Bức xúc giá nước

Nguyên Khánh 14/11/2019 07:10

Những ngày này, vụ việc được nhiều người dân Hà Nội bàn tán chính là giá nước sạch sinh hoạt. Nổi lên là việc vì sao cùng khai thác nước mặt nhưng giá nước của Nhà máy nước sạch sông Đuống lại cao gấp đôi sông Đà. Lý giải của chính quyền thành phố cũng như doanh nghiệp chưa hẳn người dân đã thông khi mà giá nước của Nhà máy nước sạch sông Đuống cao ngất ngưởng (10.246 đồng, trong khi giá nước người dân phải trả hiện nay là gần 6.000đ/m3).

Bức xúc giá nước

Người dân Hà Nội tranh xếp hàng lấy nước sạch trong vụ việc đổ trộm dầu thải ở đầu nguồn Nhà máy nước sông Đà.

Trước việc vì sao giá nước sông Đuống cao hơn nước sông Đà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà giải thích, về nguyên tắc tính giá nước của các đơn vị đều giống nhau theo quy định. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác nhau giữa các nhà máy dẫn đến suất đầu tư khác nhau. Cụ thể, Nhà máy nước mặt sông Đà đi vào hoạt động năm 2009, có nguyên giá tài sản là 1.555 tỷ đồng, còn giá đầu tư của sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn nước đầu vào của sông Đuống khác sông Đà, sông Đuống phải xử lý bùn thải nhiều hơn, chi phí lớn hơn. Ngoài ra, tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng khoảng 3.998 tỷ đồng. Theo đó, phí lãi vay tính vào giá nước khoảng 20%, tức là khoảng 2.003 đồng mỗi m3 nước…

Trong khi đó, bà Đỗ Thị Kim Liên- chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống cho hay: Nếu so sánh với Nhà máy nước sông Đà thì rất khập khiễng vì dự án sông Đà đã đi vào khai thác được hơn 10 năm, tổng mức đầu tư thấp hơn và đã khai thác được hơn 10 năm, khấu hao đã hết. “Dự án của chúng tôi là mới, công nghệ châu Âu, các quy trình được khép kín toàn bộ bằng rô-bốt, tự ngắt, tự xúc xả khi có sự cố, không cần phải có bàn tay của con người. Ví dụ có ai đó đổ dầu tại sông Đuống, không bao giờ có mùi dầu ra được bên ngoài. Còn về công nghệ, phải lọc nước chuẩn thì mới có được nước thực sự sạch. Tôi cam kết và đảm bảo nước uống được tại vòi, đạt tiêu chuẩn của châu Âu, sạch hơn cả nước suối đóng chai. Thực tế hiện nay chúng tôi đang bán buôn, đâu bán trực tiếp cho người dân. Chúng tôi bán 10.000 đồng cho công ty nước thì công ty nước bán lại cho dân, bán bao nhiêu đó là chuyện của đơn vị bán lẻ”- Chủ tịch HĐQT Nhà máy nước sạch sông Đuống nói.

Về giá cấu thành một mặt hàng đành rằng có chuyện suất đầu tư khác nhau thì sản phẩm có giá khác nhau và có chuyện chất lượng nước sông Đà khác sông Đuống khiến đơn vị này phải tốn kém nhiều tiền hơn để xử lý nguồn nước. Còn các lý do khác như lãi vay ngân hàng, khấu hao, đầu tư đường ống, công nghệ hiện đại hơn, lớn hơn mà đội giá thành lên là điều không thuyết phục.

Thứ nhất, về khấu hao, tất nhiên dự án của nhà máy nước sạch sông Đà vận hành lâu rồi chi phí thấp hơn nhưng người ta cũng từng trải qua giai đoạn bắt đầu đầu tư. Chả lẽ anh mới mở tiệm phở thì vì chưa khấu hao, nhà mới... nên bán giá gấp rưỡi, gấp đôi người đã mở 20 năm được sao? Và liệu với mặt hàng nước thì người dân có thể từ chối tạm thời nhịn nước để mua của đơn vị khác giống như sang một hàng phở khác ăn với giá phải chăng hay không?

Hay như công nghệ đầu tư hiện đại, công suất lớn hơn thì tốn hơn cũng không hợp lý, hợp tình, GS.TSKH Trần Hữu Uyển- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường Việt Nam cho rằng, lý giải của Nhà máy nước Sông Đuống là không hợp lý, bởi lẽ tuyến ống nước thì dự án nào cũng phải dùng, cái chính là chủ đầu tư phải tính toán để đưa ra mức giá bán nước hợp lý. Về công nghệ, bất kỳ công nghệ nào thì khi sản xuất nước xong đều phải đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Trong xây dựng nhà máy nước, công suất nhỏ thì giá lại đắt hơn công suất lớn, vì thế công suất càng lớn giá thành càng rẻ. Do đó, chủ đầu tư nào cũng muốn xây dựng nhà máy nước to.

Tất nhiên, giá hơn 10.000/m2 nước của Nhà máy nước sạch sông Đuống mới chỉ là tạm tính, bởi doanh nghiệp này chưa quyết toán. Và tất nhiên, tới thời điểm này Hà Nội cũng chưa xuất một đồng nào ra để bù cho doanh nghiệp này. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là giá kia là giá tạm tính thì cũng phải tính đúng tính đủ các khoản chi phí rồi. Như vậy, có nghĩa giá này đã là tương đối sát với thực tế. Đó là lý do vì sao Chủ tịch HĐQT của Công ty nước sạch Hà Nội lại khẳng định “chúng tôi bán giá hơn 10.000 đồng là giá bán buôn, còn giá sau này bao nhiêu là chuyện của đơn vị bán lẻ”. Điều này có nghĩa hoặc là giá bán tới tay người dân sẽ cao hơn, hoặc Nhà nước phải trợ giá. Mà khoản tiền trợ giá này lấy từ ngân sách thì cũng là tiền thuế của dân chứ còn ở đâu ra.

Để tránh chuyện người dân bức xúc về giá nước, nhiều ý kiến đề nghị rằng, cung ứng điện nước không nên giao hoàn toàn cho tư nhân. Nếu có giao thì chỉ giao ở mức độ nào đó và phải giám sát chặt chẽ. Bởi vì đây là sự an toàn vệ sinh và sức khỏe của hàng triệu người. Và nếu các mặt hàng thiết yếu này giao cho tư nhân thì phải xét xem có đấu thầu công khai không? Hay bán giá bao nhiêu thì người dân phải chịu bấy nhiêu? Điện nước nếu làm theo thị trường thì phải có đấu thầu, có cho tư nhân tham gia vào để có giá và chất lượng lợi nhất cho người dân. Tránh chuyện Công ty nước sạch sông Đà vừa qua, vui thì bán, buồn "dỗi" cúp nước thì người dân chỉ có khóc!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bức xúc giá nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO