Gỗ rừng vào nhà tổ trưởng bảo vệ rừng

Tinh Anh 27/11/2020 13:30

Những năm qua, nhiều cánh rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ bị các đối tượng lâm tặc chặt phá không thương tiếc.

Trong đó, không ít vụ chặt phá rừng có sự chung chi, tiếp tay, bao che, bảo kê của những người được giao bảo vệ rừng.

Cơ quan Công an huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) đang xác minh, làm rõ việc số gỗ bạch tùng bị lâm tặc khai thác trộm bằng cách nào “chui” vào nhà Tổ trưởng Tổ Bảo vệ rừng Nguyễn Văn Tuyến. Việc trong nhà tổ trưởng bảo vệ rừng có chứa chấp gỗ lậu khiến dư luận người dân địa phương xôn xao bàn tán. Người ta bán tín bán nghi rằng, liệu có hay không việc ông Tuyến tham gia khai thác gỗ lậu.

Tại cơ quan chức năng, ông Tuyến khai số gỗ bạch tùng bị chặt trộm đang ở nhà ông là mua của người dân địa phương. Song, cách lý giải của ông Tuyến khiến nhiều người cảm thấy thiếu thuyết phục. Người ta nghi ngờ là có lý do, bởi với vai trò là tổ trưởng bảo vệ rừng, ông Tuyến phải thừa hiểu số gỗ ông “mua” không có hóa đơn chứng từ chỉ có thể là gỗ chặt trộm. Biết là gỗ lậu vẫn mua, lẽ nào ông lại tiếp tay cho lâm tặc?

Cứ cho là ông Tuyến đã thực sự “mua” số gỗ bạch tùng bị cơ quan chức năng phát hiện đang cất giữ trong nhà. Dù vậy thì ông Tuyến cũng có thể bị coi là đồng phạm của các đối tượng lâm tặc, hoặc có thể bị xem xét trách nhiệm về hành vi tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Tại Khoản 1, Điều 323, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 quy định: Người chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ do phạm tội mà có sẽ bị phạt tới 3 năm tù.

Chưa nói đến việc xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự, chỉ riêng việc với vai trò là tổ trưởng bảo vệ rừng lại tiếp tay cho lâm tặc bằng việc mua gỗ chặt trộm đã không thể chấp nhận được. Khi chính người bảo vệ rừng lại ngầm nói với lâm tặc rằng, cây chặt trộm vẫn có thể tiêu thụ được, hỏi làm sao rừng không bị tàn phá? Thử đặt vấn đề, nếu cứ 10 người bảo vệ rừng thì có một người như ông Tuyến, liệu sau bao lâu thì rừng sẽ hết?

Chắc chắn là để trốn tránh việc truy cứu, xem xét trách nhiệm hình sự, ông Tuyến sẽ nói rằng không hề hay biết số gỗ bạch tùng đã mua là gỗ lậu do lâm tặc khai thác trộm. Nếu vậy thì thật nực cười, bởi những cây bạch tùng hàng trăm năm tuổi bị chặt hạ không ở đâu xa, mà ở chính trong khu vực ông Tuyến có trách nhiệm bảo vệ. “Mua” gỗ lậu được khai thác trộm từ chính khu vực được giao bảo vệ, ông Tuyến bao biện thế nào đây?

Tất nhiên, mọi việc phải chờ cơ quan CSĐT Công an huyện Lâm Hà khởi tố vụ án khai thác gỗ trái phép, điều tra, làm rõ những người có liên quan, lúc đó mọi việc mới sáng tỏ. Song, trong trường hợp cụ thể của ông Tuyến, dù ông có trăm, ngàn lời biện hộ thì cũng khó mà thoát khỏi trách nhiệm. Có thể trách nhiệm ở đây chỉ là khiển trách, hoặc rút kinh nghiệm sâu sắc, song cũng không loại trừ khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dư luận cho rằng, đến tổ trưởng bảo vệ rừng còn tiếp tay cho lâm tặc, bảo sao diện tích rừng cứ ngày càng suy giảm. Nhiều cánh rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn... ở nhiều địa phương trên cả nước bị lâm tặc tàn phá tan hoang. Nhiều nơi cây rừng bị đốn hạ hết sức tang thương. Cũng đã có không ít người bị khởi tố điều tra, truy tố, xét xử, nhưng xem ra chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa chung.

Đáng buồn, không chỉ có người dân tiếp tay cho lâm tặc, mà ngay cả lực lượng kiểm lâm chuyên bảo vệ rừng cũng không ít người nhúng chàm. Trong những năm qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự không ít cán bộ, nhân viên kiểm lâm vì hành vi chung chi, bảo kê cho các đối tượng lâm tặc đốn hạ cây rừng. Tiếc rằng, xử mãi không hết, xong vụ án này lại lòi ra vụ án khác.

Sở dĩ những người khoác áo bảo vệ rừng, người dân, lâm tặc vẫn tiếp tục chặt phá rừng không biết sợ, dù đã có nhiều kẻ phải xộ khám, là do lợi nhuận từ việc khai thác gỗ lậu quá lớn. Khi mà vẫn còn có thể “tự do” khai thác gỗ lậu, kiếm tiền quá dễ, quá nhiều thì có lý nào các đối tượng lâm tặc từ bỏ? Khi mà đồng lương “ba cọc ba đồng” còn không đủ ăn nói gì đến xe hơi nhà lầu, lẽ nào cán bộ kiểm lâm không bảo kê cho lâm tặc?

Đó là lý do mà rừng trên khắp cả nước vẫn hàng ngày chảy máu. Nhiều cánh rừng nguyên sinh với những gốc cây đại thụ hàng vài trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm tuổi dần biến mất. Vấn nạn chặt phá rừng, khai thác gỗ trái phép chỉ có thể chấm dứt khi chế tài mạnh hơn, đủ sức răn đe đối với những kẻ đã, đang và sẽ có ý đồ vi phạm. Khi mà kiếm được 1 đồng nếu bị phát hiện thì phải nộp phạt tới 10 đồng, thậm chí ngồi tù “mút mùa”, tin rằng sẽ không ai dám đùa với pháp luật nữa!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỗ rừng vào nhà tổ trưởng bảo vệ rừng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO