'Cây gậy' phòng dịch

Lê Anh Đức 01/04/2020 08:00

Thời gian qua, có khá nhiều người vi phạm quy định về phòng chống đại dịch Covid-19, nhưng chưa bị xử lý vì các cơ quan chức năng lúng túng trong việc áp dụng pháp luật. Để giúp các cơ quan tố tụng dễ nhận diện hơn, thực hiện thống nhất pháp luật, mới đây Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng chống Covid-19. Đây được xem như “cây gậy” giúp công tác phòng chống đại dịch Covid-19 hiệu quả hơn.

Theo văn bản hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán, những người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh, hoặc trở về từ vùng có dịch Covid-19 đã được thông báo cách ly nhưng bỏ trốn, từ chối, không tuân thủ quy định về cách ly, không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối... làm lây truyền Covid-19 cho người khác thì bị coi là cấu thành tội phạm hình sự theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 240, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.

Chiếu theo Hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán, hành vi của các bệnh nhân số 34, 178 đã cấu thành tội phạm hình sự quy định tại Khoản 1, Điều 240 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, mặc dù đã được xác định dương tính với SARS-CoV-2, nhưng nữ doanh nhân số 34 vẫn khai báo nhỏ giọt, khai báo gian dối không trung thực quá trình dịch tễ khiến các cơ quan chức năng hết sức vất vả trong việc khoanh vùng, cách ly những người có liên quan để phòng tránh lây lan Covid-19 trong cộng đồng.

Chính từ việc khai báo gian dối của nữ doanh nhân này mà có tới 10 người bị lây nhiễm Covid-19, tạo nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng vì lực lượng chức năng không thể kịp thời phát hiện, cách ly được những người đã nhiễm bệnh. Kèm theo đó là sự tiêu tốn không ít thời gian, công sức, tiền bạc của các cơ quan chức năng, trong quá trình truy vết một cách lần mò, mơ hồ. Hành vi của nữ doanh nhân số 34 khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc và lo lắng, nhưng đến nay chưa bị xử lý.

Hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán cũng nhấn mạnh hành vi gây hậu quả nghiêm trọng là làm lây lan bệnh cho từ hai người trở lên sẽ phải xử lý nghiêm khắc hơn nữa. Trường hợp của nữ doanh nhân số 34 không chỉ khai báo y tế gian dối, mà còn làm lây nhiễm Covid-19 cho 10 người khác thì mức độ vi phạm có thể nói là đặc biệt nghiêm trọng.

Hay như hành vi phá khóa cửa sau trốn khỏi khu cách ly của người thân bệnh nhân số 35, thanh niên trốn cách ly để về với vợ... chiếu theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng đều đã cấu thành tội phạm hình sự theo quy định tại Điều 240. Đặc biệt, hành vi chỉ đạo cấp dưới đi cách ly thay của giám đốc một công ty điện gió cũng đã vi phạm hình sự. So với một số người trốn khỏi nơi cách ly tập trung để về nhà, ông giám đốc nói trên còn xứng đáng bị xử lý nghiêm khắc hơn.

Hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán còn xác định, người có hành vi lợi dụng dịch Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh, nhằm chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự. Đơn cử như một công ty vừa qua bị phanh phui khẩu trang không có tác dụng diệt khuẩn, nhưng lại quảng cáo diệt khuẩn 99%, cũng đã vi phạm luật hình sự.

Trong suốt hơn 3 tháng cả xã hội gồng mình lên chống đại dịch Covid-19, cũng đã có không ít kẻ mua gom khẩu trang, vật tư y tế để xuất lậu qua biên giới kiếm lời bất chính. Song, giờ đây với hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán, người nào có hành vi đưa trái phép thuốc, vật tư y tế dùng vào việc phòng chống dịch Covid-19 ra khỏi biên giới nhằm thu lợi bất chính sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188, Bộ luật Hình sự 2015.

Không chỉ người dân, doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý hình sự, những người thi hành công vụ nếu có vi phạm cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, người có trách nhiệm phòng chống đại dịch Covid-19 nhưng không triển khai, hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360, Bộ luật Hình sự.

Dư luận hết sức đồng tình, ủng hộ Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc phòng chống đại dịch Covid-19 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, tuy có hơi muộn. Văn bản hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ giúp các cơ quan tố tụng định hình rõ các loại tội phạm liên quan đến phòng chống Covid-19, áp dụng pháp luật thống nhất trên toàn quốc tránh việc “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Mọi người kỳ vọng văn bản trên sẽ là “cây gậy” để răn đe, phòng ngừa, giúp công tác phòng chống đại dịch Covid-19 hiệu quả hơn, giúp chúng ta chiến thắng “giặc dịch”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Cây gậy' phòng dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO