Bỏ quên văn hóa

Dương Thanh Tùng 25/06/2015 14:44

Chúng ta tự hào vì đã làm tốt công việc xây dựng kết cấu hạ tầng nhưng với văn hóa thì ít được khen. Đây là đánh giá của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ tại một kỳ họp HĐND TP. Ý kiến của ông Trần Thọ cho thấy trong hàng chục năm qua, việc đầu tư cho văn hóa nói chung và các công trình văn hóa nói riêng ở Đà Nẵng còn mờ nhạt so với đầu tư phát triển hạ tầng đô thị. Đà Nẵng có hơn 1 triệu dân nhưng chỉ có 2 nhà hát là Nhà hát Trưng Vương và Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Một công trình xây dựng chiếm dụng mặt nước được các chuyên gia cảnh báo
có thể sẽ tạo nên tiền lệ xấu đối với dòng sông Hàn của Đà Nẵng

Đà Nẵng cũng có Trung tâm Văn hóa là nơi điều phối, tổ chức các hoạt động văn hóa nhưng lại đang trong cảnh nay ở chỗ này, mai dời chỗ khác vì từ trước năm 2008, toàn bộ diện tích đất hàng chục ngàn m2 với 3 mặt tiền ở số 84 đường Hùng Vương, cạnh Nhà hát Trưng Vương (là trụ sở của Trung tâm) đã bị bán cho một doanh nghiệp và bỏ hoang từ năm 2008 đến nay. Đứng từ tiền sảnh Nhà hát Trưng Vương nhìn ra các hướng đều gặp đất bỏ hoang. Bên trái nhà hát là hàng chục ngàn m2 đất (đối diện khu đất nguyên là trụ sở Trung tâm Văn hóa) cũng bị quây rào che chắn và bỏ hoang. Bên phải nhà hát, hàng chục ngàn m2 đất trên trục đường Hùng Vương, Lê Lợi cũng bị bỏ hoang cho cỏ mọc trong nỗi niềm xót xa của bất cứ ai có tấm lòng với văn hóa, với sự đẹp đẽ cần có của một đô thị được xem là đáng sống.

Năm 2015 được Đà Nẵng chọn chủ đề là “Năm văn hóa, văn minh đô thị”. Văn minh đô thị có gốc rễ từ văn hóa. Quy hoạch đô thị nếu không có văn hóa làm nền tảng sẽ cho ra đời những công trình thô thiển vốn đang hiện hữu rất nhiều ở Đà Nẵng. Không chỉ khách phương xa mà ngay cả người dân Đà Nẵng mỗi khi đi hết đường Phạm Văn Đồng, rẽ vào đường Võ Nguyên Giáp đều có cảm giác bức bối bởi dãy nhà hàng hải sản chặn đứng tầm nhìn ra biển. Dãy nhà hàng, dù được xây kiên cố nhưng vẫn luộm thuộm, nhếch nhác ở nơi được bình chọn là 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Tương tự, bờ sông Hàn phía Nam cầu Trần Thị Lý dọc tuyến đường 2 – 9 cũng bị dãy nhà hàng tiệc cưới dài hơn 1 cây số che khuất cảnh quan. Nhìn tổng thể, dãy nhà hàng tiệc cưới dù được sơn phết, trang trí màu mè vẫn làm xấu đi đoạn sông Hàn trong veo, thơ mộng mà lẽ ra cần phải được xây dựng thành công viên vườn tượng, có ghế đá cây xanh. Rõ nét nhất của quy hoạch thiếu căn cơ về văn hóa là hàng chục cây số bờ biển Sơn Trà – Điện Ngọc (trục đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa) được bán cho nhà đầu tư để họ xây tường, dựng rào chặn tầm nhìn ra biển và cả việc cho nhà đầu tư lấp hàng trăm ha mặt biển Thanh Bình (đường Nguyễn Tất Thành) rồi bỏ hoang. Tại nhiều cuộc hội thảo khoa học, các chuyên gia kiến trúc – quy hoạch đã lên tiếng về vấn đề này nhưng không hiểu vô tình hay cố ý, yếu tố văn hóa trong quy hoạch, xây dựng vẫn bị khỏa lấp, nhường chỗ cho các dự án xâm hại, cưỡng bức thô bạo những gì mà thiên nhiên ban tặng cho Đà Nẵng. Năm 2014, dư luận từng lên tiếng phản đối Dự án Tháp hải đăng trên sông Hàn thì vào thời điểm này, ngay tại khu vực dự kiến xây ngọn tháp cao 17 tầng, nhà đầu tư đang sắp hoàn thiện công trình mang dáng dấp một con tàu quay mũi vào đất liền. Công trình xây trên mặt nước, đã khiến các chuyên gia lo ngại về một tiền lệ xấu trong tương lai đối với dòng sông Hàn. Lấp biển hay xây nhà trên sông, can thiệp thô bạo đến tự nhiên, thay đổi nguyên trạng cảnh quan không chỉ bị lên án, phê phán gay gắt ở nhiều quốc gia mà còn bị quy kết là hành vi phản văn hóa.

Đà Nẵng nhiều công trình xâm hại cảnh quan thiên nhiên nhưng lại thiếu hẳn công trình phúc lợi như công viên phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Từ năm 1975 đến nay, người Đà Nẵng cũng chỉ có công viên 29 – 3 để vui chơi, thư giãn nhưng do không được đầu tư đúng mức nên đơn điệu, nhàm chán. Không những thế, hàng ngàn m2 đất mặt tiền công viên còn bị cắt bán cho doanh nghiệp rồi bị bỏ hoang cho đến khi Bí thư Thành ủy Trần Thọ có chỉ đạo thu hồi vào giữa năm nay.

Có thể nói rằng Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ là người tâm huyết, tha thiết với văn hóa để Đà Nẵng hoàn thiện hơn, đẹp hơn và đáng sống hơn. Ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đà Nẵng, ông Thọ từng trăn trở: “Đà Nẵng chưa thực sự giàu, chưa có nhiều hơn nữa nhà cao tầng lộng lẫy nhưng chúng ta cần tạo dựng một thành phố tốt đẹp”. Ông Thọ thừa nhận “văn hóa Đà Nẵng chưa có ai khen”. Văn hóa của Đà Nẵng được ông Trần Thọ cụ thể hóa, chính là các công trình văn hóa cũng như điều kiện thưởng thức văn hóa của người dân Đà Nẵng. Hàng chục năm qua, mức đầu tư cho văn hóa của Đà Nẵng còn rất thấp. Có lãnh đạo trong lĩnh vực này khẳng định, nhiều năm trời, trong số hàng loạt công trình trọng điểm của Đà Nẵng, không có công trình nào là công trình văn hóa. Nhìn nhận thực tế thì Đà Nẵng vẫn có công trình trọng điểm về văn hóa, tiêu biểu là Nhà hát Trưng Vương, được khởi công xây dựng năm 2004, khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2006 với vốn đầu tư 36 tỷ đồng từ ngân sách. Một số người tâm huyết với văn hóa có lý do để không coi Nhà hát Trưng Vương là công trình văn hóa bởi theo họ nhà hát ở bất kỳ thành phố nào đều được mặc định là công trình kiến trúc – nghệ thuật, trong khi Nhà hát Trưng Vương chỉ là công trình xây dựng thuần túy mang phong cách hiện đại. Lý do thứ 2 được đưa ra là từ khi khánh thành đến nay, Nhà hát Trưng Vương không phải là địa chỉ thu hút quảng đại người dân Đà Nẵng đến thưởng thức các chương trình nghệ thuật. Nhà hát có sức chứa 1.200 khán giả này mỗi tháng chỉ có vài buổi biểu diễn nghệ thuật. Một lãnh đạo ngành văn hóa cũng thừa nhận, có năm như năm 2014 cũng chỉ có tổng cộng trên dưới 70 chương trình biểu diễn do đoàn ca múa nhạc của nhà hát thực hiện, còn lại là các buổi cho thuê để tổ chức sự kiện…

Dẫu muộn màng nhưng trong năm 2015 này, Đà Nẵng cũng triển khai xây dựng, nâng cấp hàng loạt công trình văn hóa tiêu biểu như Bảo tàng Mỹ thuật, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Thư viện khoa học tổng hợp, Nhà văn hóa thiếu nhi…Những công trình này cùng với xây dựng thiết chế văn hóa hiệu quả, sẽ tạo nên sức bật về văn hóa của Đà Nẵng sau rất nhiều năm bị bỏ quên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bỏ quên văn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO