Chặn thảm họa lũ nhân tạo

Bắc Phong 13/08/2019 07:00

Trong những ngày mưa lớn gây lũ vừa qua ở Tây Nguyên, bên cạnh thiệt hại lớn về nhiều mặt thì một vấn đề khiến dư luận rất lo lắng, đó là nguy cơ đến từ những hồ thủy điện. Câu chuyện thực sự nóng khi mà hồ thủy điện Đắk Kar (tỉnh Đắk Nông) có nguy cơ bị vỡ, uy hiếp tính mạng người dân của 3 tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Lâm Đồng. Hơn 300 hộ với hàng ngàn người dân phải sơ tán khẩn cấp. Đáng lo ngại hơn, trong khi sự cố thủy điện Đắk Kar chưa khắc phục xong thì tại huyện Đắk R’lấp lại xuất hiện sự cố tại thủy điện Đắk Sin 1 đe dọa người dân vùng hạ du.

Chặn thảm họa lũ nhân tạo

Đất lở xung quanh đập thủy điện Đắk Kar.

Đáng chú ý, lý giải nguyên nhân suýt vỡ đập, chủ đầu tư thủy điện Đắk Kar cho rằng sự cố van xả là do gỗ củi trôi về kẹt dưới cửa thoát nước khiến van tời không lên được. Cách giải thích đó không thuyết phục, khi mà ông Lê Viết Thuận - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông cho biết đã kiểm tra và không thấy gỗ kẹt dưới phay tràn như lý giải của chủ đầu tư. Quan trọng là với lượng nước lớn thì nâng phay tràn bằng thủ công không thể nào thực hiện được.

Như vậy, có thể thấy, chủ đầu tư đã chủ quan trong quá trình xây dựng, vận hành hồ. Cùng đó, việc xả tràn theo lối “sức người” rất có thể là do chủ đầu tư đã tiết kiệm chi phí mà không tính đến hậu quả có thể xảy ra.

Những năm qua, thủy điện vừa và nhỏ phát triển mạnh ở các tỉnh miền núi, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh sự đóng góp đáng kể vào nguồn năng lượng thì cũng đã có nhiều ý kiến phân tích “mặt trái”. Đó là sự biến đổi của môi trường, diện tích rừng bị thu hẹp, thay đổi dòng chảy của những con sông…, đặc biệt là nguy cơ đến từ “những quả bom nước trên cao” là những hồ chứa thủy điện.

Ông Thái Phụng Nê- nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng từng cho biết, không phải hồ thủy điện nào cũng có chức năng chống lũ, mà chỉ giúp giữ đỉnh lũ ở mức nào đó để ở phía hạ lưu người dân có thời gian chuẩn bị, không thiệt hại về người. Tuy nhiên, có quy định rất ngặt nghèo là dù hồ lớn hay nhỏ, chủ hồ không bao giờ được xả ra lưu lượng lớn hơn khi lũ về, tức là mức nước xả lớn nhất chỉ bằng nước lũ đến, tuyệt đối không được tháo nước ra nhiều hơn nước tự nhiên. Họ không có quyền tạo ra lũ nhân tạo. Nhưng, liệu điều đó có được nhà đầu tư chấp hành nghiêm túc khi mà nguy cơ vỡ đập có thể xảy ra, cũng có nghĩa là họ sẽ bị thiệt hại?

Trở lại với khu vực Tây Nguyên, ngày 12/7 vừa qua, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) trong buổi làm việc của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ thực trạng phát triển nhà máy thủy điện quá mức ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, gây ảnh hưởng đến đầu nguồn và là một trong những nguyên nhân của lũ lụt.

Dựa vào thế mạnh của vùng đồi núi, ở Tây Nguyên hầu như tỉnh nào cũng thu hút nhiều nhà đầu tư xây dựng các công trình thủy điện lớn, nhỏ và hồ chứa thủy lợi. Tuy nhiên, những bất cập về thủy điện và thủy lợi đã và đang tác động đến môi trường, vốn rừng, thổ nhưỡng của vùng. Với 4 hệ thống sông chính là Sê San, Sêrêpốk, sông Ba và sông Đồng Nai, các nhà máy thủy điện trong khu vực này đua nhau mọc lên. Được điện thì mất rừng; lụt lội, lũ quét, sạt lở sông, suối luôn là mối đe dọa trong mùa mưa. Ngay như chỉ 1 tỉnh là Đắk Lắk cũng có tới 24 nhà máy thủy điện đang vận hành. Chỉ riêng trên lưu vực sông Sêrêpốk đã có 12 nhà máy thủy điện. Xây dựng thủy điện dày đặc trên các dòng sông đã làm thay đổi lưu lượng dòng chảy và từng xảy ra sự cố về thủy điện, như việc vỡ bờ kênh thủy điện Sêrêpốk 4A vào năm 2013 - 2014 tại khu vực buôn Yang Bông, xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn). Hay như tại tỉnh Gia Lai, có 35 thủy điện đang vận hành, bên cạnh những thủy điện đang triển khai xây dựng…

Nguy cơ đến từ những thủy điện vừa và nhỏ là rất rõ ràng. Mùa mưa năm nay, trong sự biến đổi bất thường, cực đoan của thời tiết thì việc bảo đảm an toàn cho hệ thống hồ chứa thủy điện lại càng phải được đặt ra một cách cấp thiết. Việc suýt vỡ đập thủy điện Đắk Kar vừa qua là sự cảnh báo rất nghiêm khắc. Không thể vì bất cứ lý do gì để cho hồ thủy điện gây thảm họa cho người dân. Đặc biệt, việc xả lũ để “cứu hồ” trong mùa mưa lũ là không được phép, không thể chỉ vì lợi ích của chủ đầu tư mà hy sinh lợi ích cộng đồng. Cần tập trung rà soát, kiểm tra mức độ an toàn của hồ thủy điện, hồ thủy lợi; cùng đó phải có chế tài nghiêm khắc với quy định vận hành xả lũ của chủ thủy điện, thủy lợi. Không ai có quyền cho phép mình tạo ra lũ nhân tạo gây họa cho cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn thảm họa lũ nhân tạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO