Góc lặng trên đỉnh Trường Lệ

Nguyễn Chung 04/08/2019 07:27

Trên đỉnh dãy Trường Lệ, TP Sầm Sơn (Thanh Hoá) vẫn còn một góc riêng, bị chìm khuất dưới tán rừng. Ở đó, người Pháp từng xây dựng các khu biệt thự từ những năm đầu thế kỷ XX làm nơi nghỉ dưỡng cho quan chức cấp cao. Sau thăng trầm, biến thiên của lịch sử, đất trời, giờ tất cả chỉ còn vương sót lại ít nền móng, tường rêu in dấu thời gian. Những dấu vết này đang dần trở thành những trầm tích văn hóa, cuốn hút đến lạ lùng.

Góc lặng trên đỉnh Trường Lệ

Bãi tắm từng dành riêng cho vua Bảo Đại.

Huyền tích Trường Lệ

Trường Lệ nghĩa là dòng nước mắt chảy dài. Chỉ nghe tên thôi cũng khiến người ta tò mò tìm hiểu nguồn gốc rồi lắng chút u hoài. Tích xưa kể rằng: Tại đây, xưa kia có một người phụ nữ bụng mang, dạ chửa không biết từ đâu tới. Sau khi sinh hạ một đứa bé có khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, bà qua đời, đầu nằm hướng về phía biển. Đứa bé mồ côi nhờ sự cưu mang, đùm bọc của dân làng bản địa nên lớn nhanh như thổi, có sức khỏe phi thường. Thương mẹ, cậu đã nhặt đất đá đắp lên thi hài bà, chỉ sau ít ngày, nấm mồ lớn dần và hóa thành núi. Và cái tên Trường Lệ cũng từ đó mà có. Chỉ ít năm sau, đứa bé mồ côi ngày nào đã trở thành chàng trai khổng lồ, sức vóc phi thường. Buổi trời đất còn hỗn mang, trên bờ giặc cướp triền miên, dưới biển thủy quái hoành hành… Để trả công ơn dưỡng dục, chàng trai đã dũng cảm xẻ đôi thân mình, nửa xuống biển đánh tan thủy quái, nửa còn lại đứng sừng sững trên đỉnh núi Trường Lệ bảo vệ cư dân trong vùng, xóm làng từ đó bình yên. Chàng trai về trời, hóa thần Độc Cước nghìn năm độ trì cho ngư dân vùng biển. Cảm cái nghĩa lớn mà thần đem lại, nhân dân nơi đây đã lập đền thờ phụng, hương khói bốn mùa.

Theo con đường uốn lượn bên sườn núi Trường Lệ, du khách bắt gặp hai hòn đá nằm chênh vênh trên một phiến đá lớn từ bao đời nay như đôi chim hóa đá chụm đầu vào nhau tự ngàn đời - hòn Trống Mái. Chuyện rằng, một năm nọ, nước biển dâng lên cao nhấn chìm cả vùng đất ven biển này, có hai vợ chồng nhà nghèo đã may mắn thoát chết nhờ bám vào cây gạo cao trên núi. Ngày qua ngày, tuy nước biển đã rút, nhưng chẳng có gì để ăn. Một hôm, người chồng gắng gượng leo lên núi mong tìm thấy chút gì lót dạ để vợ chồng cầm cự qua cơn đói. Người vợ ở lại ngóng đợi mãi không thấy chồng quay về... Linh tính mách bảo chuyện chẳng lành, chị đã lê bước lần theo dấu chân đi tìm chồng, bò lên đỉnh núi, chị bàng hoàng thấy chồng mình đã chết tự khi nào. Thương xót chồng vô hạn, người vợ kiệt sức gục xuống bên xác chồng trút hơi thở cuối cùng.

Câu chuyện cảm động của hai vợ chồng nghèo đã lan tỏa đến thần tiên, họ được hóa phép thành đôi chim đá để được ngày ngày quấn quýt bên nhau. Ngoài đền Độc Cước, hòn Trống Mái, trên dãy núi này có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn khác và mỗi thắng tích nơi đây đều gắn với những nhân vật hay câu chuyện mang màu sắc huyền thoại.

Sầm Sơn còn một góc này

Từ những năm đầu thế kỷ XX, sau khi xâm lược nước ta, toàn quyền xứ Đông Dương đã chọn Sầm Sơn để xây dựng, nơi này nhanh chóng trở thành một trong những điểm nghỉ dưỡng lý tưởng bậc nhất ở vùng Viễn Đông khi ấy.

Để minh chứng cho điều này, trong cuốn “Le Thanhhoa”, học giả người Pháp Robe Quain đã nói về Sầm Sơn như sau: “Bãi biển Sầm Sơn cách tỉnh lị Thanh Hóa khoảng 16 km, có đường rất đẹp, đi ô tô khoảng nửa giờ là đến bãi biển, có người đến nghỉ dưỡng đông vào bậc nhất xứ Đông Dương. Các biệt thự, khách sạn mọc lên trên mỏm núi đá hoa cương hay dưới bãi cát giữa các rặng phi lao chỉ cách mép nước chừng vài ba mét. Bãi tắm này tốt nhất để phục hồi sức khỏe, thích hợp với nghỉ ngơi, không phải là loại bãi biển thông thường”.

Ngoài việc quy hoạch Sầm Sơn trở thành một thị xã biển mang dáng dấp hiện đại, người Pháp còn phê duyệt một chương trình cho xây dựng trên núi Trường Lệ nhiều khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, phục vụ cho các quan chức và một khu dành riêng cho việc phục vụ vua Bảo Đại. Chỉ tiếc rằng, sau nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của thời gian, các công trình này giờ đây chỉ còn sót lại nền móng và ít bức tường rêu phong, bị cây rừng vây phủ, dần chìm vào quên lãng…

Hẹn mãi rồi tôi cũng được nhà thơ Đinh Ngọc Diệp – một người chính gốc, nặng lòng với sự phát triển của Sầm Sơn và khá am tường về văn hóa nơi đây – dẫn tôi ngược về phía đỉnh núi Trường Lệ trong cái nắng đổ lửa giữa hè. Trên con đường uốn lượn chạy mãi lên cao, ông bảo: “Phải nói, phải viết nhiều nữa để bạn bè không chỉ biết đến Sầm Sơn đơn thuần như một điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng mà còn để mọi người thấy rằng: Sầm Sơn còn là nơi có đa màu sắc văn hóa, mà ở đây rõ nét nhất là sự giao thoa giữa văn hóa Pháp với văn hóa bản địa.”

Góc lặng trên đỉnh Trường Lệ - 1

Dẫu trải qua sự tàn phá của thời gian, phần sót lại của các bức tường vẫn khá vững chãi.

Vạch cây lá, vượt qua nhiều quãng dây rừng chằng chịt níu chân, ông Cao Văn Tâm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Du lịch TP Sầm Sơn - lưng đẫm mồ hôi, nói qua hơi thở: “Gần như mọi người đã quên mất Sầm Sơn còn một góc này rất riêng biệt nhưng chứa đựng trong đó nhiều giá trị lịch sử chưa thể nói hết, chưa thể khai phá trong một sớm một chiều”. Theo hướng tay ông chỉ, trước mắt chúng tôi là một khu đất bằng phẳng rộng chừng 300 m2, trên đấy là dấu vết của những nền móng kiên cố, vài bức tường thấp ngăn chia phòng tróc lở, rêu phong và bị rễ cây rừng bám chằng chịt. Chỉ cần đảo một vòng quan sát rồi tưởng tượng, người ta dễ dàng thấy trong đầu mình một khu biệt thự hoành tráng, kiên cố và cũng đầy tính mỹ thuật theo thiết kế của người Pháp.

Hầu hết các bức tường ở đây đều được xây dựng bằng đá hoa cương có xuất xứ từ núi Nhồi, số ít được xây bằng gạch vồ đặc. Vữa được trộn từ loại cát có pha sỏi thạch anh nên mặt tường không mịn nhưng rất phẳng, có sức chịu đựng trước khí hậu khắc nghiệt. Ở các cây dầm chịu lực còn sót lại cho thấy, các kỹ sư xây dựng của Pháp đã sử dụng ximăng trộn với đá thạch anh được vệ sinh kỹ lưỡng để đổ bê tông, cốt thép. Các chân móng đều có chiều rộng từ 1-1,2 m, tường dày từ 60-80 cm. Thiết kế này có thể đảm bảo cho căn nhà ấm áp vào mùa đông và đặc biệt mát mẻ vào mùa hè.

“Quần thể các biệt thự nghỉ dưỡng của người Pháp trên đỉnh núi Trường Lệ được chia thành 7 khu, với đầy đủ hệ thống nhà nghỉ, nhà ăn khu vui chơi giải trí… và hầu hết đều được xây dựng vào khoảng từ 1901-1907. Rất tiếc, đến khoảng năm 1946, thời kỳ tiêu thổ kháng chiến, chúng ta đã phá bỏ toàn bộ số biệt thự này. Đến nay, Trung tâm Văn hóa, Du lịch TP Sầm Sơn mới chỉ phát lộ được 2 khu chính”- nhà thơ Đinh Ngọc Diệp cho tôi biết thêm.

Tiếp tục di chuyển khoảng 700 m về phía Đông, ông Cao Văn Tâm dẫn chúng tôi đến khu nghỉ dưỡng dành cho vua Bảo Đại. Khu nghỉ dưỡng rộng chừng 500 mét vuông và cũng được xây dựng bằng loại đá hoa cương, đá thạch anh có màu đen sẫm, lấm chấm phát ra ánh sáng phản chiếu khi gặp tia nắng. Công trình này được kiến thiết sau khi xây dựng xong khu nghỉ dưỡng của người Pháp, nhưng hiện chỉ còn hệ thống móng và tường rào. “Đỉnh núi Trường Lệ có khí hậu khác biệt so với phần còn lại của TP Sầm Sơn. Mùa hè nắng nóng oi ả, nhưng trên núi không khí mát rượi, vì thế, người Pháp và vua Bảo Đại đã chọn dãy núi này để xây dựng khu nghỉ dưỡng”- ông Cao Văn Tâm nhận định.

Đứng từ khu nền biệt thự của vua Bảo Đại nhìn xuống là bãi tắm dành cho vua và các thành viên trong hoàng tộc mỗi khi có dịp về đây. Bãi tắm là một doi cát khá bằng phẳng được che chắn tách biệt khỏi bãi tắm chính bởi một mỏm núi nhô ra từ hướng Đông Bắc. Điều này chứng tỏ vị vua cuối cùng của nước Nam rất tinh tế trong việc chọn bãi tắm cho riêng mình. Tôi hình dung, nơi đây từng là nơi vua ngả lưng trên ghế bố, nhấm nháp ly rượu mạnh sau những hồi ngụp lặn với sóng biển; nơi các cung tần, mỹ nữ nô đùa trên triền sóng…

“Hiện nay, TP Sầm Sơn đang liên hệ với các cơ quan có chuyên môn, nhà nghiên cứu để xác định chính xác các công trình xây dựng trên núi Trường Lệ được xây dựng trong thời gian nào, quy mô công trình, cách thức xây dựng, cũng như vai trò của các khu nghỉ dưỡng. Trước mắt, chúng tôi sẽ cho phát lộ tất cả các khu còn lại để phục vụ nhu cầu thăm viếng của du khách. Thành phố đang hướng tới biến nơi đây thành sản phẩm du lịch không thể thiếu của Sầm Sơn trong thời gian tới!” – ông Cao Văn Tâm nói.

*Trường Lệ phải chăng là dòng nước mắt chảy dài? Cái tên có lẽ bắt đầu từ một huyền tích xưa kể về tấm lòng của một cậu bé, khi mẹ qua đời đã nhặt đất đá đắp lên thi hài bà, chỉ sau ít ngày, nấm mồ lớn dần và hóa thành núi… Sau này, khi người Pháp đô hộ Đông Dương, nhận thấy phong cảnh nơi đây quá đẹp họ đã xây dựng thành một trong những điểm nghĩ dưỡng lý tưởng bậc nhất ở vùng Viễn Đông khi ấy.

Trong cuốn “Le Thanhhoa”, học giả người Pháp Robe Quain đã nói về Sầm Sơn như sau: “Bãi biển Sầm Sơn cách tỉnh lị Thanh Hóa khoảng 16 km, có đường rất đẹp, đi ô tô khoảng nửa giờ là đến bãi biển, có người đến nghỉ dưỡng đông vào bậc nhất xứ Đông Dương. Các biệt thự, khách sạn mọc lên trên mỏm núi đá hoa cương hay dưới bãi cát giữa các rặng phi lao chỉ cách mép nước chừng vài ba mét. Bãi tắm này tốt nhất để phục hồi sức khỏe, thích hợp với nghỉ ngơi, không phải là loại bãi biển thông thường”.

Chỉ tiếc rằng, sau nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của thời gian, các công trình này giờ đây chỉ còn sót lại nền móng và ít bức tường rêu phong, bị cây rừng vây phủ, dần chìm vào quên lãng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Góc lặng trên đỉnh Trường Lệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO