Cảnh báo hạ tầng

Nam Việt 03/04/2017 08:35

Chiều 1/4, chỉ một trận mưa trái mùa trút xuống nhưng nhiều khu vực, nhiều tuyến đường TP.HCM đã bị ngập nặng, khiến giao thông khó khăn, sinh hoạt của người dân lập tức bị xáo trộn. Đáng buồn vì điều đó không còn là sự bất thường, mà đã được coi là chuyện bình thường vì hễ mưa là ngập. Trận mưa ấy thực sự là một cảnh báo cho hạ tầng các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM khi bước vào mùa mưa năm nay.

Nước ngập yên xe máy trên đường Tô Ngọc Vân (Q. Thủ Đức, TP HCM). (Ảnh: A.X).

Trận mưa chiều 1/4 tại TP HCM được mô tả tuy không thật lớn nhưng đã gây ngập hàng loạt con đường. Nhiều nơi như Q. Thủ Đức, các Q.2, 9, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp nhiều nơi bị ngập. Nhiều nơi nước ùn ứ nhanh chóng, dâng cao tới 1 mét, ngập cả xe máy. Các tuyến đường Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân, Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội, Lê Văn Việt... nước lai láng. Nhất là ở đường Tô Ngọc Vân (Q. Thủ Đức), do độ dốc khá lớn, nước chảy mạnh quá, lật đổ, cuốn đi cả xe máy. Giao thông tê liệt.

Tới nay, việc khó khăn khi mưa trút xuống ở TP HCM cũng như Hà Nội đã được coi như một căn bệnh kinh niên. Năm nào cũng vậy, khi mùa mưa tới là người ta lại lo ngập úng, không chỉ ngập úng cục bộ theo kiểu “điểm đen”, mà còn là ngập úng trên diện rộng. Và, vào cữ đó, năm nào cũng vậy, chính quyền, ngành giao thông công chính cũng phát đi những thông báo về úng ngập, xử lý úng ngập. Những con số được cơ quan chức năng đưa ra bên cạnh cảnh báo thì cũng cho biết đã áp dụng những biện pháp gì đã tháo nước, thông đường; cùng đó là bao nhiêu điểm đen ngập úng trong nội đô đã được xử lý.

Không phủ nhận sự cố gắng của cơ quan chức năng nhưng cũng không thể nói rằng hạ tầng đô thị đã được cải thiện,người dân không còn phải chịu cảnh khó khổ trong mùa mưa. Tại TP HCM cũng như Hà Nội, không cần đến thông báo “điểm đen” của cơ quan chức năng thì người dân cũng biết chắc chắn là với lượng mưa như thế này thì dứt khoát nơi nào đó sẽ ngập, ngập tới đâu, thời gian bao lâu và cần phải tìm đường tránh nếu không muốn dầm chân trong nước, không muốn xe cộ bị hỏng. Như vậy là người dân đô thị lớn giờ đây phải sống giống như người dân ở những vùng chiêm trũng, tự họ đã hình thành “kĩ năng” nhận biết ngập úng và tìm cho mình cách tránh nó. “Kĩ năng” không vui ấy có được do thực tế “sống chung với ngập úng” trong mùa mưa.

Vấn đề hạ tầng cơ sở của Hà Nội, TP HCM đã được đặt ra một cách bức thiết, nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan. Có nhiều lý do được đưa ra, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất chính là việc hạ tầng đã quá tải nặng nề, cùng đó là việc phát triển thành phố một cách ồ ạt làm biến dạng địa hình tự nhiên của khu vực. Rất nhiều hồ nước tự nhiên trong thành phố đã bị san lấp (hay chí ít là thu hẹp) để biến thành đất xây dựng. Những hồ nước ấy vốn là nơi chứa nước, tiêu thoát nước mưa, để tránh cho những nơi khác rơi vào hoàn cảnh ngập úng. Nay hồ tự nhiên trong các thành phố còn sót lại rất ít, những khi mưa to nước không biết dồn vào đâu, nên đã biến đường sá thành những dòng sông, vì thế tất nhiên giao thông sẽ ngừng trệ. Đã vậy, đáy những hồ nước còn sót lại ấy lại ngày một đầy lên do bùn lắng, lượng nước chứa được rất ít. Nên lẽ ra nó phải là nơi chứa, thoát nước thì lại tràn ngược cả nước lên đường.

Trong nội đô, sự bê tông hóa mặt đất là hết sức dữ dội trong nhiều thập kỉ qua. Vì thế việc tiêu thoát nước một cách tự nhiên khi ngấm xuống đất đã không còn. Nước dồn lại trong một thời gian ngắn không ngấm xuống đất nước cứ “loay hoay” trên đường nhựa, nền bê tông “chờ xếp hàng” để chui xuống cống. Còn nhớ, cuối năm 2008, Hà Nội phải chịu cảnh ngập lụt ghê gớm. Lúc ấy, phân tích nguyên do, giới chuyên gia đô thị đã cho rằng cái chính là do nước không biết chảy đi đâu do diện tích bề mặt đất đã bị bê tông gần hết.

Cũng do tốc độ đô thị hóa quá mạnh, lại thiếu quy hoạch nên nhiều vùng đất thấp trong thành phố đã được tôn cao lên để san nền, xây nhà. Hàng loạt công trình cao tầng mọc lên ở những vùng đất thấp vốn là nơi để cho nước rút. Lúc đó, có người còn hồ hởi cho rằng chúng ta đã làm được điều thần kỳ khi biến những vũng đất trũng thành những khu dân cư đô hội. Cách nhìn nhận và hành xử như vậy đã đem lại nhiều hệ lụy không thể khắc phục, cho dẫu để tiêu thoát nước tránh ngập úng, người ta đã phải bỏ ra rất nhiều tiền đầu tư những trạm máy bơm để giải quyết tình thế.

Để giải quyết ngập úng cho các đô thị lớn, tới nay không thể nạy phá bê tông, đường nhựa (để tránh bê tông hóa), cũng không thể phá dỡ những công trình “hoành tráng” ở những vùng đất thấp, lại cũng không thể đào những con hồ trong phố- vì lấy đất đâu mà đào bởi “tấc đất tấc vàng” theo đúng nghĩa đen. Một thái độ tích cực lúc này là phải chấp nhận những gì đã có nhưng phải đưa ra được giải pháp mới cho hạ tầng đô thị. Giới chuyên gia có thể nghĩ ra nhiều cách, nhưng cách quan trọng nhất vẫn phải là cải tạo đi liền với xây dựng mới hệ thống thoát nước mới. Những hồ nước, những con sông phải được nạo vét thường xuyên chứ không đợi mưa xuống mới vét bùn một cách vội vã. Khi mưa to, đường ngập, có người đứng canh để mở nắp cống là tốt, nhưng lâu dài và triệt để phải là có được một hệ thống cống thoát nước hoàn chỉnh. Những công việc đó phải được làm đều đặn chứ không thể đợi mùa mưa.

Nhân chuyện này, cũng cần nói thêm đôi chút về cuộc vận động do MTTQ Việt Nam khởi xướng “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Ở vế thứ hai, đô thị văn minh, hình như vẫn ít được người ta chú ý một cách cụ thể. Tất nhiên, khái niệm đô thị văn minh là rất rộng, tiên tiến, nhưng nó cũng bao hàm cả những gì gắn liền với đời sống dân sinh của đô thị. Một thành phố mà có quá nhiều “điểm đen” ngập úng thì không thể gọi là đô thị văn minh. Một thành phố hễ mưa là ngập, buộc người dân phải tự hình thành kĩ năng vượt thoát nước thì cũng không thể gọi là đô thị văn minh. Một thành phố tầm nhìn quy hoạch quá ngắn cũng không phải là đô thị thông minh.

Và sau cùng, một đô thị văn minh không thể để cư dân của mình khổ sở trên những con đường ngập nước; không thể để người dân phải “đắp đê” trước cửa nhà ngăn nước, tát nước trong nhà ra mỗi khi mưa trút xuống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh báo hạ tầng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO