Ai để lọt 'đường lưỡi bò' phi pháp?

Ngọc Anh 16/10/2019 08:00

Có một cái gì đó như nghẹn lại khi thông tin bộ phim “Everest - người tuyết bé nhỏ” có xuất hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp do bất cẩn của Hội đồng duyệt phim Quốc gia đã để lọt ra rạp chiếu phim của Việt Nam tới 10 ngày. Sự việc một lần nữa là bài học cảnh giác về sự cài bẫy “đường lưỡi bò” phi pháp len lỏi ở khắp các lĩnh vực. Nhưng cũng là giọt nước tràn ly về những lỗ hổng trong quản lý văn hóa mà cụ thể là câu chuyện duyệt phim vốn đã gây nhiều ì xèo lâu nay.

Ai để lọt 'đường lưỡi bò' phi pháp?

"Đường lưỡi bò" phi pháp xuất hiện trong phim "Everest - Người tuyết bé nhỏ".

Bài viết này xin không đề cập đến phát ngôn của một trong những thành viên Hội đồng duyệt phim Quốc gia vốn đang dậy sóng trên mạng xã hội. Bởi vì chúng tôi tin rằng, hoặc là do quá bất cẩn, hoặc là thậm chí do những hạn chế trong kiến thức của các thành viên Hội đồng duyệt phim mà không phát hiện ra cái “đường lưỡi bò” phi pháp luôn được cài cắm tinh vi khi thì ở cái áo phông du lịch, khi ở cái mũ lưỡi trai, lúc thì ở cái đèn lồng đỏ… Chứ không ai biết mà lại làm ngơ trước một vấn đề nghiêm trọng như vậy. Chúng tôi cũng không muốn vào hùa với đám đông để cố tình nâng cao quan điểm lên án một chuyện đã rồi. Nhưng quả tình trong câu chuyện này, việc dư luận, nhất là trên mạng xã hội, đồng loạt bày tỏ thái độ phẫn nộ với các làm việc của Hội đồng duyệt phim Quốc gia, của các nhà quản lý điện ảnh và văn hóa, và nhất là về phát ngôn của một thành viên Hội đồng là hoàn toàn dễ hiểu. Có thể có những từ ngữ lên án quá đà hoặc thiếu văn hóa, nhưng quan điểm và thái độ của dư luận là hợp lý. Bởi vì chủ quyền Tổ quốc là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm, là luôn thường trực trong mỗi trái tim người Việt Nam yêu nước. Để lọt hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp trong một bộ phim chiếu ra rạp ở Việt Nam tới tận 10 ngày hỏi làm sao người Việt Nam không cảm thấy phẫn nộ.

Ngay vừa mới hôm qua, 15/10, trong cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa khẳng định: Những gì thuộc về độc lập, chủ quyền dân tộc thì ta không bao giờ nhân nhượng.

Nhưng chúng ta bảo vệ chủ quyền trên tinh thần đồng thời giữ môi trường hòa bình để phát triển. Bởi thế mà ý thức chủ quyền thường trực trong mỗi người dân là vô cùng quan trọng. Giáo sư Lê Văn Lan có lần kể với chúng tôi rằng ông giật mình khi nhìn thấy dân mình mất cảnh giác đến độ treo cả đèn lồng có chữ “tam sa”. Kể chuyện này ra để thấy sự tinh vi trong việc cài cắm “đường lưỡi bò” phi pháp. Những sự việc ấy chỉ càng cho thấy chúng ta phải nâng cao cảnh giác hơn, phải thường trực ý thức chủ quyền ở trong tim mỗi người.

Ngay cả với mỗi người dân bình thường đã vậy, những cơ quan có trách nhiệm về văn hóa, giáo dục càng không thể mất cảnh giác. Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đã có văn bản yêu cầu Cục Điện ảnh khẩn trương tổ chức kiểm điểm cá nhân, tập thể trong quá trình thẩm định và cấp phép phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ” có “đường lưỡi bò” phi pháp. Dư luận chờ đợi những cá nhân cụ thể phải chịu trách nhiệm về sự việc này, chờ đợi lời xin lỗi từ các nhà quản lý văn hóa.

Trở lại với câu chuyện cụ thể liên quan trực tiếp đến việc thẩm định và cấp phép phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ” là Hội đồng duyệt phim Quốc gia. Trước khi xuất hiện thông tin về việc để lọt một bộ phim có “đường lưỡi bò” phi pháp, dư luận cũng đang có nhiều ý kiến về thái độ của Hội đồng, của cơ quan cấp phép là Cục Điện ảnh đối với phim “Ròm” – bộ phim chưa được phép phổ biến nhưng lại gửi tham dự Liên hoan phim Quốc tế Pusan và đoạt giải. Người viết bài này chưa xem phim “Ròm” để có thể bình luận về quyết định chưa cấp phép phổ biến cho phim “Ròm” là có thỏa đáng hay không. Cũng như xưa nay việc tác phẩm văn học, điện ảnh được chào đón ở nước khác mà bị cấm lưu hành ở đất nước mà tác giả đang sống cũng là chuyện không hiếm. Nhưng việc “Ròm” không phải là trường hợp duy nhất gây bất bình trong cách duyệt phim hay “Everest - Người tuyết bé nhỏ” cũng không phải là lần duy nhất việc xuyên tạc chủ quyền đất nước bị lọt qua cửa kiểm duyệt (trước đó là phim “Điệp vụ biển đỏ”) lại khiến dư luận có quyền đặt câu hỏi về tính công tâm, khả năng thẩm định của Hội đồng duyệt phim và các nhà chức trách về điện ảnh, văn hóa.

Phải có những xử lý nghiêm minh trong trường hợp để lọt phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ” ra rạp. Bài học đau xót này phải trở thành bài học cảnh giác nhắc tất cả chúng ta không thể lơ là. Đồng thời cũng đã đến lúc xem lại cơ chế thẩm định, cấp phép các sản phẩm văn hóa. Làm thế nào để vừa thúc đẩy cho thị trường điện ảnh, ca nhạc, hội họa, sân khấu… phát triển, kích thích và cổ vũ cho sự sáng tạo của văn nghệ sĩ nước nhà, lại vừa không để lọt những sản phẩm vi phạm đến lợi ích quốc gia dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai để lọt 'đường lưỡi bò' phi pháp?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO