quan trọng hơn là để tìm ra giải pháp tháo gỡ.

Ngày 16/5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Đây là Nghị quyết được cộng đồng DN ủng hộ bởi tính thiết thực, mạnh mẽ, cởi mở. Theo đó, tinh thần chung là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu dựa trên tư duy đổi mới, sáng tạo, khoa học và công nghệ cao, trong đó DN, nhất là DN tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Nghị quyết cũng nêu rõ, Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, DN theo quy định của pháp luật. DN có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các DN, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: vốn, tài nguyên, đất đai... và đầu tư kinh doanh.

Đáng chú ý, Nghị quyết khẳng định Nhà nước có chính sách đặc thù để hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao.

Trở lại vấn đề liên quan đến việc số DN đăng ký mới ít trong tháng 7, thực chất đó cũng là khởi nghiệp. Càng về sau này, người ta càng nói nhiều hơn về sự khởi nghiệp, với việc có cơ chế chính sách tốt, dễ tiếp cận dòng vốn vay ngân hàng với lãi suất hợp lý.

Nhưng trên thực tế, rào cản đối với DN khởi nghiệp vẫn còn đó. Rất nhiều DN chỉ đi vào hoạt động ít ngày thì đã lúng túng và “chết chìm” trong nợ nần, không tiếp cận được với vốn vay ngân hàng.

Nhiều DN đã nợ lương người lao động từ tháng này sang tháng khác, tìm mọi cách trì hoãn và trốn đóng bảo hiểm cho người lao động, kể cả trốn thuế dù biết rằng đó là vi phạm pháp luật. Không đương đầu nổi, nhiều DN đã phải giải thể.

Nghị quyết 35 của Chính phủ nhấn mạnh, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng, bảo đảm an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật; nâng cao năng lực thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tín dụng…, nhưng nút thắt ấy trên thực tế vẫn chưa được tháo gỡ triệt để.

Một điều cũng thật đáng suy nghĩ là tại sao DN nội mới đăng ký thành lập giảm, số DN giải thể hoặc “trùm mền” tăng thì DN ngoại lại tăng trưởng đều ở nhiều tiêu chí?

Điều đó thể hiện ở các con số do Tổng cục Thống kê công bố: FDI tăng 31,8% về số dự án và tăng 25,5% về vốn đăng ký. Cụ thể, từ đầu năm đến thời điểm 20/7, cả nước đã thu hút được 1.408 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) mới với số vốn đăng ký đạt gần 8,7 tỷ USD, tăng 31,8% về số dự án và 25,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Đáng chú ý, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng năm nay ước tính đạt 8,6 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Cùng một môi trường đầu tư, cùng một thời điểm nhưng DN nội sút giảm, còn DN ngoại lại tăng trưởng. Có nghĩa là DN ngoại “tìm được cửa” để tăng trưởng, còn DN nội lại đang lúng túng ngay trên sân nhà.

Điều đó có thể nhìn từ hai hướng. Một là tự bản thân DN nội đang thiếu ý tưởng sáng tạo, thiếu chiến lược đột phá trong sản xuất kinh doanh, thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất.

Hai là cơ chế hỗ trợ cho DN trong nước chưa tốt, rào cản chưa được tháo gỡ. Về vấn đề này khối DN nội đã “than thở” từ lâu, trên nhiều diễn đàn, kể cả trong hội nghị tháo gỡ khó khăn do Thủ tướng chủ trì. Trong khi DN khởi nghiệp cần các yếu tố nhanh, mới lạ và đột phá để thành công thì cơ chế lại chạy theo không kịp. Đó là chưa nói đến ở nhiều khâu, người ta đã lợi dụng giấy phép con để làm khó dễ, hòng trục lợi cá nhân.

Thực tế cho thấy, DN khởi nghiệp sẽ không thể lớn được nếu bị rào cản. Cũng chính vì thế, dù được thi đấu trên sân nhà nhưng DN nội vẫn teo tóp, trong khi DN ngoại lại phát triển.

Nói như ông Đỗ Tuấn Anh- một CEO có tiếng (ở Công ty Appota), rất nhiều nước coi DN khởi nghiệp là lá cờ đầu, mũi nhọn tạo ra khả năng tăng trưởng đột biến cho nền kinh tế. Vì thế, nếu không có cơ chế hỗ trợ những DN khởi nghiệp thì rất có thể chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà. Còn TS Vũ Đình Ánh nhận xét, tạo dựng môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng hơn là vấn đề được đề cập rất nhiều.

Tuy nhiên, DN, hiệp hội càng kêu nhiều thì dường như giấy phép con ngày càng nhiều hơn. “Điều này cho thấy có khoảng cách giữa nói và làm trong việc tạo môi trường thông thoáng cho DN phát triển”- theo ông Ánh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ rào cản để doanh nghiệp khởi nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO