Cái máy không có lỗi

Hương Lê 24/07/2018 09:00

Ngày hôm qua (23/7), những sai phạm liên quan đến điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 tại Sơn La đã chính thức được công bố. Như vậy, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, những vụ việc gian dối điểm thi liên tiếp bị phát hiện tại Hà Giang, Sơn La. Đây là một tin không vui, nếu như không muốn nói là rất sốc, bởi những người vi phạm quy chế thi, tiếp tay cho sai phạm chính là những cán bộ chủ chốt, tham gia trong ban chấm thi của các Sở GD-ĐT.

Những sai phạm liên tiếp bị phanh phui, cùng việc tổ chức chấm thẩm định bài thi tốt nghiệp THPT ở một số địa phương đang minh chứng rằng: Nhận định về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018 diễn ra “an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế” của Bộ GD- ĐT,… thực chất là những nhận định rất hình thức, chủ quan nặng về thành tích.

Điểm chung dễ nhận thấy là những sai phạm tại hai địa phương vừa được phát hiện đều liên quan tới hình thức chấm thi trắc nghiệm. Trước khi tổ chức kỳ thi chung “2 trong 1”, hình thức chấm thi trắc nghiệm đã từng được Bộ GD- ĐT áp dụng trong tuyển sinh ĐH từ năm 2006. Ban đầu chỉ là với môn Ngoại ngữ, sau đó từ năm 2008 đã áp dụng thi trắc nghiệm với tất cả các môn, trừ Ngữ văn. Thi trắc nghiệm được đánh giá là một hình thức rất tiến bộ. Lợi thế lớn nhất của thi trắc nghiệm là tính chính xác và chi phí thấp. Nếu như thi tự luận thì luôn có vấn đề về sai sót và nhầm lẫn nhưng thi trắc nghiệm thì máy chấm với chi phí rất thấp, và gần như không có khái niệm phúc tra điểm. Khả năng gian lận trong quá trình chấm bài trắc nghiệm cũng rất thấp. Hơn thế, làm một bài toán kinh tế ở mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu hình thức tự luận chi phí chấm 1 bài ở mức vài chục ngàn đồng, nhân lên với gần 1 triệu thí sinh thì tổng chi phí chấm bài đã ở mức vài chục tỷ đồng cho mỗi môn thi. Cùng đó, thí sinh cũng không phải mất 1-2 tuần chờ đợi mà có thể biết kết quả ngay lập tức, nếu hệ thống được chuẩn bị tốt.

Qua những chiêu trò chấm thi trắc nghiệm vừa bị lật tẩy tại hai địa phương nêu trên, cùng như nghi vấn điểm thi cao bất thường ở những địa phương khác, có thể khẳng định cái máy trắc nghiệm dù có lợi thế, dù có tiến bộ đến mấy; quy chế thi cử dù có nghiêm ngặt đến mấy cũng không thể lại được với những toan tính của con người.

Sau sự cố bị phát hiện ở Hà Giang, những lỗ hổng trong chấm thi trắc nghiệm đã được các chuyên gia chỉ rõ (bài chấm thi trắc nghiệm không hề rọc phách). Nhưng điều đáng buồn là những bất cập ấy đã từng được cảnh báo từ cách đây hơn chục năm trước (từ năm 2007), khi áp dụng thi trắc nghiệm cho hình thức thi “3 chung”. Nhưng từ bấy cho đến nay những bất cập này đã không được quan tâm, những lỗ hổng ấy đã không được lãnh đạo ngành tìm cách để “trám lại”.

Chính vì thế cho đến khi kỳ thi “2 trong 1” được tổ chức ở địa phương, do tâm lý thích thành tích tỉnh nhà, tâm lý mong muốn cho con em vào đại học bằng mọi giá… đã khiến hình thức chấm thi trắc nghiệm trở thành công cụ cho việc gian đối điểm thi. Thống kê cũng cho thấy, trong 13 năm áp dụng hình thức thi “3 chung”, Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD- ĐT) thường xuyên xếp hạng, vẽ bản đồ xếp hạng các địa phương theo mức điểm trung bình 3 môn thi đại học. Theo đó, nhóm xếp hạng rất ít thay đổi, tốp 10 chủ yếu là các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ. Đứng vị trí hàng đầu thường xuyên là Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Phúc và TP Hồ Chí Minh. Nhưng từ ngày tổ chức thi “2 trong 1” (năm 2015) thứ hạng sắp xếp của các tỉnh bị xáo trộn. Có những tỉnh nhiều năm xếp ở phía cuối, nay nhảy lên sánh vai với top 10…Từ thống kê ấy, các chuyên gia tin học đã cảnh báo: Không nên tin tưởng tuyệt đối vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức tại địa phương để làm kết quả xét vào đại học.

Hiện dư luận cũng đang băn khoăn về việc tổ chức kỳ thi chung “2 trong 1”, vừa lấy kết quả công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH, CĐ. Bởi trước thời điểm năm 2015 – khi kỳ thi “2 trong 1” chính thức được áp dụng, Bộ GD-ĐT cũng đã từng tổ chức thi tốt nghiệp THPT lần 1 và thi tốt nghiệp THPT lần 2. Khi đó dư luận đã cho rằng, đó là cách tạo điều kiện “đỗ vớt” cho những học sinh học lực kém có cơ hội vào các trường CĐ và trung cấp. Bởi khi kết quả thi tốt nghiệp THPT lần 2 được công bố thì việc tuyển sinh của các trường ĐH cũng đã xong xuôi. Như vậy, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 vẫn là hình thức…

Rồi cách đây chừng 2 tháng, Bộ GD- ĐT cũng đã thu hồi lại Đề án Đổi mới thi cử với dự toán chi phí chừng gần 750 tỉ đồng. Việc Bộ GD- ĐT vội vã thu hồi Đề án làm dấy lên nhiều nghi ngờ về cách đổi mới giáo dục. Theo Đề án đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy chỉ trong 3 năm 2018-2020, thì số tiền nói trên thực là chi phí khổng lồ. Cụ thể, năm 2018, dự toán kinh phí cho riêng việc tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH là 151 tỷ đồng. Trong đó, riêng việc tổ chức thi là 34 tỷ đồng, ra đề thi 31 tỷ đồng; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ đề thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 là 84,7 tỷ đồng…

Các chuyên gia về quản lý giáo dục cho rằng việc “vẽ” ra số tiền rất lớn như vậy là thiếu cơ sở tính toán hợp lý. Trong khi thực tế tổ chức thi “2 trong 1”, có những trường vẫn phải tổ chức thêm các kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Điều này chứng tỏ kết quả kỳ thi THPT quốc gia chưa phù hợp một số trường.

Chính vì thế, Bộ GD- ĐT cần sớm xem xét lại một cách nghiêm túc hiệu quả của kỳ thi “2 trong 1”. Nhất là trong thời điểm hiện nay, khi chúng ta chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cho dù Bộ GD- ĐT khẳng định quá trình rà soát điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 không ảnh hưởng đến việc xét tuyển ĐH. Dẫu thế, những vụ việc gian lận điểm thi ở địa phương này, địa phương kia bị đưa ra công luận khiến người dân cảm thấy bất an, lo lắng cho sự công bằng với thí sinh, rồi nhìn rộng ra là sự công bằng trong xã hội – khi nó bắt đầu không chuẩn chỉ từ trong môi trường giáo dục.

Có những ý kiến cho rằng để hạn chế tiêu cực, có lẽ nên bỏ thi trắc nghiệm trở về với thi tự luận. Nhưng như thế, thật là không công bằng với cái máy chấm thi. Bởi dù hiện đại đến mấy, việc chấm thi trắc nghiệm vẫn được thao tác và can thiệp bởi con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cái máy không có lỗi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO