Gỡ ùn tắc khi đô thị ‘phình to’?

Lê Anh 03/04/2021 07:36

TP Hồ Chí Minh đang có đề xuất về cơ sở triển khai đề án tổ chức vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện.

Đến thời điểm hiện tại, UBND TP HCM đã gửi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận về mặt chủ trương để đưa xe buýt điện vào thí điểm trong 2 năm.

Nhiều người cho rằng xe buýt hiện tại quá to dẫn đến là một trong các nguyên nhân gây kẹt xe tại TP HCM.

Giải quyết kẹt xe, thân thiện môi trường

Theo đề xuất, thành phố dự kiến khi được cho phép thí điểm loại hình xe buýt điện sẽ áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đã được ban hành đối với loại xe buýt CNG (đã hoạt động trên địa bàn thành phố). Vừa qua, Thủ tướng đã giao UBND TP HCM tổ chức xây dựng bộ định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá áp dụng cho loại phương tiện xe buýt điện để phê duyệt và áp dụng thí điểm theo quy định, trước khi vận hành hoạt động chính thức.

Theo các đơn vị tư vấn, công nghệ chuyển giao xe buýt điện thông minh đã được một số quốc gia ở khu vực triển khai từ lâu. Đối với TP HCM là nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước, đòi hỏi việc thiết kế hệ thống riêng cho vận tải hành khách công cộng, cũng như đảm bảo nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân đô thị. Các ý kiến khuyến khích TP HCM nên thí điểm đầu tư hiện đại hoá hệ thống xe buýt điện. Nhờ đó, sẽ giúp giải quyết tốt hơn nhu cầu của người dân và tình trạng ùn tắt giao thông đô thị ở Hà Nội và TP HCM hiện nay.

Vừa qua, thành phố cũng tham khảo kinh nghiệm của hệ thống giao thông công cộng bằng xe bus điện thông minh BRT Smart Bus, kết nối IOT của một đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, so với thực tế giao thông của TP HCM vẫn phải tính đến các yếu tố về ngập nước do mưa lớn và triều cường, biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng.

Theo KTS Nguyễn Văn Biểu từ Bhomes thì việc đầu tư BRT Smart Bus có lợi thế giúp giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng. Trong tương lai gần thì quy mô của TP HCM có thể phát triển ngang với các đô thị lớn ở ASEAN do đó, người dân càng cần đến các lựa chọn đa dạng cho việc đi lại và du lịch. Đồng thời, hạ tầng xe buýt điện cũng giúp người nước ngoài đang sinh sống làm việc tại TP HCM có được cơ hội tiếp cận, sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Hạn chế phương tiện cá nhân, xe thô sơ

Để đảm bảo tính khả thi cho nhu cầu về vận tải hành khách công cộng, TP HCM mới đây đã nêu cả kiến nghị về phương án từng bị bác bỏ (trước đây) như xin sử dụng xe buýt mini (từ 12 đến dưới 17 chỗ) để phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân ở nội đô thành phố. Đề xuất này từng bị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bác do chưa có cơ chế, nhưng chính quyền thành phố tiếp tục kiên trì đeo bám cho đến nay.

Theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP HCM), hiện nay mạng lưới vận tải hành khách công cộng vẫn chưa tiếp cận được nhu cầu thực tế của người dân. Lý do một phần xuất phát từ thực trạng xe buýt (đa số khổ lớn) và chưa thể len lỏi vào các tuyến đường nhỏ hẹp, vốn chiếm trên 50% tại TP HCM.

Bên cạnh đó, việc chỉ có thể di chuyển trên các tuyến đường có bề rộng từ trên 7m (44% trên toàn thành phố) cũng là hạn chế của loại hình xe buýt hiện hành. Ông Hải cũng chỉ ra các khó khăn trong việc tiếp cận xe buýt hiện nay, bởi vì phương tiện giao thông cá nhân vẫn tăng nhanh, mật độ giao thông cao dẫn đến ùn ứ giao thông, trong khi mạng lười xe buýt lại chưa thu hút được nhu cầu đi lại của người dân.

Dù vậy, để vận hành và hoạt động có hiệu quả các hệ thống xe buýt thông minh, TP HCM cũng đang trong thời gian lấy ý kiến người dân cho đề án về thí điểm kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn. Đây là khâu mấu chốt nhất để thành phố phát triển nhanh nhất loại hình giao thông công cộng đang quyết tâm triển khai. Về khía cạnh tác động đến đời sống của đại bổ phận người dân nghèo ở đô thị, cũng có những ý kiến đặt ra.

Theo ông Đỗ Văn Chung, Phó Phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân, TP HCM, việc thu phí kiểm soát khí thải xe máy chắc chắn sẽ tác động đến người nghèo do đối tượng này chủ yếu sử dụng xe cũ. Do đó, nếu không tính toán thời điểm triển khai và kế hoạch chi tiết, kể cả sự đồng thuận của người dân thì đề án sẽ tác động rất lớn đến cuộc sống của các tầng lớp công nhân, người lao động và hộ nghèo.

Ngoài ra, hiện nay Sở GTVT TP HCM cũng đang trình UBND TP phương án điều chỉnh tổ chức giao thông đối với xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ 3-4 bánh. Mục tiêu trong giai đoạn 2021-2022 thành phố thực hiện cấm triệt để các loại xe lưu thông trong khu vực trung tâm được giới hạn bởi các tuyến đường thuộc Q.1, Q.3, Tân Bình, Phú Nhuận và dọc đại lộ Võ Văn Kiệt. Đến giai đoạn năm 2022 - 2025 thành phố sẽ tiến đến hạn chế các loại xe trên vào khu vực nôi đô và sau 2025 sẽ chấm dứt hoàn toàn hoạt động đối với loại xe cơ giới kể trên.

Việc tiến tới xây dựng một đô thị vận hành chủ yếu bằng các phương tiện giao thông công cộng đang được TP HCM quyết tâm theo đuổi. Hiện tại việc hoàn thiện tuyến đường sắt trên cao (Metro) cũng đang được chính quyền thành phố tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào triển khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ ùn tắc khi đô thị ‘phình to’?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO