Cân nhắc tính hiệu quả

Minh Phương 25/11/2019 07:30

Đề xuất xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang nhận được nhiều ý kiến từ dư luận. Cụ thể, trong cuộc làm việc với các tỉnh Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương và Yên Bái mới đây về phương án quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn (1.435 mm) Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đại diện lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh, đây là tuyến đường chiến lược, được ưu tiên đầu tư xây dựng để tạo bước phát triển kinh tế - xã hội đột phá trong khu vực.

Cân nhắc tính hiệu quả

Đất đá sau mưa lũ từng làm gián đoạn tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai 4 ngày trong tháng 10/2017.

Theo quy hoạch do đơn vị tư vấn là Công ty hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số 5 đường sắt Trung Quốc lập, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ tiêu chuẩn dài 392 km, trong đó đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu -Trung Quốc với Lào Cai dài 5,6 km; diện tích đất sử dụng trên 1.650 ha. Trên tuyến có 73 cầu lớn với tổng chiều dài hơn 130 km, trong đó phải xây mới 96 cầu; 25 hầm dài 25km; 38 nhà ga - xây mới 29.Tuyến đường này sẽ đi qua 8 tỉnh, TP: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Theo ước tính của đơn vị tư vấn, tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) khoảng 100.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập mạnh mẽ, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là yếu tố cần thiết và quan trọng để thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo phản ảnh của nhiều doanh nghiệp, chi phí vận tải hiện nay chiếm một phần không nhỏ trong chi tiêu tài chính, do đó kéo giảm sức cạnh tranh. Tuy nhiên, đầu tư thế nào, đổ tiền vào đâu cho hợp lý là vấn đề nhà quản lý cần phải hết sức cân nhắc. 100.000 tỷ đồng không phải là con số nhỏ, và cho dù là nguồn vốn này được lấy từ đâu.

Đồng ý rằng, việc khai thác tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực miền Bắc, và theo như nhận định của Bộ GTVT, đây sẽ là con đường chiến lược, khi hoàn thành sẽ tạo những bước đột phá cho nền kinh tế khu vực. Trong tất cả các phương thức vận tải hiện nay, đường sắt là hình thức vận tải mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cả do chở được số lượng lớn hàng hóa, chi phí cũng tiết kiệm hơn và độ an toàn cũng cao hơn. Do đó, phát triển ngành đường sắt vẫn là xu hướng lựa chọn của các nước trong vấn đề vận tải, chuyên chở hàng hóa. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế của chúng ta hiện nay còn nhiều khó khăn, đặc biệt vẫn còn nhiều tuyến đường cần phải nâng cấp, sửa chữa và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thì việc xây dựng thêm một tuyến đường sắt nữa là điều cần nhắc kỹ lưỡng. Bởi hiện nay chúng ta cũng đang có 2 tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai và Hà Nội - Hải Phòng. 2 tuyến đường sắt này cũng đi qua hầu hết các tỉnh nằm trong danh sách mà tuyến đường sắt dự kiến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ đi qua. Do đó, việc xây dựng thêm một tuyến đường sắt với chi phí rất lớn có thực sự cần thiết hay không?

Tuy nhiên, trong xu thế phát triển, việc Bộ GTVT dự định đầu tư thêm một tuyến đường sắt cũng có thể coi là một mục tiêu để đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh. Song, với số vốn 100.000 tỷ đồng thì cần phải đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu, tránh tình trạng lãng phí, xây dựng dở chừng lại đội vốn hoặc xây dựng xong nhưng không thể đi vào hoạt động, như thực tế đã cho thấy.

Bên cạnh đó, nhìn vào tuyến đường sắt quốc gia mà chúng ta đang sở hữu hiện nay, có một thực tế là việc kết nối với cảng biển rất kém và chưa tương xứng theo quy mô phát triển tại các cảng lớn. Thậm chí, ở một số cảng, đường sắt còn bị dỡ bỏ... Sự phân bố mạng lưới đường sắt hiện tại cho thấy, hai khu vực chiến lược quan trọng là đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên hiện vẫn đang bị “bỏ ngỏ” về đường sắt. Trong khi những nơi cần thì chưa có, những nơi đã có thì lại tiếp tục xây, như vậy liệu có thực sự hợp lý?

Vì thế, cũng dễ hiểu là phần lớn các ý kiến cho rằng, xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ở thời điểm hiện nay là chưa cần thiết, và nên đầu tư làm đường sắt ở những vùng kinh tế trọng điểm khác. Về lâu dài, việc xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cũng có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế. Song, xây dựng ở thời điểm nào và làm sao đảm bảo tính hiệu quả, phát huy tối đa những lợi thế của một tuyến đường chiến lược đối với nền kinh tế… thì rất cần phải cân nhắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cân nhắc tính hiệu quả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO