Gỡ rào cản, thông thoáng môi trường kinh doanh

Nguyên Khánh 19/07/2020 07:23

Về cơ bản, Việt Nam đã khống chế được đại dịch Covid-19, tới nay đã gần 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Vì thế việc dồn sức để khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ cấp thiết.

 Đẩy mạnh sản xuất bù lại “quãng thời gian đã mất”.
Đẩy mạnh sản xuất bù lại “quãng thời gian đã mất”.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, hơn lúc nào hết lúc này cần tìm ra những hạn chế, yếu kém níu chân sự phát triển, Tỉnh ủy đã giao Ban Cán sự UBND tỉnh cùng sở ngành chức năng tổ chức hàng loạt hội thảo tập hợp trí tuệ của thế hệ nguyên lãnh đạo tỉnh, các chuyên gia, doanh nhân, nhà tư vấn đóng góp ý kiến. Từ đó, giúp tỉnh xây dựng chiến lược thu hút đầu tư bền vững trong thời gian tới một cách rất cụ thể, phải trả lời được câu hỏi làm gì để đón làn sóng đầu tư một cách hiệu quả, bền vững?

Còn theo ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, để đưa kinh tế - xã hội bứt phá đi lên, thời gian tới tỉnh sẽ ưu tiên, lựa chọn các dự án đầu tư có sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tạo ra giá trị sản xuất và giá trị thu nộp ngân sách cao, sử dụng lao động chất lượng cao với mức lương tương xứng...

Tất nhiên, nỗ lực không chỉ đến từ các địa phương. Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đã đạt được nhiều bước tiến rất quan trọng. Đến nay chúng ta đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn: 3.893/6.191 đăng ký kinh doanh; 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm ước tính khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ VNĐ/năm.

Về cung cấp dịch vụ công, các bộ, ngành, địa phương đều đã triển khai cơ chế một cửa. Đã có 58/63 địa phương có Trung tâm phục vụ hành chính cấp tỉnh. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng cao, có phản hồi tích cực, đạt tỉ lệ 95,8% đúng hẹn…

Nhờ những nỗ lực trên, nhiều chỉ số xếp hạng của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Cụ thể, Chỉ số PCI và PAPI 2019 đều tăng; xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu 2017-2019 tăng 21 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia và vị trí thứ 5/10 của ASEAN; xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 2019 tăng 10 bậc, xếp thứ 67/141 quốc gia và vị trí thứ 7 của ASEAN; Chỉ số phát triển bền vững xếp thứ 57/156 quốc gia, tăng 11 bậc và đứng thứ 3 khu vực ASEAN. Theo Tạp chí US News&World, Việt Nam đứng thứ 08/80 và thuộc top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư, tăng 15 bậc so với năm 2018.

Để tiếp tục tạo sự thông thoáng cho môi trường kinh doanh, hầu hết các Bộ trưởng, trưởng ngành đều khẳng định quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa trong cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó sẽ tiếp tục rà soát cắt giảm, đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính và không tạo thêm các rào cản về thủ tục hành chính, pháp lý cho doanh nghiệp.

Nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì Chính phủ thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển. Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, cán bộ công chức, viên chức suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, cố tình gây nhũng nhiễu, thao túng, chi phối khi thực thi công vụ, vi phạm quy định của pháp luật, làm chậm thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao. Thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ, không đáp ứng được yêu cầu.

Tất cả đều nhắm tới gỡ bỏ rào cản, làm thông thoáng môi trường đầu tư kinh doanh; tạo nên sức bật mới ngay khi đại dịch Covid-19 được không chế.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cú sốc Covid-19 đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái, đồng thời bộc lộ nhiều điểm yếu của phương thức phát triển cũ và các rủi ro xung quanh chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng là lúc để Việt Nam đẩy nhanh cải cách, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh…, nhằm tham gia ngay vào cấu trúc mới của nền kinh tế thế giới sau khi hết dịch.

“Việc các bộ, ngành địa phương nỗ lực gỡ mọi rào cản, gỡ khó cho doanh nghiệp sẽ là cú hích để kinh tế Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc trong tương lai”, ông Cung nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ rào cản, thông thoáng môi trường kinh doanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO