Gỡ vướng môn giáo dục địa phương

Lâm An 22/03/2023 07:22

Môn học giáo dục địa phương hiện nay đã được triển khai dạy ở 6 khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10 nhưng hầu hết các trường chỉ giảng dạy bằng tài liệu điện tử do vướng ở khâu in ấn, phát hành.

Học sinh Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Hà Nội) trong tiết giáo dục địa phương. Ảnh: Đ. Chung.

Kỹ càng từ vòng thực nghiệm

Hà Nội vừa tổ chức dạy thực nghiệm tài liệu giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiết dạy thực nghiệm vòng 2 bài “Thăng Long tứ trấn” tài liệu Giáo dục địa phương lớp 3 đã được thực hiện tại lớp 3A5, Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình).

Cô giáo Nguyễn Thanh Lan (Trường Tiểu học Hoàng Diệu) cho biết, ở vòng dạy thực nghiệm thứ nhất, cô thực hiện tiết dạy theo hướng một tiết dạy độc lập thì ở vòng thử nghiệm thứ hai, cô thực hiện dạy tài liệu Giáo dục địa phương bài “Thăng Long tứ trấn” theo hướng tích hợp, lồng ghép trong nội dung của môn học Hoạt động trải nghiệm, bài “Quê hương em tươi đẹp”. Nhờ có sự chuẩn bị của cả cô và trò cũng như việc áp dụng sáng tạo, hiệu quả các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, tiết dạy trở nên phong phú, gần gũi, tự nhiên, phát huy được sự sáng tạo và hứng thú học tập cho học sinh.

Với sự đánh giá cao việc triển khai tài liệu giáo dục địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội cũng đề nghị, Trường Tiểu học Hoàng Diệu sẽ thực hiện dạy chuyên đề cấp thành phố tài liệu giáo dục địa phương. Qua đó, để nhân rộng, lan tỏa trên toàn TP Hà Nội tinh thần dạy học sách giáo dục địa phương mà trường đã triển khai thực nghiệm.

Hiện, việc dạy thực nghiệm được triển khai không chỉ với tài liệu giáo dục địa phương, mà tất cả sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đều phải trải qua quá trình thực nghiệm kỹ càng trước khi trình Hội đồng thẩm định. Quá trình này nhằm đánh giá mức độ đáp ứng việc nắm bắt nội dung, sử dụng phương pháp dạy học của giáo viên, việc tiếp thu kiến thức của học sinh trong thực tiễn. Đồng thời, đánh giá về kiến thức, tính sư phạm, tính khoa học của tài liệu, sách giáo khoa.

Khó in ấn, phát hành

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục địa phương là một trong những nội dung mới được dạy ở tất cả các cấp học, từ lớp 1 đến lớp 12. Tài liệu giáo dục địa phương được giao cho sở GDĐT các tỉnh biên soạn, trình UBND cấp tỉnh thẩm định, sau đó báo cáo về Bộ GDĐT phê duyệt. Tuy nhiên, sau khi đã biên soạn, thẩm định, hầu hết các địa phương không thể in ấn.

Giám đốc Sở GDĐT Hưng Yên Nguyễn Văn Phê cho biết, Sở đã hoàn thành tài liệu giáo dục địa phương và được Bộ GDĐT phê duyệt theo đúng tiến độ, song vướng mắc ở khâu in ấn, chưa thể phát hành bản cứng sách giáo khoa tới học sinh và giáo viên.

Đồng thời, đã có thông tư hướng dẫn mức chi trong quá trình biên soạn tài liệu giáo dục địa phương tương đương với sách giáo khoa. Tuy nhiên, việc hưởng nhuận bút sau khi phát hành sách vẫn chưa có hướng dẫn khiến nhiều tác giả băn khoăn, chưa thể thống nhất.

Với các cơ sở giáo dục, bên cạnh việc thiếu tài liệu bản cứng trong triển khai dạy học, khó khăn còn nằm ở việc phân công giảng dạy. Cụ thể, nếu xét theo số tiết học/năm học, hiện nội dung giáo dục địa phương là một trong những môn có số tiết ít nhất, chỉ 35 tiết học/ năm. Trong đó, theo hướng dẫn của Thông tư 22/2021, sẽ có 4 tiết dành cho kiểm tra định kỳ. Trong 31 tiết còn lại có thêm 4 bài kiểm tra thường xuyên. Vấn đề ở chỗ, khi chỉ đạo thực hiện phân công, giảng dạy, Bộ GDĐT giao quyền chủ động cho các nhà trường, trường giao cho các tổ chuyên môn chủ động triển khai. Nhưng đây là môn học liên quan đến nhiều tổ chuyên môn nên để giảng dạy nội dung này, việc phân chia số tiết cũng khá khó khăn. Theo đó, phân môn Ngữ văn được bố trí 9 tiết; phân môn Âm nhạc 4 tiết; phân môn Mỹ thuật 4 tiết; các phân môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý mỗi phân môn 6 tiết.

Ghi nhận tại Trường THCS Thống Nhất (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), thuận lợi khi triển khai giảng dạy chương trình giáo dục địa phương năm học 2022-2023 đó là trường có đủ giáo viên giảng dạy môn học này, thư viện nhà trường có tài liệu phục vụ dạy học. Tuy nhiên, còn hạn chế về kiến thức của nội dung giáo dục địa phương của giáo viên, kinh phí hỗ trợ cho chương trình ngoại khóa; các tài liệu tại các di tích lịch sử của địa phương rất khó tìm và khai thác…

Tuy nhiên, nhìn chung việc chưa có sách giáo khoa mà học chay, học qua tài liệu điện tử khiến học sinh ở nhiều nơi khó tiếp thu, xem lại tài liệu trước, trong và sau giờ học. Với những khu vực có điều kiện, việc trình chiếu tài liệu trên máy tính, máy chiếu sẽ giúp học sinh dễ hình dung nhưng với những khu vực vùng sâu, vùng xa, đây là một thiệt thòi lớn cho các em. Vì vậy, các nhà trường đều mong muốn sớm có sách giáo khoa cũng như hướng dẫn cụ thể hơn với việc kiểm tra, đánh giá nội dung dạy học giáo dục địa phương hiện nay.

Với tài liệu giáo dục địa phương, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cho biết, đây là bước quan trọng trong quy trình biên soạn, hoàn thiện bộ tài liệu giáo dục địa phương của Sở. Thông qua những băn khoăn, thắc mắc và một số ý kiến đề xuất của giáo viên, ban giám hiệu nhà trường trong quá trình dạy thử nghiệm cùng với các ý kiến đóng góp của các nhà trường cũng là cơ sở để Sở chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện bộ tài liệu trước khi phê duyệt, đưa vào giảng dạy chính thức trong nhà trường phổ thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ vướng môn giáo dục địa phương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO