Ấm lòng trong đại dịch

Lê Anh Đức 22/03/2020 08:00

“Quân với dân như cá với nước” - đó không chỉ là khẩu hiệu mà thực sự là những gì đã diễn ra trong suốt thời gian qua.

Hình ảnh những người lính dầm mưa, dãi nắng để nhường chỗ nghỉ cho người cách ly phòng chống dịch Covid-19, chốt chặn các đường mòn lối mở ở biên giới để ngăn ngừa nguồn lây lan, khiến chúng ta rưng rưng xúc động. Không ngại ngần khó khăn gian khổ, các anh thật xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, là những người lính từ nhân dân mà ra, sẵn sàng vì nhân dân phục vụ.

Trên mạng xã hội những ngày qua có khá nhiều bài viết, lượt chia sẻ ca ngợi lực lượng quân đội đã hết sức tận tâm trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Làm sao có thể không ngợi ca khi các anh luôn là nòng cốt, tiên phong trong những cuộc chiến đấu cam go nhất, khốc liệt nhất, dù trong thời chiến hay thời bình. Nếu nghĩ rằng chỉ có trong thời chiến, bộ đội mới phải chịu đựng vất vả, hy sinh thì hết sức sai lầm. Thực tế, mỗi khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh... các anh luôn là những người xông pha lên tuyến đầu.

Ngay từ khi Thủ tướng Chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp, yêu cầu hạn chế nhập cảnh người nước ngoài qua các cửa khẩu phía Bắc, đóng chặt các đường mòn, lối mở để hạn chế nguồn lây lan dịch Covid-19, nhiều chiến sĩ Biên phòng đã phải ngủ rừng, dầm sương hứng gió để ngăn ngừa triệt để những người nhập cảnh trái phép. Những tấm ảnh chụp các anh dồn nhau ngủ trong những chiếc lều vải không khỏi khiến chúng ta xót xa. Tất nhiên, những hình ảnh đẹp ấy đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội với những lời động viên, chia sẻ, cảm thông của nhiều người dân dành cho các anh.

Không phải chỉ có lực lượng Bộ đội Biên phòng phải ăn lán ngủ rừng, chịu đựng hy sinh vất vả. Ngay tại các thành phố lớn, các đô thị phồn hoa, các anh bộ đội cũng đang phải căng mình ra chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người Việt Nam từ nước ngoài đang đổ về tránh dịch Covid-19, lấy đâu ra chỗ để cách ly, lo nơi ăn chốn ở cho họ? Đương nhiên chủ yếu sẽ là các doanh trại bộ đội, các đơn vị, trường học... thuộc Bộ Quốc phòng. Và ai sẽ là người phục vụ từng bữa ăn giấc ngủ hàng ngày cho những người cách ly? Vẫn là các anh, những người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Có nhiều cán bộ, chiến sĩ dù ở gần nhà nhưng đến hơn nửa tháng, thậm chí hàng tháng không được về thăm gia đình. Phần vì đảm bảo không mang virus về làm lây lan cho người thân và cộng đồng xã hội, song nguyên nhân chính vẫn là tinh thần hết lòng vì nhân dân phục vụ. Thử đặt vấn đề rằng các anh có nhớ nhà không? Nhớ chứ! Nhưng với các anh nhiệm vụ là trên hết, việc đảm bảo sức khỏe, tính mạng người dân là ưu tiên được đặt lên hàng đầu. Hỏi các anh có sợ bị lây nhiễm Covid-19 không? Sợ chứ! Cũng là con người bằng da bằng thịt có ai lại không sợ, nhưng các anh chấp nhận để người dân được yên vui.

Noi gương các anh, nhiều người dân cũng mong muốn được góp phần nhỏ bé của bản thân để chung vai gánh vác nỗi gian lao vất vả phòng chống Covid-19. Cả xã hội thấu hiểu nỗi khó khăn, cực nhọc của những người lính nên luôn dành những tình cảm thân thương, trìu mến nhất cho các anh. Cán bộ chiến sĩ quân đội hãy luôn nhớ rằng, khi anh anh xông pha nơi tuyến đầu, thì phía sau là cả một hậu phương bao la làm điểm tựa cho các anh, sẵn sàng san sẻ gánh nặng, chung vai sát cánh cùng các anh đánh bại mọi kẻ thù, dù đó là ngoại xâm, thiên tai hay dịch bệnh. Tình quân dân sẽ luôn ấm áp, bền chặt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấm lòng trong đại dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO