Băn khoăn bảo hiểm hưu trí bổ sung

Lê Bảo 06/11/2015 10:09

Được kì vọng sẽ mở ra khung pháp lý giúp người lao động có mức lương hưu cao hơn, bảo đảm cuộc sống khi về già. Tuy nhiên tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật bảo hiểm xã hội (BHXH) về bảo hiểm hưu trí bổ sung do Bộ LĐTB&XH tổ chức sáng ngày 5/11 vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của chính sách này.

Băn khoăn bảo hiểm hưu trí bổ sung

Việc triển khai quỹ hưu trí bổ sung liệu có khả thi?

Đảm bảo tốt hơn quyền lợi người lao động

Theo bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTB&XH) tính đến hết tháng 06 năm 2015, trên cả nước có khoảng 2,15 triệu người hưởng lương hưu hàng tháng với mức lương hưu bình quân là 3,9 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, có khoảng trên 790 nghìn người nghỉ hưu trước năm 1995 hưởng lương hưu từ ngân sách nhà nước và gần 1,36 triệu người nghỉ hưu từ năm 1995 trở đi, hưởng lương hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó hiện Luật BHXH hiện hành quy định tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ tối đa là bằng 20 lần mức lương cơ sở. Như vậy, trường hợp NLĐ có lương cao hơn thì giới hạn trần đóng BHXH là chưa thuận lợi nếu NLĐ có nhu cầu được hưởng lương hưu cao hơn khi về già, tương ứng với mức lương khi họ còn đi làm.

Trên thực tế tại Việt Nam, một số doanh nghiệp như: Unilever Việt Nam, Dutch Lady Việt Nam, Nestle Việt Nam...đã áp dụng hình thức đãi ngộ này thông qua việc trích lập một quỹ hưu trí bổ sung từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp để chi trả lương hưu bổ sung cho NLĐ khi họ hết tuổi lao động.

Hơn nữa theo báo cáo, Việt Nam nằm trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất khu vực, số người hưởng ngày càng tăng lên trong khi số người đóng ngày càng giảm, khiến Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ thâm hụt và mất cân đối trong tương lai gần. Mặt khác, hiện mức đóng chưa tương ứng với mức hưởng. Từ năm 2014 trở đi, tỷ lệ đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là 22%, trong khi tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH. Do đó một trong những giải pháp được bàn đến là nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình đồng thời phát triển quỹ hưu trí bổ sung.

Xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn cũng như nhu cầu của NLĐ và NSDLĐ bà Nga cho rằng, Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách BHXH mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc, bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, Nhà nước khuyến khích NLĐ và NSDLĐ tham gia thông qua các ưu đãi trong chính sách thuế. Cơ chế tạo lập quỹ là từ sự đóng góp của NLĐ và NSDLĐ. “NSDLĐ đóng thấp hơn hoặc bằng 22% của 20 lần mức lương cơ sở. Các khoản đóng của DN và NLĐ được miễn thuế thu nhập”- bà Nga nói.

Có nên áp dụng với đối tượng hưởng ngân sách?

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Luật BHXH thì: Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách BHXH mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. Như vậy, đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung là những người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia BHXH bắt buộc.

Đề cập tới vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, với mức thu nhập và mức đóng như hiện nay nhiều công chức nhà nước về hưu có nguy cơ rơi vào hộ nghèo. Do đó cần mở rộng tham gia quỹ hưu trí bổ sung đối với những đối tượng này.

Trước đề xuất này bà Trần Thị Thúy Nga thẳng thắn cho rằng, nếu bổ sung nhóm đối tượng này vào thì chỉ “là bánh vẽ” sẽ rất khó khả thi. Lý do theo bà Nga, đã 3 năm công chức không được tăng lương và đây cũng đang là vấn đề rất nặng đối với ngân sách nhà nước. “Việc tăng lương hiện đang là áp lực rất lớn, nếu mở rộng thêm đối tượng này tham gia quỹ Bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ là gánh nặng rất lớn. Hiện tại chỉ nên áp dụng với các đối tượng thuộc doanh nghiệp, nếu sau này tình hình ngân sách ổn định, chúng ta sẽ bổ sung sau cũng không muộn”-Bà Nga nói.

Thực tế trong quá trình đưa ra lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH về bảo hiểm hưu trí bổ sung có ý kiến cho rằng, đối với NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc thuộc khu vực hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang là những đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước nên không áp dụng chính sách này. Việc thực hiện chính sách đối với NLĐ (nếu có) sẽ được quy định riêng. Mặt khác, cần cân nhắc việc có hay không quy định đối với NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc được tự tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung trong trường hợp người sử dụng lao động không tham gia vào loại hình này.

Theo Bộ LĐTB&XH, do đây là một chính sách mới nên cần có lộ trình và bước đi thích hợp, trước mắt chỉ áp dụng đối với NLĐ và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và NLĐ tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung phải thông qua người sử dụng lao động (người SDLĐ đóng một phần hoặc toàn bộ) để thể hiện trách nhiệm của người sử dụng lao động cũng như sự gắn kết trong quan hệ lao động, khuyến khích NLĐ làm việc lâu dài cho người sử dụng lao động.

Với quỹ hưu trí bổ sung này sẽ giúp giảm gánh nặng cho nhà nước, NLĐ thì có thể lựa chọn đóng BHXH hưu trí vào các quỹ đầu tư khác nhau để tạo ra các vốn sinh lời khác nhau, nhằm đảm bảo chế độ an sinh tốt nhất khi về già. Tuy nhiên, theo BHXH Việt Nam, tính đến tháng 9/2015 số tiền nợ đọng BHXH đã lên tới hơn 11 nghìn tỷ đồng. Do đó, việc kêu gọi doanh nghiệp tự nguyện tham gia Quỹ Hưu trí bổ sung trong bối cảnh hiện nay là không đơn giản, nếu không muốn nói là khó khả thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Băn khoăn bảo hiểm hưu trí bổ sung

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO